TP.HCM: Linh hoạt bổ trợ kiến thức cho học sinh trong đợt nghỉ tránh dịch bệnh nCoV

0
1239

Chiều 6/2, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn về về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (nCoV) gây ra với sự tham dự của đầu cầu 24 quận, huyện.

Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV với sự tham gia của 24 quận, huyện Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV với sự tham gia của 24 quận, huyện

 

Phát biểu tại hội nghị, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, hội nghị trực tuyến được tổ chức nhằm trang bị cách phòng, chống nCoV đối với khu vực trường học, đồng thời lắng nghe các đơn vị, cơ sở GD chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong công tác phòng, chống nhằm tham mưu kịp thời.

Theo thông tin từ đại diện Phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT, hiện Sở đã phát hành 400.000 poster và tờ rơi hướng dẫn học sinh cách phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. 100% trường học đã phun thuốc khử khuẩn, trang bị máy đo thân nhiệt, khẩu trang y tế, nước rửa tay… cho học sinh và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên.

100% trường học tại TP.HCM đã tiến hành khử khuẩn, tổng vệ sinh  

Tuần qua, ngành giáo dục cập nhật thường xuyên, liên tục hàng ngày số lượng giáo viên, học sinh đến hoặc đi từ vùng có dịch hoặc có biểu hiện ho, sốt, nắm chắc tình hình sức khỏe của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh để kịp thời theo dõi, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trong trường học.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Y tế và một số chuyên gia của ngành Y tế. Theo ThS-BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, những việc các trường cần làm trước khi học sinh đến trường gồm rà soát lại tất cả các bồn rửa tay, đảm bảo đủ xà phòng, bồn rửa và nước sạch cho học sinh rửa tay, đồng thời củng cố lại các hoạt động kiểm soát bệnh trong trường học, đảm bảo phát hiện sớm trẻ bệnh (nếu có) để kịp thời ứng phó, cách ly.

 BS Lê Hồng Nga trao đổi thông tin tại buổi họp trực tuyến 

Đặc biệt, các trường cần bố trí một khu riêng tại phòng y tế của trường để kịp thời cách ly khi phát hiện trẻ bệnh (nếu có) trong giờ học. Thông điệp được đại diện cơ quan y tế gửi đến các trường học là tăng cường rửa tay để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh.

Đại diện cơ quan y tế lưu ý, vấn đề truyền thông rất quan trọng, và phải tuỳ vào mức độ lứa tuổi học sinh để truyền thông hiệu quả. Làm sao để học sinh ý thức được, chủ động thực hiện nghiêm theo hướng dẫn góp phần ngăn ngừa…

 Chuyên gia y tế khuyến cáo các bước cần thực hiện khi trẻ trở lại trường sau đợt nghỉ phòng tránh dịch bệnh nCoV

Tại hội nghị, nhiều đại diện các đơn vị tán thành việc kéo dài thời gian cho học sinh nghỉ trước diễn biến của dịch bệnh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra chính là phụ huynh lo ngại  ảnh hưởng đến kế hoạch học tập, thi cử đối với học sinh khối 9, khối 12…

Liên quan vấn đề này, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Trung học Sở GD-ĐT cho biết, phụ huynh không nên quá lo lắng về chương trình học tập bị gián đoạn. Trong thời gian nghỉ học này, các trường và giáo viên phải có trách nhiệm rà soát kế hoạch dạy học để có sự điều chỉnh, bổ sung hợp lý.

“Với trường dạy 2 buổi mỗi ngày, buổi thứ hai sẽ được sử dụng để dạy bù. Với những trường dạy một buổi, giáo viên có thể tận dụng thời gian ở các buổi học khác một cách linh động, đảm bảo chương trình”, ông Lê Duy Tân chia sẻ.

Ngoài ra, trong lúc các em được nghỉ, thầy cô có thể dạy online, sử dụng phần mềm giáo dục trực tuyến giảng bài, giao bài tập để học sinh tự học tại nhà.

Phụ huynh hướng dẫn con học tập tại nhà  

Liên quan đến việc nghỉ học kéo dài nhiều ngày, nhất là với các nhóm trẻ gia đình, nhóm trẻ độc lập, tư thục sẽ ảnh hưởng đến nhiều bậc phụ huynh, trong đó có nhiều công nhân, đại diện Sở GD-ĐT chia sẻ, ngành sẽ tham mưu với UBND quận, huyện làm việc, kiến nghị với các công ty, doanh nghiệp sắp xếp bố trí ca kíp hợp lý để tạo điều kiện cho công nhân có thời gian trông con.

Thời gian nghỉ hơi dài sẽ ảnh hưởng đến công việc của phụ huynh nhưng an toàn của trẻ phải được đặt lên hàng đầu.

 Theo Báo Giáo dục và Thời đại