Vì sao học sinh ác cảm với môn toán?

0
744
Có tới khoảng 70% học sinh THPT ‘sợ’ môn toán. Nhiều giáo viên và phụ huynh nghĩ rằng con em mình không học được môn toán nên dễ phản ứng với nội dung môn học này.
PGS Lê Anh Vinh nói về việc giúp học sinh thoát khỏi nỗi sợ môn toán /// TUYẾT MAI
PGS Lê Anh Vinh nói về việc giúp học sinh thoát khỏi nỗi sợ môn toán. TUYẾT MAI
Điển hình là thông tin đưa xác suất, thống kê vào toán lớp 2 thời gian gần đây.
Xác suất có thể dạy từ mầm non !
PGS Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, đồng thời cũng là chủ biên của sách giáo khoa (SGK) toán mới ở bậc tiểu học, chia sẻ quan sát của bản thân về việc dạy và học toán hiện nay. Đầu tiên, là việc có nhiều thầy cô và cha mẹ học sinh (HS) đều cho rằng con em mình không học được môn học này. Khi có thông tin dạy xác suất thống kê cho HS lớp 2, thì phản ứng đầu tiên của dư luận là “khó thế làm sao học được” là minh chứng cho điều đó.
Ông Vinh khẳng định, việc dạy xác suất thống kê cho HS lớp 2 là cần thiết nhưng đó chỉ là các bài học giản đơn, gần gũi cuộc sống, thậm chí có thể dạy từ cấp mầm non, nhằm giúp HS gắn bài học với thực tiễn. Nghe toán xác suất, thống kê thì to tát nhưng những bài toán này rất nhiều trong đời sống, có thể dạy từ cấp mầm non. Thí dụ, yêu cầu HS đếm đúng số người, biết phân loại theo tính chất, hoặc quan sát cái gì thường hay xảy ra… Cụ thể, đối với nội dung thống kê, ở cấp tiểu học, HS được học những bài học trực quan sinh động, từ những quan sát cuộc sống để đưa ra các nhận định thống kê.
Cũng theo chuyên gia này, sau khi đưa nội dung xác suất thống kê vào, các bài học khó hơn như phân số, tích phân mà SGK hiện hành đang có đều được bỏ bớt. Như thế, chương trình vừa không nặng nề, không quá tải mà giúp HS hiểu toán học gắn với thực tiễn ra sao, giúp ích cho cuộc sống như thế nào.
Dạy toán thống kê giống như dạy về lòng yêu nước
GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, cũng cho rằng việc HS lớp 2 học xác suất, thống kê cũng giống việc HS lớp 1 phải học về lòng yêu nước. “Không ai nghĩ sẽ dạy Bình Ngô đại cáo cho các em tuổi tiểu học nhưng có thể dạy các em yêu nước từ những thứ rất đơn giản như yêu con vật, yêu ngôi nhà, yêu quê hương. Đấy chính là yêu nước. Việc học toán xác suất, thống kê cũng thế, không hề to tát mà là những bài học tự nhiên trong cuộc sống”.
Tương tự như vậy, theo GS Khoái, nếu nói HS tiểu học phải học toán tổ hợp, nhiều người sẽ ầm ĩ lên, nhưng ông cho rằng thực tế, bài học tổ hợp rất gần gũi và đơn giản, chẳng hạn trình bày các cách sắp xếp dãy số 1234. Ở đây, sẽ có nhiều cách sắp xếp khác nhau. Đấy chính là toán tổ hợp. “Thực tế các yếu tố tổ hợp đều có trong tất cả các bài học và tự nhiên chứ không phải đến tận THPT mới học toán tổ hợp để đi thi. Cũng giống như các bài toán xác suất, thống kê trong chương trình tiểu học đơn giản và tự nhiên, không phải áp dụng cao siêu như nhiều người nghĩ”, GS Khoái nói.
Làm cho học sinh yêu toán được không ?
PGS Lê Anh Vinh tâm tư: “Toán học thực ra đẹp như một bức tranh, thế nhưng chương trình, SGK toán ở phổ thông là một bức tranh đơn điệu không nhiều màu sắc”.
Trong rất nhiều lần tiếp xúc với HS, PGS Vinh thường hỏi trong năm vừa qua thích bài học toán học nào nhất thì HS (kể cả HS trường chất lượng cao, trường “điểm” ở Hà Nội) đều rất khó trả lời. “Có con bí quá thì nói con thích học bảng cửu chương”, PGS Vinh kể. Tương tự với GV, khi được hỏi về tiết dạy, bài dạy mà các thầy cô cảm thấy hài lòng, hứng khởi nhất thì các thầy cô chủ yếu nêu những khó khăn, cản trở, rất ít GV chỉ ra những tiết dạy khiến họ hài lòng. “Điều này khiến tôi rất lo, vì nếu GV không cảm thấy hào hứng thì làm sao truyền được điều ấy cho HS trong mỗi giờ dạy của mình. Theo thống kê thì hơn 70% lên cấp THPT có ấn tượng không tốt lắm với môn toán. Đó là những vấn đề khiến tôi rất trăn trở, suy nghĩ làm sao để điều chỉnh cách dạy và cách học”, PGS Vinh chia sẻ.
PGS Lê Anh Vinh nêu thực trạng HS học mà không nghĩ, khi GV đưa phiếu bài tập cho HS thì các bạn chỉ làm những bài mà mình được học, những bài chưa được học là bỏ qua, không thích tìm tòi, khám phá cái mới. Bên cạnh đó, việc dạy và học toán hiện nay thiếu sự tương tác; không gắn với thực tiễn và môn toán thường được đưa ra làm ví dụ điển hình. “Chúng tôi đặt ra mục tiêu với môn toán, trong đó mục tiêu quyết định sự sống còn là giúp HS yêu thích môn toán ngay từ tiểu học, từ lớp 1. Nếu không có điều này thì không thể học tiếp được. HS bây giờ đã thay đổi, nhiều em ở cấp THCS, THPT đã có phản ứng tại sao các em phải học cái này, cái kia, nó có cần gì cho cuộc sống và công việc của các em sau này hay không. Đó là thực tế mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận nếu không giúp HS thấy ý nghĩa thiết thực của việc học toán, yêu thích môn toán thì các em sẽ không học. Cơ hội này ở tiểu học là lớn nhất và nó tạo nền tảng ban đầu cho HS”, PGS Vinh nói.
PGS Lê Anh Vinh nêu quan điểm: “Ở cấp tiểu học thì điều quan trọng là HS phải được học thông qua các trò chơi. Tôi vào lớp 1, nhìn ánh mắt của các con thì mới hiểu rằng nếu lớp 1 mà HS không được học thông qua các trò chơi thì đúng là thầy cô có lỗi với các em”. GS Hà Huy Khoái cũng cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới, dễ và “hay” hơn cho GV vì việc dạy học vui vẻ hơn, HS học tập hứng thú hơn.