Học sinh ‘né’ đại học vì sợ… thất nghiệp?

0
1329

Chính công tác phân luồng tốt và thực tế sẽ giúp học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp nhất sau phổ thông.

Theo thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, cả nước có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi. Đáng nói trong số này có đến hơn 233.000 em không đăng ký xét tuyển ĐH mà chỉ xét tốt nghiệp. Số liệu này tăng cao nhất trong những năm gần đây.

Cả lớp chỉ có một em đăng ký xét tuyển ĐH

Thống kê tại Nghệ An, tới hơn 41% học sinh (HS) lớp 12 chỉ đăng ký xét tốt nghiệp, tức hơn 13.000 em trong tổng số hơn 32.000 em. Tỉ lệ này cao hơn năm học trước khoảng 2%.

Cụ thể, một số trường THPT công lập có tỉ lệ này rất cao như THPT Cửa Lò 2 đến 82,5% không đăng ký xét tuyển ĐH trong tổng số 239 em lớp 12, tiếp đến là THPT Nam Yên Thành (32%), THPT Hoàng Mai 2 (27%), THPT Tương Dương 2 (28%).

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Công Huân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cửa Lò 2 (Nghệ An), cho biết thực ra tỉ lệ HS lớp 12 không đăng ký xét tuyển ĐH của trường năm nay tương đương năm ngoái. Trong đó, có một lớp 38 em nhưng chỉ có một em đăng ký xét tuyển.

Nguyên do, theo ông Huân, chất lượng đầu vào của trường không cao, thi vào các trường ĐH tốp trên rất khó, chọn những trường ĐH tốp dưới thì ra trường khó xin việc. Vì thế, ngay từ đầu năm học, nhà trường định hướng các em theo giáo dục nghề nghiệp. “Các em học chỉ thi lấy bằng tốt nghiệp để học nghề, sau một quá trình đào tạo có thể có một công việc ổn định” – ông Huân nói.

Trả lời báo chí, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, cho rằng đúng là vài năm trở lại đây, tỉ lệ HS ở Nghệ An đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ ngày càng giảm. Do nhiều phụ huynh HS lo ngại học ĐH xong không tìm được việc làm hoặc phải làm trái ngành nghề… như thực tế đã diễn ra. Do đó, các em có xu hướng thi để tốt nghiệp THPT xong sẽ theo học nghề.

Học sinh lớp 12 tại TP.HCM tìm hiểu thông tin ngành nghề trong một ngày hội tuyển sinh mới đây. Ảnh: PHẠM ANH

Tín hiệu mừng trong phân luồng HS

Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, nhận xét số lượng HS lựa chọn không xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ ngày càng tăng có một phần nguyên nhân từ công tác tư vấn phân luồng.

Con số trên đã cho thấy các trường THPT đã có sự phân luồng ngay từ đầu, tránh trường hợp HS đổ xô xét tuyển ĐH.

Cũng theo ông Cường, trong quá trình tư vấn tuyển sinh tại các trường, HS đã có sự thay đổi trong suy nghĩ. Nhiều em đã quan tâm, tìm hiểu đến việc học nghề. “Điều đó chứng tỏ đã có sự dịch chuyển, HS không còn có suy nghĩ phải bằng mọi giá vào ĐH mà thay vào đó, tùy vào năng lực của mình, nhiều em lựa chọn việc xét tốt nghiệp, sau đó chọn cho mình hướng đi thích hợp” – ông Cường lý giải.

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng cho rằng việc một số em không đăng ký xét tuyển ĐH tăng lên là một tín hiệu đáng mừng.

Ông Sơn cho biết trong quá trình đi tư vấn ở các tỉnh, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nam bộ, HS khá quan tâm đến việc học CĐ. Theo ông Sơn, có ba lý do. Thứ nhất, do nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ở trình độ này nhiều nên các trường có uy tín sẽ có cam kết 100% việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp. Thứ hai, thời gian đào tạo ngắn, chỉ tầm 2,5 năm nên chi phí học tập của các em giảm khá nhiều. Thứ ba, chính sách làm việc ở nước ngoài, như Nhật Bản đang thu hút các em đi theo hướng học CĐ và làm việc để tích lũy vốn cũng như kỹ năng và thái độ làm việc để khi về nước dễ dàng ứng tuyển vào các doanh nghiệp nước ngoài.

Chuộng bài khoa học xã hội để dễ… tốt nghiệp

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong việc chọn bài thi năm nay, số thí sinh đăng ký chọn bài tổ hợp khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân) chiếm tỉ lệ rất cao, chiếm gần 53%.

Theo phân tích từ Bộ GD&ĐT và lãnh đạo các trường THPT, số em đăng ký chọn bài thi khoa học xã hội tăng vì để ưu tiên đậu tốt nghiệp hoặc đậu với kết quả cao hơn. Bởi lẽ quy định xét tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT năm nay có thay đổi lớn khi lấy điểm thi THPT quốc gia đến 70% và 30% điểm học bạ. Điều này khiến nhiều HS cân nhắc bài thi. Hơn nữa, việc thi trắc nghiệm các môn xã hội khiến đề thi nhẹ nhàng hơn so với tự luận và so với cả bài thi tự nhiên, nhất là môn địa lý và giáo dục công dân được xem là “cứu cánh” để HS dễ dàng lấy điểm. Chưa kể việc xét tuyển ĐH ở nhiều trường có thay đổi khi đưa ra những tổ hợp môn có môn thuộc xã hội trong đó nên HS có thêm cơ hội vào ĐH ở những ngành các em thích hơn.

Theo Báo Pháp Luật