Nếu dịch COVID-19 kéo dài, Bộ Công an dự kiến các phương án tuyển sinh ra sao?

0
361

Nếu dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công an sẽ có phương án thay đổi tổ chức thi đánh giá năng lực riêng để xét tuyển vào các trường trực thuộc năm 2022.

Năm 2022, Bộ Công an dự kiến tổ chức bài thi đánh giá năng lực phục vụ công tác tuyển sinh hệ đại học chính quy sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, để đề phòng trường hợp dịch bệnh COVID-19 kéo dài, Bộ Công an đưa 3 phương án dự phòng.

Trường hợp 1, Bộ Công an tổ chức được kỳ thi riêng và Bộ GD&ĐT tiếp tục chủ trì tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thì kết quả thi tốt nghiệp chiếm 40% tổng điểm xét tuyển. Còn kết quả bài thi đánh giá chiếm 60%. Điểm được quy về thang điểm phù hợp theo quy định của Bộ GD&ĐT, cộng điểm ưu tiên khu vực, đối tượng theo quy định.

Trường hợp 2, dịch bệnh COVID-19 kéo dài, không thể tổ chức bài thi đánh giá, điểm xét tuyển được thực hiện như năm 2021. Cụ thể, kết quả học bạ THPT chiếm 25%, kết quả thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT chiếm 75% tổng điểm xét tuyển.

Trường hợp 3, cả 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và bài thi đánh giá tuyển sinh đều không được tổ chức, các trường công an nhân dân sử dụng kết quả học bạ THPT làm điểm xét tuyển và xét tuyển các thí sinh được đặc cách tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh xét tuyển trong năm 2021.

Trước đó, ngày 20/2, theo thông tin từ Cục Đào tạo, Bộ Công an, năm nay, 8 trường công an tuyển sinh đại học chính quy, gồm: Học viện Cảnh sát nhân dân, An ninh nhân dân, Chính trị Công an nhân dân, Đại học An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân, Phòng cháy chữa cháy, Kỹ thuật – Hậu cần Công an nhân dân và Học viện Quốc tế.

Tổng chỉ tiêu dự kiến của 8 trường vào khoảng 2.100. Các trường sẽ xét tuyển theo ba phương thức: tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả bài thi đánh giá năng lực do Bộ Công an tổ chức.

Bài thi đánh giá tuyển sinh trình độ đại học chính quy tuyển mới của Bộ Công an cấu trúc gồm 2 phần: Phần trắc nghiệm và phần tự luận.

Yêu cầu của bài thi: Đề thi đánh giá được các năng lực cốt lõi để học tập ở bậc đại học của thí sinh, không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục, văn hóa của Việt Nam, trong đó nội dung các câu hỏi để đánh giá trình độ văn hóa phải nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT.

Phần trắc nghiệm bao gồm: Kiến thức về khoa học tự nhiên, kiến thức xã hội, ngoại ngữ phù hợp với tổ hợp đăng ký xét tuyển vào các học viện, trường CAND; tập trung kiểm tra kiến thức trong chương trình THPThiện hành, độ khó cao hơn so với đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT để tăng khả năng phân loại thí sinh; phần tư duy logic tập trung kiểm tra các kỹ năng ghi nhớ, phán đoán, suy luận, đánh giá, nhận xét của thí sinh phù hợp với lĩnh vực công tác công an.

Phần tự luận: Thí sinh được lựa chọn một trong hai nội dung: Văn học, nghị luận xã hội hoặc giải toán.

Tổng thời gian làm bài 180 phút, trong đó phần trắc nghiệm 90 phút, phần tự luận 90 phút.

Đề thi minh họa được công bố công khai cho thí sinh và xã hội theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Trong tháng 3 hoặc 4, Bộ Công an sẽ công bố chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể của từng trường và bài thi mẫu để thí sinh tham khảo.

Khối ngành công an cũng điều chỉnh một số tiêu chí sơ tuyển. Cụ thể, với thí sinh nam, yêu cầu về chiều cao tăng từ 1,62 m lên 1,64 m. Quy định chiều cao với thí sinh nữ vẫn giữ nguyên 1,58 m. Riêng với thí sinh người dân tộc thiểu số, nam 1,62 m còn nữ 1,56 m.

Độ tuổi của thí sinh cũng có sự thay đổi. Học sinh phổ thông dự thi không quá 22 tuổi, tăng thêm hai tuổi so với trước đây. Riêng người dân tộc thiểu số không quá 25 tuổi, tăng ba tuổi.

Bộ Công an dự kiến kiểm tra khả năng vận động của thí sinh thông qua một số bài kiểm tra về thể lực như chạy 100 m, chạy 500 m, bật xa tại chỗ, co tay xà đơn.

Theo Báo Tiền Phong