Tuyển sinh đại học năm 2022: Sức hút các kỳ thi riêng

0
879

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022 của giáo dục đại học (ĐH) được Bộ GD-ĐT nhấn mạnh là đẩy mạnh tự chủ, tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh giai đoạn 2021-2025 gắn với đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT. Từ sự cởi mở này, đã có nhiều ĐH, trường ĐH mạnh dạn tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển, giảm dần lệ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT. 

Thu hút nhiều thí sinh 

Thực hiện Luật Giáo dục ĐH (Luật số 34) và lộ trình đổi mới tuyển sinh của Bộ GD-ĐT từ nay đến năm 2025, các trường được tự chủ cao trong tuyển sinh gồm thi tuyển, xét tuyển và kết hợp thi tuyển – xét tuyển. Nhiều trường đẩy mạnh việc tổ chức các kỳ thi riêng (thi đánh giá năng lực – ĐGNL, thi ĐGNL chuyên biệt, đánh giá tư duy…) để xét tuyển ĐH bên cạnh phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và các phương thức xét tuyển khác.

Ngoài ra, nhiều trường mạnh dạn bổ sung thêm phương thức tuyển sinh mới với các tiêu chí lần đầu tiên được áp dụng như hoạt động xã hội, văn thể mỹ, năng khiếu (nghệ thuật, thể dục thể thao…). Minh chứng rõ nhất là các tuyển thủ bóng đá nữ của đội tuyển quốc gia vừa đoạt vé dự World Cup 2022 được nhiều trường ĐH công bố tuyển thẳng do có thành tích quốc tế xuất sắc.

Năm 2022, kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM được tổ chức tại 17 địa phương (từ Đà Nẵng đến Kiên Giang) so với 7 địa phương trong năm 2021. Ở đợt thi đầu tiên tổ chức ngày 27-3 có 79.372 thí sinh dự thi. Ở đợt thi thứ 2 ngày 22-5, tổ chức tại TPHCM, Đà Nẵng, An Giang, Nha Trang có 42.500 thí sinh đăng ký dự thi. Năm nay, kỳ thi ĐGNL cũng có đến 86 trường ĐH, CĐ trong và ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TPHCM đăng ký sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển. Riêng các trường, khoa thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM dành tối thiểu 40% tổng chỉ tiêu để xét tuyển.

Trong khi đó, năm 2022, lần đầu tiên ĐH Quốc gia Hà Nội cũng tổ chức kỳ thi ĐGNL trải rộng cả nước với 16 lần thi. Hiện nay đã có 50 trường đăng ký sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển. Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH khác như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM cũng tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển. Nhiều trường ĐH khác cũng đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi của các trường để xét tuyển. Đặc biệt, năm nay cũng là năm đầu tiên các trường khối công an cũng tổ chức thi ĐGNL để xét tuyển. Đề thi 180 phút gồm 2 phần trắc nghiệm và tự luận. Hiện nay, Bộ Công an đã công bố 4 dạng thức đề thi để thí sinh tham khảo và dự kiến sẽ tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT khoảng 10 ngày.

Khuyến khích đổi mới tuyển sinh    

PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết, bộ khuyến khích các trường ĐH chủ động hợp tác, liên kết tổ chức kỳ thi ĐGNL, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo. Đồng thời, tạo điều kiện cho thí sinh, tránh việc thí sinh phải đi lại tốn kém, phải tham dự nhiều kỳ thi. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cũng đang xây dựng trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của các cơ sở giáo dục ĐH và trung tâm khảo thí độc lập.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng, các kỳ thi như ĐGNL, đánh giá tư duy của một số trường hiện nay để xét tuyển ĐH là nỗ lực rất lớn trong lộ trình thực hiện tự chủ theo luật định. Dù các kỳ thi chưa thể phủ rộng cả nước nhưng việc có hàng trăm trường đăng ký sử dụng kết quả để xét tuyển đã cho thấy uy tín của các kỳ thi này. Trong cuộc làm việc mới đây với đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì, ĐH Quốc gia TPHCM đã kiến nghị Bộ GD-ĐT ủng hộ chủ trương và đầu tư phát triển kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM thành kỳ thi quốc gia, điểm thi là căn cứ để xét tuyển đầu vào cho các trường ĐH khu vực các tỉnh miền Trung và phía Nam.

Trong khi đó, theo các chuyên gia tuyển sinh, ngày càng có nhiều trường ĐH nỗ lực tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh là tín hiệu tích cực. Việc các trường giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và tăng chỉ tiêu ở phương thức mới, xét tuyển kết hợp tiêu chí năng lực cho thấy các trường đã ý thức được đổi mới tuyển sinh ĐH là xu thế tất yếu. Khi Bộ GD-ĐT chưa có phương án cụ thể cho đổi mới thi và tuyển sinh thì nên tạo điều kiện, khuyến khích các cơ sở chủ động hợp tác để tổ chức kỳ thi riêng. Kỳ thi nào đủ uy tín, đủ độ tin cậy thì khuyến khích phát triển về quy mô tổ chức để tạo thuận lợi cho thí sinh tham gia.

Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng