Với việc đổi mới phương thức thi, các học sinh đều cảm thấy tin tưởng hơn khi lựa chọn ôn tập cùng các thầy cô gáio tại trường và tự học tại nhà.
Sắp tới kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, thầy giáo Sông Trà chia sẻ bài viết về không khí ôn tập của học sinh lớp 12 trong giai đoạn nước rút này.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Còn khoảng hơn hai tháng nữa là đến kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 với mục tiêu “hai trong một”, vừa để công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông vừa để xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
Có thể nói, từ năm 2015 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường đại học lập đề án tuyển sinh riêng, mở rộng các phương thức tuyển sinh.
Vì thế, thay vì tìm tới các trung tâm, lò luyện thi như nhiều năm trước, năm nay hầu hết học sinh lớp 12 ở các các địa phương đều chọn cách ôn thi tại trường và tự học ở nhà, học trực tuyến qua mạng.
Các em cho rằng, nguyên nhân ít đăng ký luyện thi tại các trung tâm vì hầu hết các môn đều thi trắc nghiệm, cách ra đề cũng bớt căng hơn trước.
Thời gian dành cho việc ôn tập sau khi kết thúc chương trình phổ thông ngắn nên việc tìm tới trung tâm luyện thi sẽ không đạt được hiệu quả bằng ôn thi ngay tại trường, nhà.
Một số Ban giám hiệu ở các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nhận định, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố các đề thi giới thiệu Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, thầy cô giáo, học sinh đều thấy mức độ câu hỏi khó hơn đề thi năm 2017, phạm vi đề thi rộng hơn khi bao gồm cả kiến thức lớp 11.
Tuy nhiên, trọng tâm đề thi vẫn là kiến thức lớp 12, tỷ lệ kiến thức lớp 11 không nhiều, chỉ chiếm khoảng 5 – 30% câu hỏi song cũng khiến không ít giáo viên và học sinh lo lắng.
Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi này, công tác ôn luyện đang được cả giáo viên, học sinh của trường tập trung cao độ.
Em Hạnh, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Trần Cao Vân (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) cho biết: “Với phương thức thi mới của Bộ Giáo dục, ở nhà trường, các thầy cô giáo đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm và cải tiến trong khâu ôn luyện theo hình thức thi trắc nghiệm và tự luận (Môn Ngữ Văn). Do vậy, bản thân em và hầu hết các bạn trong lớp, khối đều chọn cách ôn tập tại trường và tự học ở nhà là được rồi, chứ hiếm có nhu cầu đi học các trung tâm luyện thi bên ngoài”.
Cô Nguyễn Thị Phương Lan, giáo viên dạy lớp 12, trường Trung học phổ thông Chư Sê (Gia Lai) phân tích: “Có ai hiểu rõ về mức độ, năng lực học tập của các em hơn các thầy, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại trường, lớp.Bên cạnh, khối lượng kiến thức giờ học chính khóa, nhà trường, giáo viên còn lên kế hoạch tổ chức nội dung ôn tập theo cách giảng dạy cụ thể, phù hợp nhất với sức học học sinh của mình. Hơn nữa, cấu trúc đề của Bộ là 60% học sinh có thể đạt điểm trung bình, còn 40% khó dành cho xét đại học, cao đẳng, vì thế áp lực luyện thi cũng không nặng như trước”.
Rõ ràng, việc đổi mới, cải tiến nội dung thi, phương thức thi Trung học phổ thông quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đề án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng trong thời gian qua là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với giáo dục Việt Nam.
Việc này đã và đang đem lại nhiều lợi ích to lớn về nhiều mặt cho nhà nước, nhà trường, phụ huynh và học sinh.
Theo GiaoducVietNam