Cứ đến mùa tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm, từ kỳ thi “3 chung” trước kia và việc xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia những năm gần đây, điều mà thí sinh luôn trăn trở là làm thế nào để đưa ra quyết định chính xác để đăng ký xét tuyển vào trường nào đó khi mà mong muốn và năng lực học tập có khi chỉ là ranh giới hết sức mỏng manh; nếu đăng ký vào trường thấp mà điểm mình lại cao thì tiếc, còn đăng ký vào trường vượt quá điểm thi của mình thì
lại trượt…
Lựa năng lực để chọn trường
Năm nay, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển không hạn chế nguyện vọng, mừng nhiều nhưng lo không ít và đây là câu hỏi của nhiều thí sinh đặt ra là làm thế nào để tính toán được chính xác khi đặt bút làm hồ sơ xét tuyển để cho khỏi hối tiếc.
Về việc này, theo nhiều chuyên gia tuyển sinh có kinh nghiệm cho rằng: Thí sinh ưu tiên chọn trường ưa thích nhưng cũng phải tính đến khả năng chắc chắn. Làm thế nào để thực hiện điều này, nhiều phân tích cho rằng:
Thí sinh nên chia nguyện vọng thành 3 nhóm trường, tùy theo năng lực học tập, nếu năng lực xuất sắc thì có thể chọn lựa các trường trong tốp đầu; nếu năng lực học tập vừa phải thì nên chọn lựa ở nhóm tốp giữa; nhóm cuối cùng là những trường địa phương và một số trường ngoài công lập, đây là nhóm dự phòng vì thực tế là chỉ tiêu tuyển sinh ở nhóm này khá nhiều và đa dạng ở tất cả các ngành nghề, khả năng trúng tuyển là rất cao.
Để chắc chắn cho khả năng trúng tuyển, theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) – cho biết:
Điểm mới quan trọng trong Quy chế xét tuyển ĐH – CĐ 2017 là cho phép thí sinh đăng ký không hạn chế số nguyện vọng. Các nguyện vọng buộc phải xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến n.
Lý giải cụ thể hơn, PGS Trần Văn Nghĩa gợi ý: Thí sinh cần biết rằng, dù xếp theo thứ tự nguyện vọng nhưng việc xét tuyển giữa các thí sinh được thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng dựa vào kết quả thi.
Chẳng hạn, cùng đăng ký vào một ngành của một trường đại học, có một em nguyện vọng 1, một em nguyện vọng 2, một em nguyện vọng 5 đăng ký vào. Thí sinh nào điểm cao hơn sẽ thắng (không kể thuộc nguyện vọng nào).
Nếu một ngành có quá nhiều chỉ tiêu và thí sinh đăng ký thì sau khi xét hết các yếu tố bổ sung (thành tố điểm từng môn) mà vẫn còn thừa thì em nào có nguyện vọng ưu tiên hơn em đó sẽ thắng.
Tất nhiên, để đưa ra quyết định lựa chọn một ngành, trường nào với nhiều thí sinh quả là không dễ dàng. Chính vì thế lời khuyên đưa ra là thí sinh cần phải liệu năng lực học tập của mình mà lựa chọn trường, ngành học cho phù hợp.
Thí sinh cần lưu ý là danh sách đăng ký xét tuyển vào ngành/ trường theo thứ tự ưu tiên phù hợp nhất ngay từ đầu, để không cần phải điều chỉnh sau khi có kết quả thi.
Theo đó, thí sinh cần nắm vững nguyên tắc cơ bản xét tuyển năm nay, cụ thể: Đối với các trường, thí sinh được xét bình đẳng dựa trên kết quả thi, không phân biệt số thứ tự nguyện vọng; còn đối với thí sinh, trong đợt xét tuyển đầu tiên, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách đã đăng ký.
Thế nên, việc tính toán kỹ để đưa ra một phương án chuẩn, phù hợp với mình nhất, tránh sa đà vào quá nhiều nguyện vọng là điều mà các chuyên gia lưu ý thí sinh.
Không sa đà nhiều nguyện vọng
Cho dù quy chế cho phép thí sinh không hạn chế nguyện vọng đăng ký xét tuyển, chính vì thế nên nhiều chuyên gia tuyển sinh cũng cảnh báo thí sinh không sa đà vào việc xét tuyển quá nhiều nguyện vọng, đành rằng việc không hạn chế nguyện vọng là tốt, tăng thêm khả năng trúng tuyển vào một trường nào đó, nhưng cần phải tính toán kỹ lưỡng thì mới có kết quả khả quan nhất.
Cụ thể, trong đợt xét tuyển chính (đợt đầu), Quy chế quy định mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký phù hợp với kết quả thi.
Chính vì vậy, chuyên gia cho rằng, thí sinh nên cân nhắc thật kỹ, tránh việc đăng ký tràn lan các trường, các ngành, mà nên tập trung lựa chọn hướng đi nghề nghiệp tương lai sát với năng lực đam mê và sở thích của mình sau này.
PGS.TS Lê Văn Thanh – Chuyên gia tuyển sinh từ Viện Đại học Mở – đưa ra các bước cần thiết: Đầu tiên, thí sinh cần xác định được ngành/trường mà mình yêu thích, trên cơ sở năng lực học tập của mình tìm hiểu điểm chuẩn của những năm trước vào các ngành/trường này xem khả năng đáp ứng thế nào;
Tiếp theo dó, thí sinh cần đưa ra dự kiến mức điểm mình sẽ đạt được là bao nhiêu, để từ đó quyết định lựa chọn ngành nào có điểm chuẩn thích hợp.
Nên đăng ký xét tuyển vào vài ba ngành cao hơn kết quả thi dự kiến, cũng như vậy đăng ký xét tuyển tiếp vào vài ngành có điểm chuẩn thấp hơn kết quả thi dự kiến để xác lập danh sách các nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Sau khi có kết quả thi, việc điều chỉnh nguyện vọng là không cần thiết nếu thí sinh nhận thấy kết quả không lệch nhiều so với dự kiến.
Việc làm thế nào để xác định được ngành nghề phù hợp, và quan trọng hơn nữa là ngành nghề đó có nhiều cơ hội tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp không.
PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp – đưa ra phân tích: Xác định ngành nghề phù hợp là điều thí sinh nên cân nhắc kỹ, tuy nhiên nhiều khi việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở thích của mình lại không đồng hành cùng việc làm sau này.
PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị đưa ra dẫn chứng như tại trường ông, khá nhiều sinh viên vào trường với mong muốn sau này nghề nghiệp của mình gắn với chuyên môn học trong trường.
Nhưng khi tốt nghiệp, các bạn lại chọn lựa những nghề nghiệp gần với chuyên môn, tuy nhiên nền tảng mỹ thuật vẫn là bệ đỡ của sự trưởng thành.
Đừng quá cầu toàn, hãy thông thái trong chọn ngành nghề, cần tính đến khả năng việc làm sau này! – PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị nhấn mạnh.