Theo lịch của Bộ GD-ĐT, kỳ thi Tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra trong 2 ngày từ ngày 9-10/8. Như vậy, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, kỳ thi sẽ chính thức diễn ra. Trao đổi với VOV.VN, ông Phạm Quốc Toản, trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, Sở đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.
PV: Chỉ còn gần 2 tháng nữa, sẽ diễn ra kỳ thi Tốt nghiệp THPT, đến thời điểm này, công tác tổ chức thi của Hà Nội được tiến hành ra sao, thưa ông?
Ông Phạm Quốc Toản: Năm nay Bộ thay đổi tên gọi của kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm chuyển thành thi Tốt nghiệp THPT. Mục đích của kỳ thi cũng thay đổi theo. Các địa phương được giao nhiệm vụ tổ chức kỳ thi.
Tại Hà Nội, từ khi có chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND thành phố làm công tác chuẩn bị để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Cụ thể, Hà Nội đã rà soát số học sinh lớp 12, hiện toàn thành phố có 75.465 học sinh cuối cấp, dự kiến sẽ có khoảng 80.000 thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi, trong đó bao gồm cả thí sinh tự do. Hà Nội có 140 điểm thi trên 30 quận, huyện, thị xã. Thành phố đang rà soát cơ sở vật chất để đặt hội đồng thi
Bên cạnh đó, thành phố cũng rà soát toàn bộ đội ngũ giáo viên để điều động tham gia công tác coi thi, chấm thi. Dự kiến sẽ có khoảng 10.000 giáo viên các cấp từ THCS đến THPT tham gia vào kỳ thi.Tại Hà Nội, từ khi có chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND thành phố làm công tác chuẩn bị để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Cụ thể, Hà Nội đã rà soát số học sinh lớp 12, hiện toàn thành phố có 75.465 học sinh cuối cấp, dự kiến sẽ có khoảng 80.000 thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi, trong đó bao gồm cả thí sinh tự do. Hà Nội có 140 điểm thi trên 30 quận, huyện, thị xã. Thành phố đang rà soát cơ sở vật chất để đặt hội đồng thi.
Hà Nội cũng đã lên phương án để thành lập ban chỉ đạo thi của thành phố, có văn bản hướng dẫn gửi các phòng GD-ĐT, các Sở, ngành liên quan để đảm bảo phối hợp chặt chẽ trong công tác tổ chức thi.
Công tác tập huấn giáo viên cũng đã được tiến hành, để tất cả đội ngũ tham gia vào kỳ thi nắm chắc quy chế thi.
PV: Trong kỳ thi THPT quốc gia đã tổ chức trước đây, đã có những sai phạm, gian lận thi cử nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn, mọi giáo viên đều nắm chắc quy chế thi, làm việc công tâm, Sở GD-ĐT có giải pháp gì, thưa ông?
Ông Phạm Quốc Toản: Trước kỳ thi, chúng tôi rất quan tâm đến đội ngũ giáo viên tham gia vào công tác coi thi, chấm thi, cũng như mọi khâu khác của kỳ thi. Để tránh sai sót có thể nảy sinh, Sở đã hướng dẫn các giáo viên học tập quy chế, hướng dẫn tổ chức thi, nghiệp vụ làm thi.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rà soát đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên tham gia làm thi, đảm bảo đây là những người có tinh thần trách nhiệm cao, đã được học tập về quy chế. Hiện Hà Nội đã rà soát tại các cấp THPT, chọn ra được 80.000 cán bộ, giáo viên, cấp THCS 20.000 cán bộ giáo viên để tham gia vào các khâu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, kỳ thi năm nay cũng được tăng cường công tác thanh tra, các biện pháp kỹ thuật, quy định chi tiết trách nhiệm từng bộ phận để đảm bảo an toàn, nghiêm túc.
PV: Theo Bộ GD-ĐT, một trong những điểm mới của kỳ thi năm nay là sẽ đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học bạ. Tại Hà Nội, việc đối sánh này sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Quốc Toản: Ngành giáo dục Hà Nội rất ủng hộ chủ trương này của Bộ GD-ĐT. Thực tế, Hà Nội đã triển khai việc này từ những năm trước và khá thuận lợi. Các trường học hiện nay đều có sổ điểm điện tử, quản lý toàn bộ kết quả học tập trong các năm học phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12. Khi Bộ có hướng dẫn kỹ thuật cập nhật nội dung đối sánh, Sở GD-ĐT Hà nội đã có phương án thực hiện.
PV: Năm học 2019-2020 là một năm học đặc biệt khi học sinh phải nghỉ học dài ngày do dịch Covid-19, vậy ông có lời khuyên nào cho các thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020?
Ông Phạm Quốc Toản: Dịch Covid-19 là ngoài mong muốn, để khắc phục những khó khăn, Chính phủ và Bộ GD-ĐT đã có những chỉ đạo quyết liệt. Trên quan điểm chung là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, trong đó có cả việc ra đề thi phù hợp, đảm bảo tinh giản kiến thức.
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã lưu ý các điểm thi tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thí sinh để giảm bớt khó khăn, đặt quyền lợi của thí sinh lên cao nhất.
Thời điểm này, các em học sinh không nên quá lo lắng, giữ gìn sức khỏe, phân bố thời gian học tập hợp lý. Bên cạnh đó, các em cũng lưu ý vấn đề chọn ngành, nghề, phương án tuyển sinh của các trường đại học để có sự lựa chọn đúng đắn nhất.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV.VN