Việc lùi kỳ thi THPT quốc gia sẽ làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh chính quy năm 2020, nhưng đó không phải là sự xáo trộn lớn. Việc tuyển sinh do các trường chủ động, có thể tuyển sinh nhiều đợt trong năm.
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Kim Phụng – vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT.
Các trường chủ động
Theo nhiều trường ĐH, từ năm 2017 Bộ GD-ĐT chỉ quy định khung thời gian cứng cho xét tuyển đợt 1, không quy định cho các đợt xét tuyển bổ sung dựa vào kết quả thi THPT quốc gia. Năm 2020, Bộ
GD-ĐT cũng chỉ ban hành kế hoạch tuyển sinh áp dụng chung đối với các trường tuyển sinh đợt 1 từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Như vậy, các trường sẽ chủ động về thời gian, số đợt xét tuyển bổ sung dựa vào nhu cầu của mình.
Đại diện một số trường cho hay kỳ thi THPT quốc gia dời 1 tháng cũng không ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyển sinh. Tuy nhiên trên thực tế, các đợt xét tuyển bổ sung không có nhiều ý nghĩa đối với kết quả tuyển sinh của các trường.
TS Nguyễn Quốc Anh – phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM – cho biết hai năm qua thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng nên hầu như đã trúng tuyển ngay từ đợt 1. Các trường tuyển bổ sung không còn nguồn tuyển. Hơn nữa, nếu tháng 12 vẫn tuyển bổ sung thì rất khó để sắp xếp kế hoạch đào tạo đồng bộ.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, tổng kết công tác tuyển sinh những năm gần đây cho thấy đến tháng 12 hằng năm thì hầu như không còn trường nào xét tuyển bổ sung, mặc dù vẫn có một số trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu, cũng hầu như không còn thí sinh có nhu cầu đăng ký tuyển sinh.
Đặc biệt, số thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia được xét tuyển sau đợt 1 rất ít. Từ 25-8 đến 5-11, trong toàn hệ thống, con số này chỉ tăng thêm 10.190 thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia, chiếm 2% so với tổng chỉ tiêu và 2,9% so với chỉ tiêu từ điểm thi THPT quốc gia. Trong tháng 12-2019 không có thêm thí sinh trúng tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia.
Phải tránh ảo từ đợt 1
Theo Bộ GD-ĐT, thời điểm kết thúc tuyển sinh năm 2020 dự kiến thực hiện như các năm trước, kết thúc vào 31-12-2020. Nhiều năm qua, số trường tuyển sinh các đợt bổ sung không nhiều và hầu hết kết thúc tuyển sinh trong khoảng tháng 10 hằng năm. Nên năm nay kế hoạch tuyển sinh vẫn có thể kết thúc vào tháng 12 mà không ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh của các trường.
“Thời gian tuyển sinh năm 2020 dự kiến giảm 1 tháng so với các năm trước cũng không ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh của các trường và quyền lợi của thí sinh, nhất là khi kế hoạch này đã được thông báo ngay từ đầu năm 2020 như hiện nay.
Các trường đã biết trước kế hoạch có thể chủ động thực hiện các biện pháp để tuyển sinh hiệu quả, thí sinh cũng biết trước lịch tuyển sinh vẫn kết thúc tháng 12-2020 nên nếu có nhu cầu học phải đăng ký xét tuyển trước thời gian này” – bà Phụng nói.
Với nhiều trường công, việc tuyển sinh dường như kết thúc ngay sau đợt xét tuyển đầu tiên bằng kết quả thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, không ít trường dù chưa tuyển đủ chỉ tiêu nhưng với những lý do như đã nói ở trên, nếu tuyển bổ sung cũng không có thí sinh. Do đó, các quy định về xét tuyển đợt 1 cần phải chặt chẽ và tránh được tỉ lệ thí sinh ảo.
“Năm 2018, điểm thi cao nên điểm chuẩn đợt 1 bằng điểm thi THPT quốc gia của trường khá cao. Trường cũng không dám mạo hiểm gọi vượt quá 105% chỉ tiêu vì bộ quy định xử lý rất nặng.
Số thí sinh ảo quá nhiều khiến cho lượng thí sinh nhập học chỉ còn khoảng 60% số lượng gọi trúng tuyển. Năm đó bộ cũng đã thực hiện lọc ảo nhưng tỉ lệ ảo vẫn quá lớn. Năm 2019, tỉ lệ ảo có giảm đi nhưng thực tế vẫn còn” – phó hiệu trưởng một trường ĐH cho biết.
Trong bối cảnh như vậy, nhiều trường đã đưa ra nhiều phương thức, điều chỉnh chỉ tiêu giữa các phương thức tuyển sinh để tránh quá phụ thuộc vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. “Mọi năm chỉ tiêu xét tuyển học bạ của trường chiếm khoảng 30% tổng chỉ tiêu. Năm nay trường dự kiến điều chỉnh tỉ lệ này thành 50%” – phó trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho biết.
TS Phạm Tấn Hạ (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM):
Không ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh
Với việc dời kỳ thi THPT quốc gia 1 tháng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyển sinh của các trường ĐH. Mỗi trường sẽ có sự điều chỉnh kế hoạch đào tạo, tuyển sinh phù hợp với kế hoạch năm học theo khung mới Bộ GD-ĐT vừa công bố.
Lịch tuyển sinh năm nay được dời lại 1 tháng áp dụng chung cho cả nước nên thật ra không có gì khác so với các năm trước. Tất cả các trường sử dụng kết quả xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia 2020 đều phải thực hiện theo lịch chung của bộ, nên không ảnh hưởng gì đến quyền lợi thí sinh.
Trường tốp trên không cần tuyển sinh nhiều đợt
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM):
Chỉ tuyển 1 đợt duy nhất
Hằng năm Trường ĐH Y dược TP.HCM chỉ tuyển sinh một đợt duy nhất vì lượng thí sinh đăng ký xét tuyển lớn, điểm cao. Tương tự, các trường tốp trên đào tạo khối ngành sức khỏe cũng không cần tuyển nhiều đợt. Do đó, việc lịch tuyển sinh nếu được lùi “tịnh tiến” tương đương với thời gian lùi lịch thi THPT quốc gia như dự kiến Bộ GD-ĐT vừa công bố sẽ không ảnh hưởng gì đến kế hoạch tuyển sinh đào tạo của trường.
TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang (phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin – ĐH Quốc gia TP.HCM):
Không ảnh hưởng nhiều đến tuyển sinh
Đối với Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), thực tế tuyển sinh những năm trước cho thấy nhà trường kết thúc tuyển sinh chỉ sau một đợt xét tuyển. Do vậy năm nay khả năng trường cũng sẽ tuyển đủ chỉ tiêu sau 1 đợt xét tuyển. Các mốc thời gian quy định trong xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia dự kiến lùi lại 1 tháng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch tuyển sinh và đào tạo của các trường.
TS Trần Tiến Khoa (hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM):
Tân sinh viên nhập học trễ hơn 1 tháng
Nếu lùi kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, tân sinh viên khóa mới của các trường ĐH chắc chắn sẽ nhập học trễ hơn một tháng so với mọi năm. Khi đó các trường ĐH sẽ phải điều chỉnh kế hoạch năm học 2020-2021. Nếu lùi một tháng thì các trường ĐH sẽ phải phân bổ rút thời gian dự trữ trong năm sau. Thông thường các trường có thời gian 3-4 tuần dự trữ nên có thể sắp xếp được, không đáng lo ngại.
TS Trần Đình Lý (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):
Tuyển sinh vẫn ổn định như năm trước
Việc Bộ GD-ĐT điều chỉnh lịch tuyển sinh năm nay là điều hết sức cần thiết và hợp lý. Với việc tổ chức coi thi, chấm thi, xử lý kết quả thi và công bố đã rất chuyên nghiệp nên chắc chắn không ảnh hưởng gì đến biểu đồ học cả năm. Năm nay là năm cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia, các trường ĐH được tự chủ nên việc xét tuyển của các trường sẽ vẫn ổn định như năm trước. Vì vậy, tại trường chúng tôi năm nay tuyển sinh cũng sẽ như năm trước, có thể xét tuyển bổ sung ở hai phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận.
TS Nguyễn Quốc Khanh (trưởng phòng quản lý đào tạo – công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM):
Không thay đổi phương thức xét tuyển
Về phương án tuyển sinh của Trường Kinh tế TP.HCM, ngoài việc dời các mốc thời gian theo quy định chung, nhà trường sẽ không thay đổi gì so với thông tin đã công bố trước đây. Theo đó, năm nay trường sử dụng thêm phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, kỳ thi này cũng sẽ được dời so với kế hoạch ban đầu, cũng hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến công tác tuyển sinh của trường.
Theo Báo Tuổi Trẻ