Số liệu khảo sát để xếp lớp tiếng Anh đầu vào các trường cho thấy có nơi tới 50%, thậm chí trên 80% sinh viên không đủ trình độ theo học tiếng Anh chính khóa.
Dựa trên chuẩn đầu ra, mỗi trường thiết kế chương trình đào tạo môn tiếng Anh khác nhau để giúp sinh viên (SV) khi ra trường đạt được chuẩn này. Chương trình tiếng Anh trong chương trình chính khóa được thiết kế theo các học phần, tính điểm và thường dao động từ 10 – 20 tín chỉ (tùy trường).
Ngay sau khi làm thủ tục nhập học, SV sẽ được các trường tổ chức kiểm tra tiếng Anh tập trung để đánh giá và xếp lớp học theo đúng trình độ đào tạo. Tuy nhiên, thực tế kết quả khảo sát cho thấy số lượng lớn SV không đủ trình độ theo học lớp đầu tiên trong chương trình tiếng Anh chính khóa của trường.
Có đến trên 82% tân sinh viên không đạt
Kết quả kiểm tra tiếng Anh đầu vào của SV khóa 59 Trường ĐH Nha Trang là ví dụ điển hình. 2.900 SV tham gia kiểm tra, có tới trên 2.400 điểm dưới mức 300 (trong số này có trên 1.000 điểm kiểm tra dưới 200 dựa vào 2 kỹ năng nghe và đọc).
Trong khi đó, theo quy định của Trường ĐH Nha Trang, SV tất cả các ngành có điểm dưới 200 đều phải học từ tiếng Anh A1 (cấp độ tiếng Anh thấp nhất của chương trình tăng cường trước khi vào chương trình chính khóa). Như vậy, SV khóa này không đủ điều kiện học tiếng Anh chính khóa lên tới trên 82%.
Tương tự, thống kê từ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng có trên dưới 50% SV các khóa không đạt trình độ tiếng Anh để theo học chương trình chính thức của trường.
Nguyên nhân do hạn chế trong cách dạy tiếng Anh bậc phổ thông
Theo tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, kết quả kiểm tra đầu vào tiếng Anh của trường cho thấy SV bị rớt nhiều nhất là kỹ năng nghe.
Theo ông Phương, việc này là phần nhiều do những hạn chế trong cách dạy tiếng Anh bậc phổ thông. “Bậc phổ thông, môn tiếng Anh chủ yếu dạy ngữ pháp, còn kỹ năng nghe và nói rất hạn chế. Trong khi đó, khi đào tạo và thi tiếng Anh bậc ĐH, đặc biệt là đầu ra các trường chủ yếu thực hiện dựa trên 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo định dạng đề thi Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN”, ông Phương phân tích.
Còn thạc sĩ Huỳnh Tôn Nghĩa, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng nói: “Cái yếu nhất của SV ở môn ngoại ngữ là khả năng viết và nói. Khi kiểm tra, 2 kỹ năng này thường phần lớn SV không đạt”. Nguyên nhân theo ông Nghĩa là do từ bậc phổ thông
SV đã không được trang bị 2 kỹ năng này.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Tiền Giang), cho rằng trình độ tiếng Anh của tân SV thể hiện rất rõ từ chính điểm thi môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia các năm.
Theo kết quả kỳ thi này năm nay, điểm môn tiếng Anh tiếp tục là một trong hai môn thấp nhất dù đề thi được đánh giá không khó và dễ hơn các năm trước. Mức điểm nhiều thí sinh đạt nhất ở môn này là 3,75 với con số lên tới 43.449 thí sinh và mức điểm trung bình của môn này là 4,3.
Ông Nguyễn Thanh Hải lý giải: “Điều kiện học tiếng Anh không đồng đều giữa các địa phương, đặc biệt về đội ngũ giáo viên. Trong khi đó, SV trúng tuyển ĐH tỷ lệ rất lớn đến từ nông thôn, nơi mà mặt bằng điều kiện học ngoại ngữ thấp hơn hẳn so với các thành phố lớn”.
Tuy nhiên, theo ông Hải, nguyên nhân sâu xa còn do học sinh học lệch, học đối phó môn tiếng Anh để tập trung vào các môn thi xét tuyển ĐH.
“Mặc dù học sinh vẫn nhận thức được việc học tiếng Anh là bắt buộc trong tương lai, nhưng trước mắt bậc phổ thông họ vẫn có tâm lý để lên ĐH mới học ngoại ngữ. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ sai lầm vì học tiếng Anh là một quá trình”, ông Hải nói.
Hiệu trưởng một trường THPT ở ĐBSCL cũng nhấn mạnh nguyên nhân thực trạng chủ yếu từ việc dạy học tiếng Anh ở phổ thông. Ông Q. cho biết theo chương trình này học sinh bậc THPT mỗi học kỳ có khoảng trên 50 tiết tiếng Anh và một năm khoảng 110 tiết. Với thời gian hạn chế này, việc dạy học chủ yếu đáp ứng chương trình học trong SGK và mục tiêu chính là học để thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Mà theo ông Q., kỳ thi THPT quốc gia môn tiếng Anh thi theo hình thức trắc nghiệm trên giấy nên học sinh cũng không cần luyện kỹ năng nói.