“Em xin thầy cho 2 phòng thi được chép bài”, tôi nghe mà đau lắm!

0
2320

“Gần 40 năm công tác, năm nào tôi cũng tham gia coi thi và chấm thi. Trải qua rất nhiều kỳ thi nhưng chưa bao giờ tôi thấy có một kỳ thi nào nghiêm túc 100%”.

Một nhà giáo đã về hưu trải lòng chuyện nghề nhất là những tiêu cực trong nhiều kỳ thi mà ông đã từng coi và chấm thi.

Thầy Minh (tên nhân vật đã được thay đổi) nhẩn nha kể từng câu chuyện thực tiễn mà mình đã trải qua trong gần 40 năm công tác dưới cương vị là một thầy giáo, một nhà quản lý.

Thầy bắt đầu từ việc học trò cũ từng mượn nhà mình để làm việc gian dối trong thi cử. Thầy Minh kể chuyện:

“Cả đời tôi làm nghề dạy học rồi tham gia công tác Đoàn có vị trí nhất định trong xã hội.

Từng ấy lứa học sinh ôn tập và tôi giảng dạy cũng có những đứa chúng nó tâm sự chuyện chạy điểm vì giữa thầy trò không có khoảng cách.

Có đứa hồn nhiên kể mỗi môn nó được nâng 3 điểm. Tổng cộng 3 môn là 9 điểm. Mỗi điểm được nâng nó phải mất 30 vé. Như vậy 9 điểm là 270 vé. 

Nó kể nguyên văn với tôi như thế. Một vé tức là 100USD, 270 vé tức là 27000 USD. 

Mấy năm trước có học trò cũ đến gặp tôi hỏi mượn phòng nhà tôi. Tôi hỏi nó mượn để làm gì? Nó bảo nhà thầy là trung tâm luyện thi nó mượn để tuồn đề thi từ bên ngoài ra.

Nếu chẳng may bị bắt nó sẽ nói dối là trung tâm đang giải đề thi phục vụ công tác ôn tập”.

Thầy Minh nói như khóc: “Tôi bảo: Ôi! cái việc đấy nó nguy hiểm lắm vì bây giờ an ninh văn hóa họ có đầy đủ các thiết bị định vị họ chộp thì mày lấy đề như thế nào?

Nó cũng lúng túng khai thật là em làm cho sếp to. Làm cho 3 đối tượng của sếp to chứ không phải làm cho người nhà em đâu. Bây giờ việc của sếp giao em không làm thì cũng khó.

Thầy thông cảm, chỉ có chỗ thầy em mới dám nhờ còn chỗ người khác thì em không dám nhờ vì em là học trò của thầy.

Cuối cùng nó năn nỉ khiếp quá tôi bảo cái máy nhận đề mày phải đặt cách nhà tao 500 mét”.

Theo lời kể của thầy Minh, hội đồng thi năm đấy có cán bộ coi thi ở Hà Nội về, giám thị số 2 là người địa phương.

Người dùng điện thoại để chụp ảnh đề thi và “tuồn” ra ngoài không ai khác lại chính là giám thị số 1 ở Hà Nội.

Có 3 thí sinh được nâng điểm tương đương phải có 3 mã đề thi khác nhau. Học trò của thầy Minh huy động mỗi mã đề thi có 2 em giải hộ như vậy 3 đề là 6 em.

Cả 6 em này là học sinh lớp 11 nhưng đều từng tham gia thi học sinh giỏi Quốc gia.

Thầy Minh kể: “Bọn nó toàn thuộc hạng siêu sao. Sáu đứa này sẽ tập trung làm 3 mã đề thi sau đó bọn nó dùng thiết bị siêu nhỏ để đọc đáp án cho những đứa ở trong chép.

Tôi chứng kiến và thấy rất sốc. Tôi cũng gọi thêm 2 đứa học trò khác để đến xem vụ này, thấy được mặt trái của giáo dục”.

Từ câu chuyện trên thầy Minh kết luận: “Việc tổ chức thi như này không phải chỉ năm nay mới có tiêu cực và nâng điểm mà tôi công tác trong ngành gần 40 năm coi thi và chấm thi rất nhiều. Tôi khẳng định năm nào cũng có tiêu cực.

Việc tổ chức thi như bây giờ lại càng dễ nảy sinh tiêu cực hơn bởi những người chấm thi họ cứ nâng điểm vì đây không phải là sản phẩm của họ. Sản phẩm có tốt hay xấu cũng không liên quan đến họ”.

Theo thầy Minh để hạn chế bớt tiêu cực nên để các trường tự tổ chức thi và chấm thi. Thầy Minh lấy ví dụ:

“Nếu như các trường công an họ tổ chức thi tại trường.

Trong phòng đều lắp camera giám sát 24/7 từ phòng thi đến phòng niêm phong thì tiêu cực sẽ được giảm bớt.

Mà việc lắp đặt camera hiện nay đâu có khó.

Nên giao cho các trường tự tổ chức thi vì trường họ chịu trách nhiệm và liên quan chặt chẽ đến sản phẩm. Tất nhiên họ luôn muốn có những sản phẩm tốt vì thế sẽ hạn chế tiêu cực.

Còn như bây giờ những người chấm thi họ có chịu trách nhiệm về sản phẩm đó đâu nên họ cứ cho bừa điểm vào”.

Nói chuyện thời nay không quên nhắc chuyện thời xưa. Thầy Minh kể những trải nghiệm của đời mình:

“Ngày xưa khi tôi làm công tác tuyển sinh vào một trường Cao đẳng. Ông cụ nhà tôi có 1 lần nhờ cho 2 trường hợp tuyển sinh là chỗ thân quen nhưng tôi không dám nhận.

Vì nhận thức của tôi là cộng điểm cho 2 đứa này đỗ tức là sẽ có 2 đứa khác bị đánh mất cơ hội. Tôi khước từ khéo và nói việc này khó lắm chỉ có sếp to mới làm được.

Ông cụ nhà tôi hiểu chuyện bảo: Nhưng cái thằng ở cùng phòng mày sao nó lại nâng điểm được? Tôi nói: Đấy là người ta quan hệ với sếp to ở trên”.

Vậy chuyện chạy điểm, nâng điểm trong các kỳ thi trước đây được thực hiện như thế nào? Thầy Minh kể tường minh mọi chuyện:

“Nếu ông A muốn xin điểm cho con thì phải đến chủ tịch hội đồng thi. Chủ tịch hội đồng thi là ông to nhất được quyền quản lý phách. Họ đến đưa phong bì và mua ông đấy.

Một chủ tịch hội đồng sẽ có 2 thư ký. Ông ta là người nắm toàn bộ mã khóa. Đối với những kỳ thi chấm bằng tay thì 2 thư ký sẽ chịu trách nhiệm quản lý đầu phách.

Ai muốn mua thì ông ta tra số phách, tra cuống bài. Do vậy ông ta sẽ biết số phách này nằm ở túi nào. Ngày mai ông ấy sẽ nhấc túi bài ấy và giao cho người thân cận.

Ông ấy bảo bài này cho bao nhiêu điểm thì phải cho bằng đấy và không ai dám hỏi lý do”.

Thầy Minh cũng là một trong số những người được “tín nhiệm” gửi bài để “phẫu thuật” nâng điểm:

“Trước đây tôi hay được gửi bài nhiều bởi tôi có khả năng nhận biết đúng sai để sửa lại đáp án. Ngoài ra tôi được đánh giá là có cách phẫu thuật nhanh (sửa bài, nâng điểm).

Sau mỗi bài tôi nâng tôi đều phê ở trang cuối tên của ông xin điểm. Ông đấy có thể là ông chủ tịch hay thư ký chủ tịch xin.

Điều này để đề phòng sau này có bị điều tra thì mình chứng minh là mình chỉ làm theo lệnh của người khác. Hiện tượng xin điểm, sửa điểm gặp nhiều lắm”.

Với quy trình sửa điểm và nâng điểm như trên, thầy Minh cho rằng nên xem xét việc 3 cô giáo chấm tự luận Văn bị truy tố đã làm đúng, đủ hay chưa:

“Ba cô giáo này có thể bị oan hoặc cần phải xem xét lại trách nhiệm. Nếu như có một ông sếp ở trên nắm sinh mệnh của 3 cô giáo này nhờ các cô nâng điểm, sửa bài thì các cô bắt buộc phải làm.

Tôi tin rằng không có một giáo viên nào nếu không bị tác động lại dại dột làm cái chuyện trên. Cần điều tra xem ai là người tác động đến các cô, khiến các cô giáo phải sửa bài, nâng điểm”.

Đấy là chuyện chấm thi, vậy coi thi thì sẽ như thế nào? Gần 40 năm công tác thầy không nghĩ có ngày lại bị học trò của chính mình “bẫy” như vậy.

Thầy Minh kể câu chuyện vừa bi vừa hài:

“Coi thi nhiều chuyện cười rơi nước mắt. Ví dụ có năm tôi đi coi thi tại một tỉnh miền núi.

Năm đó theo quy chế một hội đồng thi sẽ có 2 giám thị. Có 2 phòng là 4 giám thị và 2 thanh tra nữa là 6. Coi như 6 giám thị coi thi 6 môn.

Tôi lên coi thi mới nhận ra chủ tịch hội đồng thi lại là học trò của mình. Sau đó nó dẫn tôi lên phòng nghỉ rồi chăm lo cơm nước.

Đến tối nó đến gặp riêng ở phòng. Tại đây nó đưa tôi 3 cái phong bì. Cái phong bì thứ nhất là chế độ của thầy tức là chế độ nhà nước trả cho người coi thi.

Cái thứ hai là quà của phụ huynh học sinh. Các thứ ba là tiền của địa phương gửi thầy đã về địa phương tổ chức thi.

Ngoài ba cái phong bì ấy thì toàn bộ tiền ăn uống là do phụ huynh lo từ A đến Z. Tôi bảo: Trên này làm bài bản ghê”.

Nhưng chuyện phong bì chưa phải là cay đắng nhất. Thầy Minh chua chát:

“Học trò tôi bảo: Thầy ơi! Em làm việc với Sở xin thầy về đây để giúp chúng em môn Lý. Thầy cố gắng giúp cho em có bài ở 2 phòng cho các cháu nó chép.

Học sinh của tôi đấy, nó lừa tôi lên đây để bắt tôi làm việc gian lận. Nó lại nói tiếp: Sáu môn ở đây em xin 5 giám thị 5 môn còn người thứ 6 là thanh tra.

Bọn em xin thanh tra có chuyên môn về toán. Thôi các thầy cô giúp chúng em cho các cháu có điểm để đỗ đạt”.

Thầy Minh chết lặng khi gặp phải tình huống trớ trêu và đắng ngắt:

“Tôi nghĩ bụng bảo: Thôi thằng này trước ở trên miền núi cao, thương nó cho nó lên lớp mà bây giờ nó quay sang làm trò bậy bạ với mình. Nó không nghĩ đến nhân cách của người thầy”.

Bị học trò lừa một vố đau như vậy nhưng thầy Minh cũng rất khó từ chối:

“Hồi đó chỉ có một đường độc đạo ra đường quốc lộ. Nếu tôi mà phản đối thì khó mà trở về bởi phụ huynh họ sẽ phản ứng. Tôi có ông thầy trở ra bị cho xì lốp ô tô. Họ gớm lắm.

Cuối cùng, tôi chấp nhận phải nhúng chàm. Trong số 6 người thì 5 người kia còn trẻ họ chẳng mảy may nghĩ gì. Riêng mình danh hiệu đủ cả lại có địa vị trong xã hội nên làm việc này đau và tổn thương lắm”.

Bằng con mắt trong nghề và là người trực tiếp trải qua những tiêu cực trong giáo dục trong suốt gần 40 năm.

Thầy Minh khẳng định: “Từ thời tôi đến bây giờ vẫn thế. Học trò lớp lớp chúng nó kể và mình chứng kiến kỳ thi nào cũng có tiêu cực.

Có thể năm 2018 mạng xã hội phát triển và sức ép dư luận quá lớn.

Riêng tôi khẳng định trong suốt gần 40 năm công tác đảm nhiệm đầy đủ các khâu từ coi thi đến chấm thi tôi chưa gặp 1 kỳ thi nào thực sự nghiêm túc và công bằng 100%”.