Cô gái từng trải qua 23 lần phẫu thuật trở thành sinh viên Đại học Y Hà Nội sau 8 năm

0
1520

Bị thương tích cực kỳ nghiêm trọng trong vụ tai nạn giao thông làm dập nát hoàn toàn phần bụng và phải trải qua 23 cuộc phẫu thuật, cô gái Nguyễn Anh Nhi đã thi đỗ Đại học Y Hà Nội 8 năm sau vụ tai nạn kinh hoàng.

Cách đây gần 8 năm, ngày 1-12-2011, sau khi tan trường, Nguyễn Anh Nhi (năm nay 19 tuổi, ở huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) trở về nhà trên chiếc xe đạp. Trên đường về, Nhi bị xe tải chở cát tông phải, ngã văng xuống nằm bất động.

Cô gái từng trải qua 23 lần phẫu thuật trở thành sinh viên Đại học Y Hà Nội sau 8 năm - Ảnh 1.

Sau 23 lần phẫu thuật, cô gái 19 tuổi đã thi đỗ Khoa xét nghiệm, Trường ĐH Y Hà Nội

Chứng kiến tai nạn, ai cũng nghĩ cô bé đã chết. Sau giây phút kinh hoàng, mọi người kiểm tra thấy cơ thể cô bé bê bết máu, nhưng vẫn còn thở và cử động nên nhanh chóng chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Ngọc Lặc, sau đó chuyển ra BV Việt Đức.

Đến Bệnh viện Việt Đức, Anh Nhi được chuyển ngay vào phòng phẫu thuật, ca mổ tiến hành xuyên đêm đến tận sáng hôm sau với một loạt các tổn thương nghiêm trọng: Đụng dập và mất toàn bộ tổ chức thành bụng, đại tràng và ruột non tổn thương trên nhiều đoạn, mất rất nhiều máu trong ổ bụng.

Các bác sĩ và nhân viên y tế cố gắng tối đa để giữ lại sự sống mong manh cho bệnh nhi 13 tuổi. Vụ tai nạn giao thông khiến bệnh nhi phải cắt toàn bộ đại tràng, toàn bộ tử cung buồng trứng 2 bên, một phần bàng quang và niệu quản. Do mất hầu hết thành bụng nên sau mổ bệnh nhân được đặt miếng gạc che tạm các nội tạng bên trong để chăm sóc.

Sau ca mổ cấp cứu, bệnh nhân dần tỉnh lại, mở mắt và nhận ra mọi người.

Cô gái từng trải qua 23 lần phẫu thuật trở thành sinh viên Đại học Y Hà Nội sau 8 năm - Ảnh 2.

Sau ca phẫu thuật sinh tử, Anh Nhi đã hồi phục kỳ diệu

Tuy nhiên, đó mới là thành công bước đầu, bởi con đường chinh phục và chiến đấu với bệnh tật của Nhi phải kéo dài nhiều năm sau đó. PGS-TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, Bệnh viện Việt Đức, cho biết đây là ca bệnh phức tạp, bởi bệnh nhân có nhiều tổn thương rất nhỏ phải xử lý cùng lúc. Hơn nữa, bệnh nhân mất toàn bộ thành bụng, việc chăm sóc và sửa chữa gần như là điều không tưởng.

Vì thế, trong vòng 8 năm, bệnh nhân đã trải qua tổng số 23 ca phẫu thuật các loại với đủ các chuyên gia đầu ngành. Thậm chí, có cả các cuộc hội chẩn xuyên biên giới với các chuyên gia từ Pháp, Mỹ, Đài Loan. “Các bác sĩ Mỹ đến từ những thời gian đầu điều trị cho Nhi họ cũng đều nói ca bệnh khó và khả năng cả cứu sống cũng như phục hồi chức năng là quá khó khăn vì bệnh nhân quá nhỏ” – PGS Chính chia sẻ.

Bác sĩ Trần Tuấn Anh, một trong những người tham gia phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân, cho biết đây là một ca bệnh rất đặc biệt bởi bệnh nhi mất toàn bộ thành bụng. Do vậy, các chuyên gia cũng chỉ khuyên nên chờ đợi và xem có những tiến bộ y học. Vì thế, các bác sĩ đã dùng miếng lưới che phủ nội tạng và đã có hiệu quả. Qua nhiều quá trình chăm sóc tổ chức hạt mọc và tạo thành thành bụng mới như bây giờ. Tuy nhiên, thành bụng này không hề có cơ, cân… và những thành phần giữ như cấu tạo thành bụng bình thường.

Sau những ca phẫu thuật, khi sức khỏe của Nhi tạm ổn định, gia đình lại tiếp tục cho con theo học. Nhi vừa học vừa tiếp tục điều trị.

Cô gái từng trải qua 23 lần phẫu thuật trở thành sinh viên Đại học Y Hà Nội sau 8 năm - Ảnh 3.

Anh Nhi (giữa) cùng bố mẹ và tập thể các y bác sĩ Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn trước ngày nhập học

Những ngày nằm trên giường bệnh được các y bác sĩ chăm sóc, Nhi thầm mong mình sẽ đậu Đại học Y Hà Nội để trở thành một nhân viên y tế. Điều kỳ diệu là bệnh nhân sau đó đã phát triển, hòa nhập cuộc sống và học tập như các bạn cùng trang lứa và trở thành một sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội.

Trước khi bước chân vào cánh cửa Trường Đại học Y Hà Nội, Anh Nhi đã trở lại BV Việt Đức gặp lại các y bác sĩ, nhân viên Khoa Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn – những ân nhân của mình. Con đường phía trước của cô sinh viên y khoa này còn nhiều vất vả và thử thách. Đó cũng là những thử thách đối với các bác sĩ khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn để hoàn thiện cơ thể cho Nhi, bởi hiện nay tân sinh viên này vẫn còn mang hậu môn giả và được theo dõi đánh giá sẽ đóng lại sớm khi điều kiện cho phép.

“Gần 8 năm được chăm sóc tại “mái nhà” thứ 2 này, cháu đã đem niềm yêu mến vô cùng với các thầy thuốc áo trắng, cháu sẽ cố gắng học tập và mơ ước một ngày nào đó sẽ được khoác lên mình chiếc áo của sự thân thương, chia sẻ và thấu hiểu. Ngày hôm nay, cháu đã đạt được một phần ước nguyện của cuộc đời khi thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội, cháu cảm thấy rất xúc động và cảm ơn các bác các cô các chú đã tạo một động lực rất lớn cho cháu cố gắng nỗ lực để vào được trường y” – Nhi chia sẻ.