Xét tuyển ĐH-CĐ: Cẩn trọng với thứ tự đăng ký không giới hạn

0
3110

Năm 2018, việc đăng ký không giới hạn nguyện vọng giúp nhiều thí sinh trở thành tân sinh viên ĐH. Nhưng, nếu thiếu cẩn thận khi sắp xếp nguyện vọng, dù trúng tuyển, thí sinh vẫn phải học ngành ít mong đợi nhất.

Rộng cửa cơ hội trở thành tân sinh viên

Theo Quy chế xét tuyển CĐ, ĐH năm 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường. Các nguyện vọng phải được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao nhất xuống thấp nhất (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Dù xếp thứ tự nguyện vọng nhưng việc xét tuyển giữa các thí sinh được thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng dựa vào kết quả thi.

Quy chế đăng ký nguyện vọng không giới hạn giúp nhiều thí sinh có cơ hội vào đại học theo sở thích và năng lực

Được thực hiện từ năm 2017, quy chế này tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong “cuộc đua” trở thành tân sinh viên đại học.

Mai Trang (Thái Bình, sinh viên năm 1 chia sẻ): “Mình thích ngành thể dục thể thao từ nhỏ nên năm ngoái đã nộp nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Sức học của mình ổn, có thêm giải Điền kinh cấp Thành phố nên mình khá chắc suất đỗ vào trường. Vậy mà, trước kỳ thi THPT Quốc gia mình bị ốm, làm bài không tốt nên không đủ điểm vào nguyện vọng 1.”

Thay vì chỉ chọn 1 nguyện vọng theo học lực, Mai Trang tận dụng quy chế, đăng ký xét tuyển thêm nguyện vọng 2 vào khoa Sư phạm Thể dục Thể thao, ĐH Sư phạm Hà Nội. “May mà được đăng ký nhiều nguyện vọng, trượt lựa chọn số 1, mình đỗ vào nguyện vọng 2, vẫn được học ngành ưa thích ở một trường lớn.” Trang cho biết.

‘Không giới hạn’ nhưng nên dừng ở 3-4 nguyện vọng

Cũng theo quy chế của Bộ Giáo dục – Đào tạo, mỗi thí sinh nếu đăng ký xét tuyển vào nhiều trường/ ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng.

Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong số các nguyện vọng đã đăng ký trước đó. Do đó, nếu không sắp xếp các nguyện vọng hợp lý theo sở thích và năng lực của bản thân, dù trúng tuyển, thí sinh vẫn phải học ngành mà mình không đam mê nhất hoặc có đủ khả năng theo đuổi nhất.

Phạm Huy (Hà Nội), một thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển vào ĐH năm ngoái, là người đã gặp phải tình trạng này. Khi làm hồ sơ, Huy không chú ý đến việc sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên mà cứ “nghĩ ra trường nào thì viết trường đấy” – theo lời nam sinh này chia sẻ. Kết quả xét tuyển của Huy khá tốt, đủ điểm vào trường cậu thích nhất là Đại học Điện lực.

“Mình ghi Đại học Điện lực là nguyện vọng thứ 3 chứ không phải nguyện vọng 1 bởi nghĩ thứ tự sắp xếp không quan trọng. Cuối cùng, theo quy chế, mình buộc lòng phải vào nguyện vọng 1, dù đó không phải là trường mình thích nhất.” giọng Huy trầm xuống khi kể lại.

Tìm hiểu kỹ quy chế, hiểu đam mê và năng lực bản thân, tận dụng các chương trình học bổng là cách để nhiều thí sinh không cần đăng ký quá nhiều nguyện vọng mà vẫn chắc suất ở trường đại học mình thích.

Thay vì đăng ký nguyện vọng tràn lan, thí sinh nên chọn 3-4 trường, phân theo nhóm. Nhóm trường ưa thích và có điểm chuẩn cao hơn một chút so với sức học, nhóm trường hoàn toàn nằm trong khả năng đỗ và nhóm trường “dự bị” điểm chuẩn thấp hơn khả năng thí sinh có thể đạt được.

Hoàng Minh (học sinh lớp 12, Hà Nội) chia sẻ cậu bạn đăng ký ngành Kỹ thuật phần mềm, ĐH FPT làm nguyện vọng 1. Ngành An toàn thông tin của ĐH FPT là nguyện vọng 2 của Minh bởi cậu dự kiến điểm xét tuyển của mình sẽ nằm trong ngưỡng an toàn nếu chọn ngành này. Với nguyện vọng 3 ở một trường CNTT khác, Minh đã tính toán rất kỹ trước khi đăng ký xét tuyển.

“CNTT là sở thích của mình. Mình đã tìm rất hiểu kỹ. Nếu học CNTT nhất định phải vào ĐH FPT. Thế nên 2 nguyện vọng chính mình đều dồn cho ĐH FPT cả. Ngoài ra mình cũng đăng kí sơ cua một trường CNTT khác, nhưng chắc sẽ không cần dùng đến.”, Minh kể về cách đăng ký nguyện vọng của mình.

Anh Nguyễn Hoàng Linh, bố của Minh thì chia sẻ từ góc độ phụ huynh: “Năm nay có quy định các trường phải công bố tỉ lệ việc làm của sinh viên thì mới được tuyển sinh. ĐH FPT đã công bố con số này từ nhiều năm trước, tỉ lệ việc làm rất cao, nhất là ngành CNTT, năm nào cũng từ 96-98%, nên gia đình cũng an tâm cho con trai chọn cả 2 nguyện vọng là ĐH FPT.”

Bên cạnh việc tìm hiểu các cách thức đăng kí nguyện vọng theo quy chế của Bộ, các sĩ tử khối 12 cũng chia sẻ thêm bí quyết “chắc cửa” cho kì thi đại học mà vẫn vào được trường mình yêu thích. Đó là tìm hiểu những trường tổ chức phỏng vấn hoặc làm bài kiểm tra đánh giá năng lực, cấp học bổng cho thí sinh.

Thay vì mất thời gian chọn nhiều nguyện vọng, thí sinh có thể xác định rõ trường mình thích, tìm cách “săn” các học bổng này. Học bổng được nhiều sĩ tử lớp 12 đặt trong danh sách đi săn của mình phải kể đến Học bổng Nguyễn Văn Đạo hoặc Học bổng tài năng dành cho học sinh năng khiếu văn thể mỹ của ĐH FPT.

Theo Dantri