Các thí sinh vừa hoàn thành bài thi tổ hợp khoa học xã hội kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Nhiều thí sinh cho biết đề vừa sức, chỉ có môn sử ‘hơi khó’.
dụng Atlat để làm bài về các đặc điểm tự nhiên, dân số, đô thị, xã hội ở Việt Nam. “Nếu chỉ cần biết dùng Atlat thì thí sinh cũng có thể kiếm điểm 5 dễ dàng với đề thi này”, Anh Tú nói.
Tại điểm thi Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM), thí sinh thi môn khoa khoa học xã hội khá vui vẻ khi kết thúc các môn.
Em Thái Ngọc Tuyền cho biết: “Môn địa và sử, giáo dục công dân, mỗi môn 40 câu. Đề môn địa chỉ nằm trong chương trình 12, Atlat và 1 số câu bẫy. Còn môn sử cũng vừa sức, chỉ 7-8 câu cần sâu chuỗi sự kiện rồi chọn đáp án, nhưng câu này là câu “bẫy”, cần tỉnh táo”.
Trong khi đó, em Thanh Xuân, Trường Năng khiếu TDTT TP.HCM cho biết môn giáo dục công dân quá dễ. “Toàn lý thuyết chương trình lớp 12, và một số câu tình huống nhưng chỉ cần học bài là làm được, không đánh đố tình huống”, Xuân nói.
Thí sinh Huỳnh Trọng Nghĩa, trường THPT Nguyễn Trung Trực, An Giang nhận xét đề thi tổ hợp xã hội năm nay vừa sức, không quá khó hơn năm rồi. Em làm được khoảng 7 điểm.
“Em ấn tượng nhất là phần nói về ý nghĩa các cuộc chiến tranh và bài học rút ra đối với sau này. Nó có nghĩa rộng giúp thí sinh lấy điểm phần này”, em Nghĩa nói.
Còn thí sinh Trần Thị Bích Thủy cho biết môn địa lý có nhiều câu thách đố. Nếu xem Atlat không kỹ sẽ dễ làm sai đề yêu cầu. “Em thấy đề thi bám sát chương trình ôn tập, tụi em làm khá ổn nhưng khó đạt điểm cao”, em Thủy nhận xét.
Tại TP Cần Thơ, thí sinh Trần Lê Anh Tuấn vui vẻ nói: “Đề sử năm nay cho vừa tầm với tụi em. Em làm rất tốt, em dự đoán mình có thể đạt điểm 8 trở lên. Ngành Việt Nam học em đăng ký năm nay học đại học sẽ có cửa bước vào nó rồi”.
Tại điểm thi Trường THPT Trấn Biên (TP Biên Hòa, Đồng Nai), các thi sinh hoàn thành bài thi và ra về khá sớm. Em Lê An Nhiên thi khối khoa học xã hội nhận xét trong 3 môn Sử, Địa lý và Giáo dục thì đề Sử tương đối khó, đặc biệt là phần lịch sử nước ngoài. Đề tập trung vào học kỳ 1 nhiều hơn học kỳ 2 mà em được ôn.
Riêng 2 môn Địa lý và Giáo dục công dân Nhiên cho biết khá dễ. Môn giáo dục công dân có thể tự suy diễn là làm bài được, thí sinh không học bài vẫn có thể được điểm cao.
Nhiều thí sinh tại điểm thi THCS Lê Quý Đôn (Hà Nội) đánh giá tổ hợp Khoa học xã hội năm nay vừa sức. Các em chung nhận định môn Giáo dục công dân rất dễ, môn Địa có tới 20 câu cho sử dụng bản đồ nên các thí sinh đều làm khá nhanh.
Thí sinh Nguyễn Huệ Minh, CĐ Xây dựng công trình đô thị, đánh giá: “Tổ hợp Khoa học xã hội còn dễ hơn cả đề tham khảo của trường em. Đề thi năm nay ai học cẩn thận cũng được 8 điểm. Em đoán mình sẽ được 9 đến 9,5”.
Thí sinh Đỗ Lê Quang, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhận định: “Tổ hợp Khoa học xã hội năm nay khá dễ. Em làm tới câu thứ 30 vẫn thấy dễ. Em nghĩ ít nhất em phải trên 8 điểm.
Thí sinh Nguyễn Quỳnh Anh, THPT Nguyễn Tất Thành, cũng tự tin với Giáo dục công dân và Địa, và đánh giá Sử khó nhất trong ba môn.
Tại điểm thi trường THPT Yên Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội), em Đỗ Thuỳ Linh (THPY Yên Hoà) cho biết: “Về môn sử em ôn phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến, cho nên đề ra vào những phần trọng tâm đấy em nắm được khá chắc. Về môn địa thì có nhiều dữ liệu trong Atlat nên chỉ cần bám vào đấy có thể làm được bài. Môn GDCD bám sát với thực tế khi hỏi về trách nhiệm công dân trong dịch bệnh. Em nghĩ mình sẽ được điểm cao trong mấy môn này”.
Em Nguyễn Thanh Hằng, thí sinh tại điểm thi THCS Thái Nguyên (TP Nha Trang, Khánh Hòa), chia sẻ: “Đề Địa không khó, các câu hỏi ít đánh đố, chủ yếu kiến thức lớp 12. Đề xoay quanh các câu hỏi kinh tế biển, kinh tế các vùng, có 20 câu khá dễ, một số câu chọn biểu đồ yêu cầu các bạn phải tính toán và quan sát biểu đồ thật kỹ.
Môn Sử khó hơn nếu học bài chăm thì may ra mới đạt được điểm cao. Môn Sử có nhiều câu hỏi về các mốc của các chiến dịch kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp có một số câu khó mang tính hệ thống các bạn khá giỏi mới làm được. Đặc biệt các mốc thời gian gần giống nhau nếu không nhớ vững kiến thức và phân loại kỹ thì rất dễ làm sai. Môn Giáo dục công dân em thấy đề khá dễ”.
Còn thí sinh Lê Thu Phương, tại điểm thi THPT Lý Tự Trọng (TP Nha Trang, Khánh Hòa), cho hay: “Em thấy đề thi năm nay không quá khó, vừa tầm với thí sinh. Về môn Địa lý thì thí sinh sử dụng thuần thục Atlat đã kiếm chắc 4 điểm. Ngoài ra đề cũng ra các dạng biểu đồ quen thuộc.
Đối với môn Lịch sử đề ra tập trung ở học kỳ 2, học sinh vừa mới học nên cũng khá là dễ. Còn môn Giáo dục công dân, các câu hỏi tập trung về vấn đề pháp luật như trách nhiệm pháp lý, tranh chấp, khiếu nại… Nhìn chung với các đề trên em nghĩ các bạn chỉ cần ôn tập kỹ, hệ thống kiến thức sẽ có được 6-7 điểm”.
Tại điểm thi trường THCS Chu Văn An (thành phố Huế) các thí sinh bước ra cổng trường với tâm trạng khá thoải mái. Nhiều thí sinh dự thi tổ hợp xã hội cho rằng đề thi các môn xã hội năm nay khá vừa sức với thí sinh, toàn bộ kiến thức điều đã học các câu hỏi bám sát với đề thi thử của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên các thí sinh ước tính chỉ đạt điểm trung bình 6 – 7.
Bạn Nguyễn Thu Phương (THPT Nguyễn Trường Tộ) nói: “Đề Địa không khó, các câu hỏi ít đánh đố, chủ yếu kiến thức lớp 12. Đề Địa lý xoay quanh các câu hỏi kinh tế biển, kinh tế vùng, có 20 câu khá dễ, sử dụng Atlat Địa lý thuần thục giúp em hoàn thành bài thi một cách tốt hơn, em tự tin bài thi này đạt 8-9 điểm.”
Thí sinh Trần Phương Anh cho biết: “Đề Địa dễ, còn đề Sử khó. Môn sử nếu học bài kỹ may ra mới đạt điểm cao. Môn Sử có nhiều câu hỏi về các mốc thời gian hay các chiến dịch kháng chiến khác nhau rất khó khăn để em nhận biết và nhớ rõ các mốc lịch sử. Đặc biệt, có các câu hỏi mang tính hệ thống các bạn khá giỏi mới làm được.”
Tại điểm thi trường THCS Trần Cao Vân (TP Huế), thí sinh Thái Trần Việt Hương (THPT Bùi Thị Xuân) chia sẻ: “Đề thi sử năm nay hơi khó, đề môn địa với môn GDCD tạm ổn. Em đoán là mình sẽ làm được khoảng 7 đến 8 điểm”.
Thí sinh Bảo Nguyên, lớp 12A1 trường THPT An Lương Đông (huyện Phú Lộc) chia sẻ: “Em nghĩ môn Lịch sử phải học bài kỹ, nắm rõ các giai đoạn của các chiến dịch thì mới đạt điểm cao, còn đề Địa và Công dân thì em thấy khá dễ”.
Trải qua 150 phút hoàn thành tổ hợp bài thi khoa học xã hội, nhiều thí sinh tại điểm thi trường THCS Phú Thượng, thành phố Huế vui vẻ, thoải mái khi rời khỏi phòng thi. Các bạn đánh giá đề thi tổ hợp các môn xã hội vừa sức, toàn bộ kiến thức đều đã được học, chủ yếu lớp 12.
Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Thảo (THPT Phan Đăng Lưu) dự thi tổ hợp xã hội, đánh giá: ” Đề thi năm nay em thấy vừa sức với mình, nội dung gần với đề thi minh họa. Môn địa lý nhiều câu sử dụng atlat, riêng môn lịch sử là môn khó nhất với em.
Thi tổ hợp ba môn, mỗi môn 50 phút nên bản thân khá căng thẳng. Em tự chấm được khoảng 7,5 điểm với bài thi Lịch sử; 8 điểm môn Địa lý và 8 điểm với môn Giáo dục công dân.”
Thí sinh ở Đà Nẵng tỏ ra thích thú khi đề thi GDCD có câu hỏi mang tính thời sự, liên quan đến tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh cho rằng đề khá nặng về pháp luật.
Thí sinh Huỳnh Đỗ Đức Minh, điểm thi THPT Nhuyễn Trãi, nhận định: “Đề quá nhiều câu nặng về pháp luật, em vẫn kỳ vọng đề GDCD ra nhiều câu hỏi mở hơn, trong bối cảnh đất nước đang gặp khó khăn về dịch bệnh, em mong có thêm các câu hỏi về tình người xoay quanh dịch bệnh”.
Theo Minh, đề GDCD khá nhẹ nhàng.
Tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), thí sinh rời phòng thi trong tâm thế vui vẻ, thoải mái. Nhiều thí sinh đánh giá đề thi tổ hợp xã hội năm nay vừa sức, toàn bộ kiến thức đều đã học, nhiều câu hỏi giống với đề thi thử của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh Nguyễn Thục Nhi cho hay năm nay em đăng ký thi vào khối C nên tập trung ôn tập rất kỹ. “So với mọi năm, năm nay đề Sử và Địa dễ hơn. Các câu chủ yếu tập trung kiến thức đã học. Môn Sử thì liên quan nhiều đến các mốc lịch sử, các chiến dịch kháng chiến chống Mỹ, đề Địa lý chủ yếu là các câu hỏi kinh tế biển, kinh tế các vùng. Với đề thi này, em chắc mình sẽ đạt khoảng 7-8 điểm cho hai môn”, Nhi nói.
Còn thí sinh Võ Thị Thu Hương (trường THPT Trần Cao Vân, TP Tam Kỳ) cho rằng đề tổ hợp xã hội vừa sức với các bạn thí sinh khối năng khiếu và có học lực khá. Các câu hỏi Sử cơ bản dễ nhớ, kiến thức tập trung nhiều vào nội dung lớp 12. Tuy vậy, đề vẫn có sự phân hóa thí sinh khi có nhiều câu hỏi khó, mang tính tư duy cao.
Giáo viên: đề địa lý phân hóa tốt, GDCD điểm trung bình từ 8 trở lên
Theo Th.s Vũ Thị Bắc, giảng viên Khoa Địa lý, Trường ĐHKHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM, đề thi môn Địa năm nay có sự phân hóa khá rõ. Trong đó, có hơn 10 câu hỏi thuộc dạng quen thuộc, thí sinh sử dụng Atlat là có thể làm được.
Tuy nhiên, đề thi cũng có một số câu về gỉai pháp ngành kinh tế và vùng kinh tế. Đây là những câu thuộc dạng tư duy, dành cho những thí sinh có định hướng vào ĐH khối chuyên ngành khoa học xã hội.
Vì vậy, nhìn chung với đề thi năm nay, thí sinh trung bình có thể đạt 6 điểm để xét tốt nghiệp THPT nhưng để đạt 10 điểm thì không dễ.
Với môn GDCD, theo cô Võ Thị Hậu, tổ trưởng Tổ GDCD, Trường THPT Marie Curie, TP.HCM, đề thi môn GDCD năm nay bám sát đề minh họa, các câu hỏi khá cơ bản nhưng cũng có một số câu mang tính phân hóa thí sinh.
Đặc biệt, đề thi có khoảng 10 câu là những tình huống thực tế, có cả câu hỏi liên quan đến COVID-19 nên rất gần gũi và thời sự. Tóm lại, nếu thí sinh có học bài cẩn thận thì việc đạt 10 điểm không quá khó. Tôi dự đoán điểm trung bình môn GDCD năm nay sẽ từ 8 trở lên.