Chọn ngành học dựa trên đam mê hay tiền bạc?

0
1567

Việc chọn trường và ngành học với nhiều thí sinh vẫn là một lựa chọn khó, vậy, các em nên căn cứ vào điều gì để có cho mình một lựa chọn phù hợp?

Đứng trước nhiều lựa chọn ngành nghề và trường học, thầy giáo Nguyễn Văn Lự đã có những lời khuyên gửi đến các em trước khi các em quyết định chọn cho mình.

Với kết quả điểm thi, nhiều thí sinh và gia đình đang băn khoăn nên chọn học nghề gì, trường nào?

Chọn nghề vì tiền hay vì đam mê?

Theo thông tin công bố, quý I năm 2016, nước ta vẫn còn khoảng 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.

Những ngành học dễ kiếm việc theo xu thế thị trường và cho thu nhập cao vẫn là lựa chọn hàng đầu của các thí sinh khi chọn trường, chính điều này đã khiến nguồn nhân lực nhiều ngành thiếu, thừa trầm trọng trong khi chất lượng đào tạo lại không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng.

Nói về việc chọn nghề của các thí sinh dự kì thi THPT quốc gia; dựa trên các ngành nghề để lựa chọn hiện nay, tôi nhận thấy:

Những thí sinh có xuất thân từ gia đình khá giả; là nữ giới hoặc có học lực từ khá giỏi trở lên thường chọn những ngành nghề liên quan đến sự sáng tạo, an toàn theo sự đam mê của mình.

Chính những sự lựa chọn này thường cho họ nhiều cơ hội phát triển và thể hiện tài năng của mình, do vậy các em cũng dễ gặt hái được thành công hơn, nhận được sự kính trọng của nhiều người.

Lựa chọn những nghề này, các em tâm niệm lấy mục đích chính là giúp đỡ người khác, gắn sự làm giàu cho bản thân với “phát triển xã hội”, thiện lương và không bất hợp pháp… và tôi xin gọi những nghề này ngắn gọn bằng cụm từ “những nghề hạnh phúc”.

Những “nghề hạnh phúc” nhất cho chúng ta nhiều cơ hội kiếm việc làm, không chỉ trong biên chế Nhà nước, không chỉ trong thị trường việc làm tư nhân mà mỗi người đều có khả năng làm những ông chủ thực sự trong lĩnh vực của mình.

Chọn nghề như thế nào?

Khi chọn nghề, các em nên tỉnh táo và cần tham khảo các thông tin trên mạng, từ người thân hoặc các chuyên gia giáo dục.

Khi đã có định hướng nhắm đến ngành nghề nào, các em nên xin ý kiến từ chính các anh, chị đang công tác, làm việc tại ngành nghề đó để xin ý kiến đánh giá.

Bên cạnh đó, đừng quên tìm hiểu về thị trường lao động Việt Nam, về những tác động của hội nhập kinh tế vì chính điều này sẽ giúp các em hình dung được toàn cảnh bốn năm Đại học sau ngành nghề các em chọn sẽ phát triển và có tiềm năng như thế nào.

Để theo đuổi bốn, năm năm học Đại học hiệu quả các em cần sự kiên trì rất lớn và hơn hết nghề nghiệp sẽ đi theo các em cả đời, do đó hãy chọn những thứ mình yêu thích. Trên tất cả chính niềm đam mê sẽ vực các em qua khỏi những cơn khủng hoảng dù là khó khăn nhất!

Tôi rất buồn vì hiện nay có nhiều sinh viên không dám tự quyết định cuộc đời mình mà phải phụ thuộc nhiều vào sự lựa chọn của cha mẹ và phó mặc quan điểm của mình cho thị hiếu của xã hội; các em chọn trường khi không nhận thức được tầm ảnh hưởng của nó và rồi thiếu niềm tin, nghị lực, đam mê để theo đuổi đến cùng.

Một vấn đề nữa là khi đi học, hãy học cho mình, đừng học vì điểm số hay bất kì một thành tích nào khác vì tất cả các bằng cấp cuối cùng rồi cũng như “gió thoảng mây bay”, các em muốn xin gặp các nhà tuyển dụng, bằng cấp sẽ giúp các em nhưng ở lại với họ lâu được hay không lại là một chuyện khác.

Chúng ta đang tự giết nhau trong vòng tròn luẩn quẩn của bệnh thành tích, và chính các em phải là những người đầu tiên “bứt phá” ra khỏi cái vòng đó, để phát triển nền kinh tế, giáo dục nước nhà.

Tôi hiểu rằng hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các em, nên tôi mong các em hãy cân nhắc thật kĩ lưỡng để có sự lựa chọn phù hợp nhất!

Đừng lựa chọn khi còn mơ hồ và chung chung; hãy tập trả lời cho mình những câu hỏi: “Các em có khả năng như thế nào trong lĩnh vực này? Cần thời gian bao lâu? Có thể nỗ lực đến mức nào?”, khi đó các em sẽ chắc chắn và tự có trách nhiệm với những lựa chọn của mình hơn!