Bí quyết đạt điểm cao môn Lịch sử: Chú trọng “từ khóa” từng giai đoạn

0
11198

Môn lịch sử không nên nặng về học thuộc lòng, học máy móc, chú trọng nắm ý và đặc điểm kiến thức nổi bật nhất của từng phần, từng bài, từng chương và từng giai đoạn lịch sử cụ thể.

Về phần kiến thức trọng tâm (cơ bản) thí sinh cần đọc kỹ sách giáo khoa lịch sử 12, sách giáo khoa chuyên ban xã hội bộ môn lịch sử 12 và phần kiến thức lớp 11 như Bộ GD-ĐT quy định, phần lịch sử lớp 12 chia làm hai phần (lịch sử thế giới từ sau chiến tranh thế giới thứ hai cho đến nay và phần lịch sử Việt Nam từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất cho đến nay).

Phương pháp học cần thực hiện theo các bước như đọc kiến thức sách giáo khoa, sách nâng cao nhiều lần, ghi chép những phần kiến thức trọng tâm, vẽ sơ đồ tư duy từng bài học, nghe đĩa CD, xem phim ảnh, trao đổi giữa người học với nhau…, từng giai đoạn lịch sử cụ thể, cần chú trọng những “từ khóa” (“điểm nhấn” của từng bài học, từng phần, từng giai đoạn cụ thể… nắm chắc phần kết quả và ý nghĩa lịch sử của từng phần, từng bài học). Không nặng về học thuộc lòng, học máy móc, chú trọng nắm ý và đặc điểm kiến thức nổi bật nhất của từng phần, từng bài, từng chương và từng giai đoạn lịch sử cụ thể.

Ví dụ:

Bài 1 phần I: Trật tự hai cực IANTA. Ta cần nắm được bối cảnh diễn ra đầu năm 1945 thế chiến II sắp kết thúc, nội dung quan trọng phân chia quyền lợi và phạm vi ảnh hưởng giữa các nước đồng minh và ý nghĩa khuôn khổ trật tự thế giới mới..

Bài 2 phần I: Thành tựu nổi bật của Đảng và nhân dân Liên xô trong quá trình khôi phục, xây dựng đất nước từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nữa đầu những năm 70 là gì? Phải tìm ra thành tựu tiêu biểu nhất (thành tựu to lớn). Liên Xô trở thành cường quốc công nghiệp tổng SLCN chiếm 20% của thế giới.

Khi hỏi về tổ chức khu vực nào “năng động nhất thế giới hiện nay”, “lớn nhất thế giới”… phải trả lời ASEAN và EU, khi hỏi về sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi, khu vực Mỹ Latinh dùng thuật ngữ “Lục địa bùng cháy”, “Lục địa núi lửa”, “Lục địa mới trỗi dậy”…

Những từ khóa, điểm nhấn kiến thức; như tại sao nói Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là “bước ngoặt” lịch sử… vì từ đây cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng là duy nhất, tức là chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối lãnh đạo…hay sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “biến cố” lịch sử, tức là Cách mạng Tháng Tám thành công là sự thay đổi lớn lao đối với cách mạng Việt Nam, cách mạng đã thành công ta giành được chính quyền.

Chú ý những ý, những câu ẩn dụ, từ lóng trong lịch sử, các đoạn trích, các đoạn thơ, các câu nói, lời kêu gọi… để nhận biết được câu hỏi, phải đọc kỹ câu hỏi để suy luận, phân tích và dùng biện pháp loại trừ để xác định câu đúng nhất, tránh trường hợp mới đọc đã đánh đáp án vì dễ nhầm giữa các câu trả lời đúng và câu đúng nhất mà câu hỏi yêu cầu.

Ví dụ: Vận mệnh dân tộc Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 như “ngàn cân treo sợi tóc”, “sợi chỉ đeo mành chuông” thì ta biết đó chính là khó khăn của cách mạng hay hỏi tiếp khó khăn lớn nhất của cách mạng sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 là gì? Đáp án là giặc ngoại xâm.

Tóm lại, thí sinh đọc kỹ sách giáo khoa nhớ ý, sự kiện, nhận biết phần kiến thức trọng tâm để có cái nhìn tổng thể, khái quát về kiến thức, biết phân tích, tư duy hợp logic kiến thức bài trước với bài sau, chương trước với chương sau, phần lịch sử thế giới với phần lịch sử Việt Nam.

Theo NLĐO