Hơn 270.000 học sinh lớp 12 không thi Đại học: Bằng ĐH hiện nay quá đắt đỏ và không đáng tiền bỏ ra?

0
1384

Từ 2017 đến nay, số lượng học sinh lớp 12 đăng ký dự thi vào các trường Đại học ngày càng giảm. Phải chăng môi trường Đại học không còn đủ hấp dẫn cho người trẻ nữa, còn con đường nào khác để thành công không?

Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào Đại học thì năm 2019 giảm rất mạnh, thấp hơn nhiều so với 2018, 2017 và nhiều năm về trước. Cụ thể, cả nước có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019, trong đó, có hơn 650.000 thí sinh xét tuyển Đại học, có 279.001 dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không thi Đại học (chiếm 27,8%). Con số này năm 2018 là 25.7% và 2017 là 25%. Tại sao số lượng học sinh không còn mặn mà với các trường Đại học lại tăng lên nhiều như vậy?

Về lý do khách quan, do năm 2019, cụm thi THPT Quốc gia được chia thành 2, một là cụm thi liên tỉnh (2 tỉnh một cụm thi), 2 là cụm thi trong tỉnh. Tuy nhiên, cụm thi thứ nhất, học sinh được dùng kết quả để xét tuyển Đại học, Cao đẳng; cụm thi thứ hai, kết quả chỉ dùng để xét tốt nghiệp. Nhiều thí sinh do điều kiện kinh tế sẽ chỉ thi tại cụm nội tỉnh.

Tuy nhiên, con số 279.000 học sinh không thi Đại học cũng được coi là hợp lý trong bối cảnh hiện nay, khi mà con đường thành công, con đường làm giàu được mở rộng hơn, có nhiều cách khác nhau không chỉ đơn thuần là học Đại học. Nhiều chuyên gia, người làm giáo dục cũng cho rằng, việc học sinh chọn con đường không học Đại học cho tương lai của mình đang là xu thế hiện nay. Chúng ta không phủ nhận vai trò của trường Đại học vì rõ ràng từ trước đến nay, hàng trăm triệu sinh viên được giáo dục thành công từ môi trường này. Nhưng nhìn ở một góc rộng hơn, nếu không thay đổi theo xu hướng của thế giới, các trường Đại học khó mà thu hút được học sinh.

Nói về điều này, chị Cao Phương Hà, Tổng giám đốc tổ chức giáo dục quốc tế EF Education First tại Việt Nam, cựu Thạc sỹ quản trị kinh doanh Đại học Harvard, Mỹ cho biết: “Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, học sinh ngày nay đang trở nên ngày càng thực tế hơn khi quyết định việc có đi học đại học. Trong bối cảnh thị trường việc làm luôn biến động, nếu việc học trong đại học vẫn nặng lý thuyết, chưa đáp ứng được thu cầu thực học của sinh viên, thì việc ngày càng nhiều học sinh coi đại học như một lựa chọn hơn là con đường bắt buộc là điều tất yếu.

Hơn nữa, với tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên Đại học đang tăng thì việc số học sinh đăng kí vào đại học giảm đi cũng là cách cân bằng tự nhiên của thị trường. Theo tôi, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy người đi học đang ngày càng có những lựa chọn phù hợp với yêu cầu và hoàn cảnh thực tiễn của bản thân hơn là đi theo xu thế chung. Sau tháng 7/2019, khi 100% các trường đại học ở Việt Nam sẽ độc lập và tự chủ trong vận hành, xu thế trên cũng sẽ yêu cầu các đại học phải tự chuyển biến để đáp ứng kịp nhu cầu của sinh viên cũng như của xã hội.”

Những người mang tiếng học giỏi hiếm khi có đam mê vì ở Việt Nam học giỏi là nhắc lại lời của người khác

Trong quý IV/2018, ở nhóm có trình độ Đại học trở lên, số người thất nghiệp là 135.800 người; nhóm trình độ trung cấp là 68.800 người; nhóm trình độ cao đẳng, có 81.400 người thất nghiệp… Năm 2017, cả nước có hơn 215 nghìn người có trình độ “đại học trở lên” thất nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên Đại học tăng cao, người ta càng hoài nghi việc học sẽ mang lại lợi ích gì. Học giỏi, thi thố cao, trường top đang dần trở thành không phải là mục tiêu cố gắng của học sinh, sinh viên.

Nhận định về những người học giỏi, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ánh, Giảng viên Đại học Ngoại Thương từng cho biết: “Tôi nhận thấy là những bạn đạt điểm cao khi vào trường thì khi ra ngoài đời không hạnh phúc lắm. Những bạn là thủ khoa sau bao nhiêu năm tốt nghiệp ra trường không đạt vị thế cao, cũng không phải là những người giàu có về tiền bạc.

Những người mang tiếng học giỏi hiếm khi có đam mê vì ở Việt Nam học giỏi là nhắc lại lời của người khác, sau 18 năm chỉ biết nhắc lại lời của người khác nên khi vào đại học lại không biết nói nên lời của chính mình như thế nào.”

Tại sao bây giờ học giỏi không phải là yếu tố duy nhất để thành công, giàu có nữa, bằng Đại học đóng vai trò gì trong xã hội hiện nay?

CEO Tim Cook, nhà lãnh đạo tài ba của ông lớn Apple nói rằng khoảng một nửa số nhân sự của Apple ở Mỹ không có bằng Đại học. Nguyên nhân do các trường Đại học không hề dạy những kỹ năng mà doanh nghiệp cần, ví như code chẳng hạn. Thậm chí bây giờ người ta còn tranh cãi rằng các trường học ở Việt Nam đang dạy những thứ mà thế giới không dạy, điển hình là ngôn ngữ lập trình Pascal, thứ mà thế giới đã lãng quên từ lâu.

Ông Barbara Humpton, CEO của Siemens Mỹ nói: “Chúng ta thường xuyên thấy các tin tuyển dụng nói rằng yêu cầu bằng Đại học. Trong khi thực tế chẳng có công việc gì thực sự đòi hỏi bằng cấp như vậy cả. Nó chỉ đơn thuần giúp các nhà tuyển dụng có được nhóm người đạt yêu cầu nhỏ hơn.”

Rất nhiều nơi bây giờ đang tuyển dụng nhân viên có kỹ năng cần thiết để hoàn thành công việc dù có hoặc không có bằng cấp, với họ, có bằng mà không làm được việc cũng chẳng để làm gì.

Tập đoàn tài chính Goldman Sachs đã nhận định: Tấm bằng đại học đang ngày càng trở nên đắt đỏ đến nỗi nó không còn đáng đồng tiền bỏ ra nữa!

Giá trị của tấm bằng Đại học đang bị phóng đại hoá

Học Đại học với nhiều người hiện nay giống như một hình thức bắt buộc, Ông Chris Jeffery – Giám đốc học vụ – Đại học Anh Quốc Việt Nam chia sẻ rằng: “Học sinh Việt Nam có nhiều thiệt thòi hơn sinh viên ở nước ngoài, họ không có sự tự lập từ sớm, không tự đưa ra ý kiến của mình hoặc chọn ngành nghề dựa trên sự tư vấn tổng hợp của quá nhiều người. Khi học xong cấp 3 chọn trường Đại học, họ phải nghe theo tư vấn của gia đình, thầy cô, họ hàng, hàng xóm, bạn bè mà không có chính kiến riêng.”

Nhiều người vẫn đặt nặng vai trò của tấm bằng Đại học, coi đó là con đường thành công duy nhất. Học xong cấp 3 mà không vào Đại học coi như vứt hay đi học nghề sẽ chẳng bao giờ bằng một sinh viên Đại học. Tư tưởng ấy nhiều năm về trước có thể đúng nhưng bây giờ thì không hẳn. Chính tấm bằng Đại học như một tảng đá khổng lồ, kéo xuống đam mê, sở thích của nhiều người, đè nặng lên vai, không còn cho họ thời gian thực hiện những điều khác.

Và cũng nhiều học sinh cố gắng để được vào trường Đại học top với hi vọng nó là bàn đạp để giàu có, thành công sau này. Tuy nhiên, tờ Washington Post dẫn nguồn một khảo sát cho thấy, học đại học danh tiếng không đồng nghĩa với thu nhập cao. Thành tích học tập tốt, điểm trung bình cao cũng chỉ là hai trong rất nhiều yếu tố và không thể phản ánh chính xác những thứ như tính sáng tạo, sự tháo vát, tính chủ động và tinh thần làm việc. Tên trường Đại học vẫn là thương hiệu, điều quan trọng nhất vẫn là bạn làm gì để bạn thu nhận được những gì sau nhiều năm học!

Bằng cấp phụ vụ cho ước mơ và mục tiêu của bạn chứ không phải ngược lại, coi việc thi lấy hết tấm bằng này tới tấm bằng khác trở thành ước mơ và mục tiêu của bạn. Đừng bao giờ cho rằng lấy được bằng rồi thì từ đó con đường quan lộ của bạn sẽ rộng mở thênh thang. Lấy được tấm bằng mới chỉ là bắt đầu thôi. Trong cuộc đời đi làm sau này, khi phát hiện ra đầu óc mình rỗng tuếch mới là điều đáng buồn nhất. Sở hữu tấm bằng đại học chỉ là một cột mốc ghi dấu sự kiện trong đời bạn, chứ không có giá trị quyết định cuộc đời sang – hèn, thành công – thất bại.

Nhiều người bỏ học Đại học thành tỷ phú nhưng nên nhớ, trước khi bỏ học, họ từng là sinh viên của Harvard!

Chúng ta có rất nhiều tấm gương để minh chứng cho việc không học Đại học hoàn toàn có thể thành công vang dội, nhưng họ là số ít và không chắc bạn đã là một trong số đó.

Những tỷ phú bỏ học đều có một điểm chung là khoảng thời gian tự rèn luyện khổ cực, những ngày làm việc không ngừng nghỉ và quan trọng nhất chính là một kế hoạch hoàn hảo, trí thông minh hơn người cũng như những quan hệ không phải ai cũng có. Tất cả những yếu tố nhỏ trên giúp họ đạt được thành công như ngày hôm nay chứ không phải là tự tin bỏ học để lập nghiệp.

Đừng bao giờ xem nhẹ trường học và những thứ bạn học được từ đó. Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ cho biết những người lao động có ít nhất một bằng cử nhân kiếm được nhiều hơn 932 USD so với mức lương trung bình hàng tuần của người lao động năm 2018.

Hiện nay, theo các khảo sát, tiền lương của bạn sẽ tăng nhanh hơn đối với những ai học tại các trường đại học thuộc top đầu và những ai học ngành quản trị kinh doanh, y tế và kỹ thuật. Trong khi đó, sinh viên nghệ thuật, giáo dục và tâm lý đang phải đối mặt với rủi ro về lương thấp, tình trạng thất nghiệp cao… Vì thế, hãy khôn ngoan chọn ngành học phù hợp nếu bạn muốn tấm bằng Đại học của bạn thực sự có giá trị.

Cuối cùng, nếu không học Đại học, bạn cũng đừng bao giờ ngừng học. Vì ở đời, thua thiệt về thứ gì cũng có thể chấp nhận được, riêng thua kém về kiến thức, rất nhục!

Kenh 14