Trung tâm luyện thi tung chiêu độc ‘gom’ thí sinh

0
329

Nắm bắt được tâm lý của thí sinh, ngay khi Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội công bố tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, các trung tâm luyện thi đã tung các chiêu để thu hút thí sinh.

Tự học là giải pháp tốt nhất

Chỉ cần một cú click chuột liên quan đến từ khóa “luyện thi đánh giá năng lực”, trên trang tìm kiếm Google lập tức cho trên 20 triệu kết quả. Đồng thời, không quá khó để tham gia các nhóm luyện thi đánh giá năng lực; loại hình nào cũng có để đáp ứng nhu cầu của thí sinh, từ nhóm kín đến nhóm công khai, từ mất tiền đến miễn phí.

Một trung tâm luyện thi quảng cáo khoá luyện thi với bộ đề thi được biên soạn bởi ban chuyên môn của trung tâm, bám sát cấu trúc đề minh họa đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2022, đảm bảo đầy đủ cả về mặt kiến thức lẫn tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản. Bộ đề gồm 16 đề luyện thi có lời giải chi tiết và giá là 499.000 đồng.

Một trung tâm luyện thi khác thì chốt bứt tốc về đích trong 90 ngày. Khóa luyện thi toàn diện đầu tiên: luyện phương pháp, kỹ năng làm bài đạt kết quả cao trong thời gian ngắn; 20 đề bám sát cấu trúc đề thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội… Để khẳng định tầm quan trọng của việc luyện thi, trung tâm này thông tin có hơn 50 trường xét tuyển bằng điểm kì thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Trong đó 60 – 70% chỉ tiêu các trường top đầu dựa vào điểm thi này (như trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Thương mại, Học viện Ngân hàng,…). Mặt khác, trung tâm còn khẳng định là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cung cấp hình thức luyện thi toàn diện với kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và cam kết mục tiêu chinh phục 120+/200 điểm. Khóa luyện thi được chia thành hai loại hình để thí sinh lựa chọn. Khóa video bài giảng là 900.0000 đồng, khóa livestream là 1.350.000 đồng.

Một số website tiếng Anh hoặc cựu giáo viên cũng quảng bá thông tin luyện thi đánh giá năng lực. Tình trạng này đã xảy ra những năm trước, khi ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức thi đánh giá năng lực.

Trên fanpage Luyện thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội do các cựu sinh viên lập ra với trên 46.000 thành viên cho thấy, rất nhiều thí sinh hoang mang, lo lắng và băn khoăn không biết có nên tham gia các lớp luyện thi đánh giá năng lực hay không.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của người “đi trước”, thành viên Đỗ Trung Kiên cho rằng không nên tham gia các khóa luyện thi đánh giá năng lực. Bởi khoá học trực tuyến không thể nào nắm bắt chiều rộng của đánh giá năng lực và giúp học sinh đạt điểm cao với cách dạy tủ. Theo thành viên này, trên mạng hiện nay có rất nhiều khóa học quảng cáo đến kêu mức “cua trong lỗ cũng bò ra”, đảm bảo này nọ nhưng chất lượng thật sự rất tệ. Kiên cho rằng đánh giá năng lực phạm vi quá rộng, cấu trúc đề vẫn vậy nên tự học là giải pháp tốt nhất.

Làm đề tham khảo trực tuyến trước khi thi

Kỳ thi đánh giá năng lực hiện nay là một trong các phương thức xét tuyển ĐH chính quy được nhiều trường đại học tin cậy sử dụng. Tính chất quan trọng của kỳ thi dẫn đến nhu cầu ôn luyện của thí sinh ngày càng cao. Năm 2021, do dịch COVID-19, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội không tổ chức được trọn vẹn. Còn kỳ thi của ĐH Quốc gia TPHCM chứng kiến lượng thí sinh tham gia cao kỷ lục, 70.000 thí sinh, so với 5.000 năm 2018, 40.000 năm 2019, 60.000 năm 2020. Tỷ lệ xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp của các trường ĐH top đầu ngày càng giảm, dẫn đến tâm lý thí sinh lo lắng cơ hội xét tuyển năm nay.

Việc các trung tâm luyện thi với đủ các chiêu trò quảng cáo, theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, cơ quan chức năng phải vào cuộc kiểm tra giấy phép đăng ký mới biết được, còn thí sinh khó có thể biết thực hư thế nào. GS Nguyễn Tiến Thảo cho rằng đánh giá năng lực là bài thi đánh giá năng lực học sinh theo chuẩn đầu ra của chương trình THPT, không phải là bài thi kiểm tra kiến thức. Thí sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông là có thể làm tốt. Hơn nữa, bài thi được xây dựng từ nguồn ngân hàng câu hỏi lớn nên xác suất trùng lặp là vô cùng thấp.

“Việc ôn luyện chỉ mang lại tâm lý cho thí sinh chứ khó làm tăng điểm bài thi. Cách tốt nhất là thí sinh làm đề tham khảo trực tuyến trước khi đăng ký dự thi và trước ngày đi thi”, GS Thảo nhấn mạnh.

Ông Thảo khẳng định, bản thân Trung tâm cũng có giải pháp để “kiểm soát” những người ra câu hỏi trong ngân hàng đề thi. Đó là số lượng cán bộ ra đề thi của trung tâm đều bị giới hạn bởi quy định một cán bộ không ra nhiều đề thi; phải được tập huấn cách thức ra đề thi đánh giá năng lực và cam kết không tổ chức luyện thi; ngân hàng đề thi trên 10.000 câu hỏi và mỗi cán bộ không được làm quá 20 câu; đề thi bốc ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi, mỗi thí sinh có 1 đề riêng và không trùng lặp.

Về phía ĐH Quốc gia TPHCM, đơn vị này cũng cam kết không tổ chức luyện thi đánh giá năng lực. Trong mỗi đợt thi các năm trước, không thí sinh nào được phép mang đề thi ra khỏi phòng thi. Mỗi năm ĐH Quốc gia TPHCM chỉ công bố đề thi mẫu minh họa đánh giá năng lực. Do vậy thí sinh cần tham khảo những thông tin chính thống.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, nguyên nhân do tâm lý cứ thi là tìm lò ôn luyện kể cả không thu được lợi ích gì của thí sinh. Hơn nữa, do thời gian qua, thí sinh phải học trực tuyến quá lâu nên càng sợ thi không đạt kết quả tốt.

Theo Báo Tiền Phong