Tuyển sinh ĐH-CĐ 2022: Điều chỉnh có lợi cho thí sinh

0
354

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT – cho biết như vậy tại buổi tư vấn trực tiếp “Những thông tin mới nhất về tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022” diễn ra tối 10-3.

Tuyển sinh ĐH-CĐ 2022: Điều chỉnh có lợi cho thí sinh - Ảnh 1.

Buổi tư vấn trực tuyến tối 10-3 – Ảnh chụp màn hình

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh một số nội dung trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, chủ yếu về mặt kỹ thuật và cơ bản theo hướng có lợi cho thí sinh.

Chỉ điều chỉnh kỹ thuật

Thông tin về chính sách chung của Bộ GD-ĐT trong quy chế thi THPT, bà Thủy cho biết năm 2022 không sửa quy chế thi THPT; nội dung thi, đề thi mẫu như năm 2021.

“Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ nay đến ngày tổ chức thi, Bộ GD-ĐT sẽ tham vấn các đơn vị chức năng, địa phương để quyết định thời gian, số lần tổ chức thi THPT đảm bảo thuận lợi, tính công bằng khi thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển. Như năm 2021, nội dung thi nằm chủ yếu ở chương trình lớp 12. Đề thi mẫu có thể áp dụng, vận dụng như năm vừa rồi” – bà Thủy thông tin.

Về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, bà Thủy nhấn mạnh: “Điều đầu tiên khẳng định quy chế tuyển sinh năm 2022 về cơ bản giữ ổn định như các năm trước; nếu có điều chỉnh thì để nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập như điều chỉnh trong khâu kỹ thuật của công tác tuyển sinh vào đại học, cao đẳng và cập nhật các quy định của luật, pháp lệnh của Quốc hội, quy định của Thủ tướng Chính phủ…

Tiếp đến, tổ chức triển khai công tác đăng ký trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Cổng thông tin của Bộ GD-ĐT, do đó việc đăng ký xét tuyển của thí sinh đối với các phương án xét tuyển chủ yếu theo hình thức trực tuyến, trừ trường hợp đặc biệt vẫn đăng ký trên giấy, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của công tác tuyển sinh.

Thứ ba, dự kiến thí sinh đăng ký xét tuyển đại học chỉ một lần. Một lần ở đây không phải là đăng ký rồi thì không thay đổi mà là thực hiện đăng ký xét tuyển chỉ trong khoảng thời gian quy định, ví dụ 3-4 tuần sau khi thí sinh đã cân nhắc tất cả các lựa chọn. Khoảng thời gian này đủ cho các em lựa chọn và đưa ra quyết định cuối cùng về các nguyện vọng đăng ký tuyển sinh của mình.

Thứ tư, các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các trường khác nhau ở các phương thức tuyển sinh khác nhau sẽ được xếp thứ tự ưu tiên của thí sinh từ 1 đến hết. Nguyện vọng 1 là nguyện vọng được ưu tiên nhất, mong muốn nhất được trúng tuyển của thí sinh (có xem xét đến năng lực của mình).

Cuối cùng, cũng như năm 2021, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất đã đăng ký theo nguyên tắc: tất cả các nguyện vọng của thí sinh theo các phương án tuyển sinh của cơ sở đào tạo sẽ được lọc ảo chung trên hệ thống.

Theo bà Thủy, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát chính sách ưu tiên khu vực, đối tượng, áp dụng có lộ trình tạo thuận lợi cho các trường, thí sinh trong việc xác định ưu tiên, vận dụng chính sách ưu tiên. “Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT rà soát kết quả học tập của thí sinh ở cấp trung học phổ thông (học bạ điện tử) để cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, nhằm phục vụ công tác xét tuyển vào đại học, tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường, nhất là đối với thí sinh có sử dụng kết quả học tập để xét tuyển” – bà Thủy nói.

Kế hoạch tuyển sinh phụ thuộc vào thời điểm thi THPT. Bộ GD-ĐT cố gắng công bố trong thời gian sớm nhất có thể. Chúng tôi sẽ có tài liệu hướng dẫn đăng ký xét tuyển. Thời gian đăng ký khá dài, các thí sinh yên tâm.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy

Đáp ứng đủ nguyện vọng cho thí sinh

Đặt câu hỏi cho ban tư vấn, học sinh Nguyễn Kiến Quốc (tỉnh Bắc Ninh) lo kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội quá tải, không đăng ký thi được. Trước thắc mắc này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội – cho rằng từ tháng 2 đến tháng 4 tình hình dịch bệnh phức tạp, hầu như học sinh mong muốn đăng ký nhiều lần mặc dù chỉ tính điểm một lần.

“Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã mở cổng đăng ký cho 5 đợt thi đầu tiên, quy mô gần 20.000 thí sinh. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục mở đăng ký cho 7 đợt còn lại với quy mô khoảng 50.000 thí sinh. Do đó, số lượt thi còn khá nhiều, đáp ứng đủ nguyện vọng thí sinh” – ông Thảo giải thích.

Tương tự, một học sinh ở Hà Nội phân vân khi tham gia kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội: “Trường tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực, vậy điểm chuẩn lấy theo từng đợt hay đợi tất cả các đợt thi tổ chức xong?”.

Trả lời câu hỏi này, ông Thảo cho biết năm 2022, Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố lịch 12 đợt thi từ tháng 2 đến tháng 7. Số lượt thi khoảng 75.000 cho 12 đợt thi. Mỗi đợt, sau hai tuần thí sinh sẽ có điểm. “Các trường đại học có lịch xét tuyển vào tháng 5, 6, 7, 8 tùy từng trường. Thông thường các trường thông báo nộp hồ sơ, các em có điểm thì cứ nộp, trường sẽ xét từ cao xuống thấp chứ không đợi hết đợt. Các trường cũng không nhất thiết đợi kết quả. Còn điểm bao nhiêu thì tùy trường, không có con số chung, tùy từng ngành, tùy thời điểm xét tuyển” – ông Thảo nói.

Buổi tư vấn trực tiếp “Những thông tin mới nhất về tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022” diễn ra trên nền tảng Zoom webinar, đồng thời phát trực tiếp trên Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn), kênh YouTube báo Tuổi Trẻ và fanpage Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp. Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – thương binh và xã hội) thực hiện, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Theo Báo Tuổi trẻ