Thuộc nằm lòng “chiến thuật” làm trắc nghiệm Toán

0
4493

Làm toán trắc nghiệm đôi khi rất khác với làm bài trên giấy. Quan trọng là xử lý nhanh về kết quả chính xác. Để đạt điểm cao khi làm bài trắc nghiệm Toán, thí sinh nhớ thuộc nằm lòng những chiến thuật sau đây nha.

Xử lý nhanh các bài hình học

Không cần phải trình bày đầy đủ chỉnh chu trên giấy, có thể tính toán ngay trên hình, hạn chế viết nhiều, dùng ký hiệu hay trình bày như tự luận. Với bài hình học, tốt nhất bạn hãy tự tưởng tượng trong đầu và vẽ hình ra nháp nếu cần. Tuy nhiên, hãy dùng bút chì và chỉ vẽ bằng tay, đừng bao giờ dùng thước hay các dụng cụ học tập khác vì không ai chấm điểm phần này cả.

Đọc đề nhanh và khoanh vùng từng nhóm câu

Trong đề trắc nghiệm toán luôn có những câu hỏi lý thuyết và bài tập. Sau khi đọc lướt qua toàn bộ đề một lần, các sĩ tử hãy khoanh vùng thành 3 nhóm câu hỏi: lý thuyết, câu bài tập dễ và câu loại khó. Chọn câu hỏi lý thuyết rồi đến những câu bài tập dễ làm trước để chắc điểm lại không tốn nhiều thời gian. Hơn nữa, khi đã xử lý xong những câu trong khả năng, biết chắc có điểm rồi thì áp lực cũng sẽ giảm đáng kể để dành thời gian và tinh thần làm những câu khó hơn.

Và cũng lưu ý một nguyên tắc đó là nếu đã không làm được thì hãy bỏ lại để chuyển câu tiếp theo chứ đừng “chôn chân” ở một câu hỏi quá lâu để rồi lại phải hối tiếc.

Phân chia thời gian hợp lý

Làm bài trắc nghiệm thì áp lực thời gian là nặng nề nhất và ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả làm bài của các bạn. Vì vậy, nắm chắc thời gian và phân bổ hợp lý là bạn đã chiến thắng 1 phần rồi đấy.

Thời gian hợp lý nên là: câu hỏi dễ – thời gian làm bài khoảng 1 phút; câu hỏi trung bình – thời gian làm bài khoảng 2 phút; câu hỏi khó – cực khó, thời gian làm bài khoảng 3,5 phút.

Tận dụng máy tính cầm tay

Làm bài khối A và đặc biệt là môn Toán thì không thể thiếu máy tính cầm tay Casio. Hãy tận dụng tối đa công cụ hỗ trợ đắc lực này. Nó giúp các thí sinh giải nhanh và chính xác một số câu hỏi trong đề thi, đặc việt là trong các chuyên đề: Nguyên hàm – Tích phân, số phức, Mũ – Logarit… Một khi sử dụng máy tính thành thạo, bạn chỉ cần nhìn đề và bấm máy tính là ra kết quả, có thể bỏ qua bước ghi nháp.

Cuối cùng, lời khuyên cho các thí sinh là không nên “đầu hàng” trước khi hết giờ làm bài mà hãy “chiến đấu” nhiệt tình đến phút thứ 90, chỉ nộp bài khi giám thị yêu cầu và nhớ là không được bỏ trống bất cứ câu hỏi nào.

Theo doisongphapluat