Vì đâu sinh viên bị đuổi học, bỏ học ngày càng tăng?

0
2240

Thực trạng sinh viên chán học, học tập lơ là, sa sút dẫn đến bỏ học, thậm chí bị buộc thôi học giữa chừng đang ngày càng gia tăng và trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.

Giật mình tỷ lệ sinh viên bỏ học hàng năm

Theo thống kê từ trang tin tức giáo dục cho biết, tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, hàng năm 700 – 800 sinh viên bị nhà trường buộc thôi học mỗi năm do kết quả học tập kém. Phần lớn trong số này là sinh viên học những năm đầu, đang trong chương trình đào tạo cơ bản của trường.

Phía trường ĐH Nông Lâm TP HCM cũng cho hay, lãnh đạo trường đã phải ký một lúc 946 quyết định buộc thôi học. Đây là những sinh viên không chịu học hành, bị cảnh cáo 3 lần liên tục. Hiện nay, bình quân mỗi năm nhà trường có khoảng 600 sinh viên bị cảnh cáo học vụ, dẫn đến bị buộc thôi học (cả tự nguyện và bắt buộc), chiếm tỷ lệ khoảng 4 – 5% tổng số sinh viên đào tạo.

Thực trạng đó cũng xảy ra tại trường ĐH Luật TP HCM. Hồi đầu tháng 10/2017, trường này cũng đưa ra danh sách 112 em bị buộc thôi học và cảnh cáo 66 trường hợp khác do học lực quá kém hoặc không tham gia đủ các học phần.

ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM) năm học 2017 đã buộc thôi học hơn 500 sinh viên, cảnh báo học vụ khoảng 600 em. Còn nhớ, tháng 4/2016, ĐH Sư phạm TP HCM công bố danh sách 617 sinh viên các khóa (từ K37 đến K40) thuộc diện bị buộc thôi học và 666 sinh viên các khóa (từ K37 đến K41) bị cảnh báo học vụ.

Giật mình tỷ lệ sinh viên bỏ học hàng năm

Số liệu thống kê trong học kỳ I năm học 2016 – 2017 của ĐH Giao thông Vận tải TP HCM cũng khiến nhiều người bất ngờ: 1.888 sinh viên bị cảnh cáo học vụ, trong đó rất nhiều em bị cảnh cáo đến lần 2. Nhà trường phải ký quyết định buộc thôi học đối với hơn 180 trường hợp chỉ trong một học kỳ.

Tương tự, hiện nay số lượng bị xử lý học vụ của ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cũng khoảng 300 sinh viên/năm, tập trung ở đối tượng sinh viên năm nhất.

Chia sẻ về vấn đề này, Đại diện Trường ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, trước kia lác đác, bỏ học hiếm lắm nhưng 2 năm vừa rồi, mỗi năm khoảng 10%. Chưa bao giờ nhiều sinh viên bỏ học như thế, chỉ sau khi hết năm thứ nhất.

Thực trạng sinh viên bị đuổi học, bỏ học gia tăng hàng năm là do đâu?

Có rất nhiều sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng phản ánh chương trình học năm thứ nhất, thứ hai phần lớn là môn đại cương và cơ bản. Phương pháp giảng dạy thiên về lý thuyết, khô khan, không hấp dẫn. Họ ca thán rằng, ngay năm đầu đã phải học những môn khoa học cơ bản và đại cương rất chán và “khó nhằn”. Thậm chí, nhiều sinh viên học xong không nhớ gì, lên giảng đường chỉ để điểm danh và… ngủ.

Thực tế cho thấy, không nhiều sinh viên biết mình có gì, muốn gì và cần học gì. Các em chỉ nghe nói, biết sơ sơ và chọn ngành, trường để có chỗ học. Hết một học kỳ, các em thấy mình chọn nhầm, khi đó mới tìm hiểu về ngành nghề và quan tâm đến xu hướng việc làm trong tương lai.

Nhiều sinh viên lên giảng đường chỉ để điểm danh và… ngủ

Có rất nhiều lý do dẫn đến việc các sinh viên bỏ học giữa chừng và trong nhiều lý do đó, quan trọng là các em chọn sai ngành nghề, dẫn đến không chịu học. Nếu thống kê, có thể thấy đa số SV năm thứ nhất nghỉ nhiều nhất. Các em chọn không đúng ngành, mất động lực học tập. Hoặc nhiều SV chỉ cần vào một trường ĐH cho yên tâm, làm nơi trú chân, sau đó ôn thi lại ngành mình muốn thi.

Một nguyên nhân khác cũng rất phổ biến là do, hiện nay học sinh chọn ngành theo sự chỉ định của bố mẹ, theo bạn bè hoặc truyền thống gia đình mà bỏ qua việc xem xét khả năng của bản thân. Vào đại học, sinh viên bỡ ngỡ với cách học, phải thay đổi tư duy, phương pháp kiểm tra đánh giá. Do đó, nhiều em bị sốc, chán nán, không muốn học.

Tóm lại, việc chọn học ngành nào, trường nào là đều mục đích phục vụ cho công việc và tương lai sau này của các em. Do vậy, hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra quyết định để tránh làm mất thời gian, công sức và tiền bạc mà kết quả lại không như mong đợi. Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng đang đến gần, các thí sinh nên bắt tay ngay vào ôn tập và định hướng nghề nghiệp, tương lai cho bản thân.