Số điểm liệt môn Ngữ văn nhiều gấp 7 lần năm 2018

0
1357

Số thí sinh đạt điểm từ 1 trở xuống môn Ngữ văn năm nay cao gấp 2,5 lần năm 2017 và gấp gần 7 lần năm 2018.

Sáng 14/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi THPT quốc gia để làm căn cứ xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2019. Cả nước có 3.147 thí sinh bị điểm liệt từ 1 trở xuống, giảm hơn 1.440 bài so với năm 2018.

Trong đó, môn Ngữ văn có số lượng thí sinh bị liệt cao nhất với 1.265 bài (chiếm 40%); tiếp đó là Ngoại ngữ 749 (trong đó riêng Tiếng Anh 630 bài), Lịch sử 395 bài, Toán 345 bài và thấp nhất là Giáo dục công dân 11 bài.

Nếu như năm 2018, Tiếng Anh là môn thi có nhiều điểm liệt nhất thì năm nay đứng vị trí thứ hai, với số điểm liệt giảm một nửa.

Trong khi đó, môn Ngữ văn năm 2018 chỉ có 181 bài bị điểm liệt thì năm nay tăng gần 7 lần. So với năm 2017, con số này gấp 2,5 lần (510 bài) và xấp xỉ năm 2016 (1.285 bài).

Theo thông lệ hàng năm, Ngữ văn luôn là môn thi đầu tiên, tạo tâm tâm lý thoải mái cho thí sinh vì dễ kiếm điểm trung bình và ít điểm liệt. Năm nay môn này có điểm trung bình không thấp – 5,49, nhưng số điểm liệt lại gây bất ngờ.

Là môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT, Ngữ văn có hơn 868.000 thí sinh dự thi. Đề bài gồm hai phần, phần làm văn với câu hỏi nghị luận văn học 5 điểm đề cập tới dòng sông Hương trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhiều thí sinh đánh giá đề Văn không khó, cấu trúc quen thuộc và tự tin đạt 6-7 điểm.

Thầy Nguyễn Thanh Phong (giáo viên trường Thực hành Sư phạm, Đại học Cần Thơ) cho rằng cấu trúc đề không giống như đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Ban đầu, Bộ nói không có câu hỏi hình thức mà xoáy vào nội dung. Nhưng đề thi lại xuất hiện hai câu về hình thức, đó là câu 1 về thể thơ và câu 3 biện pháp tu từ”, thầy Phong phân tích.

Về tổng thể, thầy Phong cho rằng đề Văn dễ, sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm cao. Phần đọc hiểu nhẹ nhàng, câu nghị luận xã hội khá quen thuộc, câu nghị luận văn học ở mức bình thường, không nâng cao.

Theo quy chế, thí sinh bị điểm liệt các bài thi để xét tốt nghiệp (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một trong hai bài tổ hợp Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên) thì sẽ bị trượt tốt nghiệp, phải thi lại vào năm sau.

Nếu thấy điểm số của mình sai sót, chênh lệch quá so với dự đoán, thí sinh có thể nộp đơn phúc khảo ở nơi đăng ký dự thi, hạn cuối là ngày 23/7.

Trường phổ thông, nơi thí sinh đăng ký dự thi, nhận đơn phúc khảo trong 10 ngày kể từ khi công bố điểm thi và chuyển dữ liệu thí sinh xin phúc khảo bài thi đến Hội đồng thi. Trong 15 ngày kể từ khi hết hạn nhận đơn phúc khảo, Hội đồng thi phải công bố và gửi kết quả cho thí sinh.

Năm 2019, gần 887.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia, giảm gần 40.000 so với năm ngoái. Tuy nhiên, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng lại tăng hơn 10.000, ở mức 653.000 thí sinh. Trong đó, thí sinh tự do chiếm 4,3%.

Theo kế hoạch tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của khối ngành giáo viên và các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trước 21/7. Các đại học phải chủ động cập nhật ngưỡng đầu vào trước ngày 22/7.

Từ ngày 22/7 đến trước 17h ngày 29/7, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng theo hình thức trực tuyến. Thời gian điều chỉnh bằng phiếu từ ngày 22 đến trước 17h ngày 31/7. Điểm chuẩn đợt 1 sẽ được công bố trước 17h ngày 9/8.