Thi THPT quốc gia 2019 : Thí sinh chuộng tổ hợp có môn Tiếng Anh

0
732

Bộ GD&ĐT yêu cầu chậm nhất đến ngày 25/4, các đơn vị phải xong việc nhập hồ sơ đăng ký dự thi đại học.

Học sinh lớp 12 trên cả nước vừa hoàn tất việc đăng ký dự thi (ĐKDT) THPT quốc gia năm 2019.

Tại TP HCM, môn Tiếng Anh là điểm mạnh của học sinh, là một trong ba môn thi bắt buộc của kỳ thi THPT quốc gia. Vì thế, học sinh đăng ký xét tuyển nhiều nhất ở tổ hợp D01: Toán, Văn, Tiếng Anh; A01: Toán, Lý, Tiếng Anh.

Chủ yếu đăng ký 4-6 nguyện vọng
Ông Đỗ Đình Đoàn, Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi (quận 4, TP.HCM), cho biết năm nay, tổng số nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển là 3.085. Học sinh chủ yếu đăng ký từ 4 đến 6 nguyện vọng nhưng cũng có em đăng ký tới 15 nguyện vọng. Tổ hợp môn Toán, Văn, Tiếng Anh được học sinh tập trung sử dụng để xét tuyển.

Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) có 390 học sinh khối 12 thì khoảng 120 em đăng ký tổ hợp môn khoa học xã hội, còn lại chọn bài thi khoa học tự nhiên. Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết mỗi học sinh của trường đăng ký từ 3 đến 4 nguyện vọng, chưa có trường hợp đăng ký nhiều hơn.

THPT Lê Quý Đôn là trường nằm trong danh sách ưu tiên xét tuyển của ĐHQG TP.HCM nên học sinh chủ yếu đăng ký xét tuyển vào các trường thành viên như ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc tế…

ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có học sinh đăng ký xét tuyển nhưng không nhiều. Học sinh đăng ký xét tuyển chủ yếu tập trung vào tổ hợp A01, C (Văn, Sử, Địa), B (Toán, Hóa, Sinh).

Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) có 105 học sinh đăng ký bài thi tự chọn khoa học xã hội, 317 em còn lại thi khoa học tự nhiên.

Ông Hà Bảo Tâm, cán bộ học vụ của trường, cho biết có học sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng nhưng cũng có em đăng ký tới 20 nguyện vọng, còn phần lớn đăng ký 4 -5 nguyện vọng xét tuyển.

So với năm 2018, số lượng đăng ký nguyện vọng của học sinh năm nay giảm vì năm ngoái, các em tập trung đăng ký 6-7 nguyện vọng. Học sinh chủ yếu xét tuyển vào các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM ở các tổ hợp A (Toán, Lý, Hóa) A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh)…

Học sinh xét tuyển tổ hợp B vào các trường khối ngành sức khỏe không nhiều. Nhóm ngành kinh tế, đặc biệt là quản trị kinh doanh, được học sinh lựa chọn nhiều nhất, sau đó đến khối ngành kỹ thuật.

Sẽ hạn chế tối đa tiêu cực?

Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chậm nhất là ngày 25/4, các đơn vị phải hoàn thành việc nhập hồ sơ ĐKDT cho thí sinh. Chậm nhất ngày 25/5, các đơn vị hoàn thành thu phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT và hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp THPT kèm theo, nhập dữ liệu của thí sinh vào hệ thống quản lý thi.

Sau khi nhập xong dữ liệu, cán bộ phụ trách máy tính in thông tin đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT từ hệ thống quản lý thi, giao cho giáo viên chủ nhiệm hoặc cán bộ được phân công tổ chức cho học sinh rà soát, ký xác nhận.

Đồng thời, kiểm tra hồ sơ ĐKDT và các hồ sơ liên quan kỳ thi, xem xét điều kiện dự thi của từng thí sinh, xác nhận tư cách thí sinh, quyết định không cho thí sinh dự thi nếu không đủ điều kiện, hồ sơ hợp lệ và thông báo trực tiếp cho thí sinh.

Để hạn chế tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho hay quá trình chấm bài thi trắc nghiệm được thực hiện bằng máy tính với phần mềm chuyên dụng do Bộ GD&ĐT cung cấp. Những người tham gia công tác chấm thi trắc nghiệm không thể trực tiếp can thiệp để làm thay đổi dữ liệu dẫn đến làm thay đổi kết quả thi.

Quét bài thi gốc để đối sánh

Ông Mai Văn Trinh cho biết năm nay, việc sửa lỗi kỹ thuật chỉ thực hiện được ở những vị trí lỗi khi nhận diện ảnh quét bài thi do phần mềm phát hiện.

Trong suốt quá trình chấm thi trắc nghiệm, ảnh quét gốc bài thi của thí sinh không thể can thiệp và sửa chữa. Để tránh sai sót như năm trước, dữ liệu ảnh quét bài thi gốc (đã mã hóa) cũng được gửi về Bộ GD-ĐT để quản lý và đối sánh với kết quả chấm nhằm phát hiện những sai lệch một cách có chủ ý.