Nam sinh đưa tranh biện vào lớp học

0
1116

“Trải nghiệm nhiều tình huống tranh biện, em mở mang tư duy rất nhiều sau đó”, Phạm Hoàng Ân – một trong các tác giả đoạt giải Tri thức trẻ vì giáo dục 2017, chia sẻ.

Một tiết học mà giáo viên chỉ là người hướng dẫn, làm giám khảo cho sự tranh biện của học sinh về một vấn đề được nêu trước đó. Còn học sinh là người làm chủ tiết học, phản biện, giải quyết mâu thuẫn và rút ra bài học cụ thể.

Đây là sáng kiến “Áp dụng hình thức debate (tranh biện) quốc tế vào hoạt động dạy và học ở trường THPT”, được cậu học trò Phạm Hoàng Ân cùng cô Nguyễn Ngọc Vân Anh (Trường THPT Long Thới, H.Nhà Bè, TP.HCM) gửi đến cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2017, và được trao một trong hai giải khuyến khích cho nhóm tác giả nhỏ tuổi nhất tham gia cuộc thi.

Học sinh làm chủ tiết học

Debate gồm nhiều hình thức tranh luận giữa các bên, nhằm bảo vệ quan điểm của mình. Hình thức debate được nhóm của cô Vân Anh và Hoàng Ân hướng đến trong dự án là formal debate, hay còn gọi là academic debate (tranh biện học thuật).

Nếu ở lớp học truyền thống, giáo viên chuẩn bị giáo án, lên lớp; học sinh nghe giảng, ghi chép bài trên lớp, được giao bài tập về nhà luyện tập… thì với lớp học áp dụng hình thức debate quốc tế, trước tiết học giáo viên sẽ chuẩn bị các kiến nghị, bài tập, phân chia công việc và hỗ trợ hướng dẫn cho học sinh.

Sau đó học sinh sẽ chia thành các nhóm để tìm hiểu vấn đề giáo viên giao, hệ thống kiến thức, trao đổi các thắc mắc và đề ra các hướng bảo vệ lập luận của nhóm mình.

Khi lên lớp, học sinh tranh biện với nhau để trả lời vấn đề giáo viên đưa ra, giải quyết mâu thuẫn quan điểm và rút ra những bài học cụ thể.

Tranh luận nảy lửa…

Tiết học ngữ văn về nghị luận xã hội của lớp 11A1 Trường THPT Long Thới vừa qua được bắt đầu bằng một câu hỏi: “Có nên cho học sinh đánh giá giáo viên?”. Đây là câu hỏi khá nhạy cảm và đã được giáo viên “đặt hàng” với học sinh trước tiết học nhiều ngày.

Trong tiết học, cô giáo dạy văn cùng cô Vân Anh, Hoàng Ân và ba học sinh khác làm giám khảo cho phần tranh luận của hai đội: đội ủng hộ và đội phản đối vấn đề nêu ở trên.

Đội ủng hộ mở đầu cuộc debate bằng cách cử một bạn nữ lên bảng, trình bày trong vòng 3 phút về định nghĩa “đánh giá giáo viên” là gì, đánh giá ra sao, bối cảnh đánh giá như thế nào, ưu – khuyết của việc đánh giá giáo viên và giá trị của nó.

Sau đó, đội phản đối cử một bạn đứng ra phản bác lại những ý kiến, lập luận của đội trước và mở rộng định nghĩa, bối cảnh của vấn đề. Không khí trong lớp học càng lúc càng nóng hơn, các học sinh say sưa, hào hứng tranh luận với nhau.

Dù còn lúng túng đôi chút nhưng các em đã trình bày các nội dung hỏi – đáp một cách rõ ràng, ngắn gọn và rành mạch, giúp các bạn còn lại trong lớp theo kịp vấn đề.

Các nhóm học sinh chơi sau hai đội trên sẽ sử dụng tiền đề của người tranh biện đầu tiên và bổ sung thêm luận điểm của mình. Người cuối cùng chơi có nhiệm vụ đưa ra một số lời bác bỏ, tóm tắt vấn đề phát sinh trong trận debate và rút ra bài học từ buổi tranh biện.

…để tìm giải pháp tốt

“Bản thân em đã tham gia nhiều trận debate nảy lửa. Em được trải nghiệm nhiều tình huống tranh biện và mở mang tư duy rất nhiều sau đó.

Trong tranh biện, đối với vấn đề bất kỳ, nếu em vốn ủng hộ nó, nhưng lượt của em là phải phản đối thì em buộc phải đứng ở góc độ người phản đối, tìm hiểu tại sao vấn đề đúng mà người ta không làm, tại sao sai mà người ta vẫn làm… Ví dụ như hút thuốc lá, tại sao hút thuốc lá không tốt cho sức khỏe nhưng người ta vẫn hút?” – Hoàng Ân giải thích.

Ân cũng chia sẻ thêm, sau các trận debate, bạn bè xung quanh em nói chuyện với nhau văn minh, lịch sự, có lý lẽ hơn, nhất là không cãi cọ loạn xạ, bất chấp như trước. “Mọi người học được cách tôn trọng các ý kiến trái chiều và cùng nhau tìm ra giải pháp tốt nhất” – Ân nói.

Sau khi áp dụng hình thức debate vào giảng dạy bộ môn hóa, cô Vân Anh nhận thấy học sinh chủ động hơn trong việc học, tăng tính tự lập, tự giác. Đồng thời, các em biết được vai trò của mình trong tiết học, biết bài học sẽ diễn ra như thế nào, tìm hiểu kiến thức ra sao thì hiệu quả, vấn đề đưa ra đúng hay sai, đúng sai ở đâu… từ đó đóng góp xây dựng tiết học.

“Kiến thức phải do học sinh tự tìm hiểu, tích lũy, còn giáo viên chỉ là người hỗ trợ, định hướng cho các em. Nếu học sinh thụ động nghe giảng thì những kiến thức đó sẽ không đọng lại lâu trong đầu các em, sẽ nhanh chóng bị trôi đi. Học sinh chủ động tìm hiểu kiến thức sẽ nhớ lâu, sâu hơn” – cô Vân Anh chia sẻ.

Học sinh không dám nói lên ý kiến của bản thân

Đầu tháng 10-2017, Hoàng Ân cùng cô Vân Anh tiến hành một cuộc khảo sát trong 631 học sinh của Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè) và THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM).

Với câu hỏi “Bạn có thường xuyên nói lên ý kiến của bản thân không?”, kết quả là gần 80% học sinh không thường xuyên và hiếm khi thực hiện điều này.

“Lý do chính các bạn không dám nói lên ý kiến của bản thân là lo ngại mình sai và không có thói quen phản biện. Em luôn tâm niệm, trong học tập phải biết mình sai ở đâu và sửa nó thì mới tiến bộ được.

Chứ suốt ngày cứ ôm thắc mắc trong đầu, không dám nói ra, cũng không biết nó đúng hay sai thì giáo viên sẽ không kịp thời điều chỉnh được những bất ổn của học sinh trong quá trình tiếp thu bài. Như vậy thì mình sẽ rất thiệt thòi trong chuyện học!” – Hoàng Ân chia sẻ.

Theo TTO