Trách nhiệm của lãnh đạo UBND, Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La ở đâu?

0
1441

Buổi gặp gỡ báo chí để thông tin kết quả rà soát trưa 23/7 đã có một sự “giằng co” trước đó: Tỉnh nói rằng chưa thể họp báo ngay vì chưa tới giờ. Sau đó, buổi cung cấp thông tin vẫn diễn ra chậm 30 phút so với dự kiến.

 

Qua xác minh ban đầu, 5 người có liên quan tới các sai phạm đã được nêu tên. Tuy nhiên, về việc những người này tham gia trực tiếp hay gián tiếp tới sai phạm thì tổ công tác và đại diện UBND tỉnh vẫn chưa đưa ra được câu trả lời.

Có bao nhiêu phụ huynh Sơn La 'chạy điểm' cho con?
Ông Phạm Văn Thuỷ – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia – trả lời tại buổi gặp gỡ chia sẻ thông tin với báo chí. Ảnh: Đoàn Bổng

Trong buổi chia sẻ thông tin với báo chí, ông Hoàng Tiến Đức – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh này đã không có mặt, mà theo ông Mai Văn Trinh thông tin là “do có lý do đặc biệt”.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Đức khẳng định: Toàn bộ quy trình tổ chức kỳ thi tại tỉnh được thực hiện rất nghiêm ngặt, không hề có bất cứ tiêu cực nào.

Nói tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí, ông Phạm Văn Thuỷ – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tỉnh nhà cho biết “tôn trọng kết quả của tổ công tác” và quan điểm của ban lãnh đạo tỉnh là cầu thị, minh bạch và tuyệt đối không bao che.

Có bao nhiêu phụ huynh ‘chạy điểm’ cho con?

Những nghi vấn “con ông, cháu cha” đang được liệt kê dần dần. Giống như Hà Giang, bức xúc của người dân Sơn La là những đồn đoán về “chạy điểm” của các phụ huynh có chức sắc.

Chị Hoa – một phụ huynh Sơn La có con thi năm nay – chia sẻ: “Chúng tôi đấu tranh không phải chỉ để đưa ra mấy cái tên lãnh đạo sai phạm, mà quan trọng hơn là xử lý những phụ huynh đã chạy điểm cho con để răn đe những người khác cho những năm sau”.

“Năm nay con tôi đạt 23 điểm và có nguyện vọng vào trường Y. Tôi cũng xác định, kể cả không có những trường hợp chạy chọt thì với điểm ấy con mình cũng khó có thể vào được Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội, mà sẽ chọn những trường Y khác thấp điểm hơn. Thế nhưng, tôi không chỉ thấy thương con mình mà còn thương tất cả những cháu khác đã cực kỳ nỗ lực bằng chính sức mình để đạt được những điểm số đó”.

Liên hệ với chị Hoa lúc 9 giờ tối 24/7, chị cho biết chị vừa đi băm cây ngô để bán cho công ty bò sữa và đang trên đường đi bộ về nhà. Nhưng gia đình chị vẫn còn may mắn hơn nhiều gia đình khác ở địa phương.

“Có 2 cháu ở khu vực nhà tôi nhà rất nghèo, thi trầy trật mới được gần 23 điểm. Hai bà mẹ đều suốt ngày lăn lộn bán rau ngoài chợ. Rồi có cháu đang học trường Y để trở thành bác sĩ tương lai nhưng bố mất, còn một mình mẹ nuôi 2 chị em. Mỗi ngày người ta chỉ mong kiếm được 50 nghìn thôi cũng khó. Còn rất nhiều trường hợp khác các cháu học tốt nhưng gia cảnh cực kỳ khó khăn. Tôi thấy thương vô cùng. Thế nên, chúng tôi đấu tranh để đòi lại quyền lợi cho tất cả những đứa trẻ ấy, chứ không riêng gì con nhà mình. Tôi không bao giờ nghĩ nếu không có những trường hợp đấy thì điểm số con mình sẽ vươn lên, mà chỉ muốn sự công bằng cho tất cả thí sinh, cho những đứa trẻ đã giành được điểm số bằng mô hôi, nước mắt của mình” – bà mẹ này chia sẻ.

Có  hay không lộn xộn ở trường thi?

Chia sẻ với phóng viên, một số học sinh, phụ huynh phản ánh những hiện tượng được cho là không bình thường trong quá trình coi thi như giám thị mang đề của thí sinh ra khỏi phòng, sau đó lại mang đề (không rõ là đề mới hay đề cũ), đồng thời phản ánh thêm một số hiện tượng khác.

Khi được hỏi về những phản ánh này của phụ huynh và học sinh, ông Nguyễn Bình Long – Hiệu Phó Trường THPT Chuyên Sơn La – cho biết: Theo báo cáo sau khi kết thúc kỳ thi thì tại điểm thi của trường không có trường hợp nào bị lập biên bản vi phạm quy chế thi, kỳ thi diễn ra nghiêm túc.

Ông Nguyễn Văn Lam (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thảo Nguyên, Mộc Châu – trưởng điểm thi Trường THPT Chuyên Sơn La) cho biết: “Trong quá trình diễn ra kỳ thi, cùng với các cán bộ coi thi của trường phổ thông, của ĐH Thủ đô, thanh tra của Bộ GD-ĐT, thanh tra của Sở GD-ĐT, chúng tôi đã làm đúng quy chế và làm hết trách nhiệm của mình. Không có bất cứ điều gì khuất tất xảy ra”.

“Tôi nhớ có một môn thi có 1 đề bị thiếu mất 1 trang. Sau khi nhận được báo cáo của cán bộ coi thi, chúng tôi có bóc túi đề thi dự phòng. Tôi không nhớ chính xác đó là môn nào, nhưng đã báo cáo đầy đủ bằng văn bản gửi cho Sở GD-ĐT” – ông Lâm cho hay. 

Trong buổi thông tin cho báo chí về kết luận ban đầu ở Sơn La trưa ngày 23/7, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, tổ trưởng tổ công tác tại địa phương này – cho biết, tất cả những trường hợp vi phạm khi đã đủ chứng cứ, sẽ xử lý theo quy chế. Nếu ở mức độ phức tạp hơn, căn cứ vào tình hình cụ thể để xử lý theo các quy định của pháp luật hiện hành. Còn khi chưa có chứng cứ đầy đủ, Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan có trách nhiệm điều tra, xác minh.

Theo Vietnamnet