ĐH Quốc gia TP.HCM có thêm 3 trường đại học tự chủ

0
925

Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Minh Tâm – phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – công bố tại hội nghị thường niên năm 2020 của đại học.

ĐH Quốc gia TP.HCM có thêm 3 trường đại học tự chủ - Ảnh 1.

PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu tại hội nghị thường niên sáng 29-12 – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Năm 2020, ĐH Quốc gia TP.HCM đã hoàn chỉnh cơ sở pháp lý triển khai hoạt động tự chủ cho các trường đại học thành viên, hướng dẫn các đơn vị xây dựng đề án đổi mới cơ chế hoạt động và phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động của 3 trường đại học thành viên: Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế – luật, Trường ĐH Bách khoa. Trước đó, Trường ĐH Quốc tế cũng đã được áp dụng cơ chế tự chủ.

Các trường tự chủ sẽ tăng học phí khóa tuyển sinh 2021

PGS.TS Nguyễn Minh Tâm cho biết thêm: “ĐH Quốc gia TP.HCM còn chủ động triển khai việc nâng cao quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của các đơn vị và tạo điều kiện cho các đơn vị phát huy tối đa năng lực, lợi thế cạnh tranh. Các hoạt động này đều đảm bảo tính thống nhất của hệ thống và đặc thù của các đơn vị, sự liên thông, hợp tác toàn diện giữa các đơn vị trong ĐH Quốc gia TP.HCM”.

Theo PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh – phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – luật – trường này sẽ chính thức tự chủ từ ngày 1-1-2021. Tự chủ của một trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM khác với 24 trường đại học cả nước đang thí điểm tự chủ.

“Trong bối cảnh mới Trường ĐH Kinh tế – luật và người học cũng sẽ đồng kiến tạo chương trình đào tạo, giảng viên cùng sinh viên đồng kiến tạo nội dung giảng dạy. Việc chuyển đổi sang mô hình tự chủ của trường sẽ gắn với đổi mới quản trị đại học”, ông Khánh cho biết.

Lãnh đạo 3 trường đại học thành viên vừa được phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động đều cho biết các trường này sẽ tăng học phí, áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2021. Các trường sẽ công bố chi tiết thông tin học phí trong đề án tuyển sinh 2021.

ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ đề xuất mô hình tự chủ riêng

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân – phó giám đốc thường trực ĐH Quốc gia TP.HCM – tự chủ đại học là chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước để phát triển giáo dục đại học, trong đó đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng đại học quốc tế.

Để giáo dục Việt Nam có được thức hạng cao và bền vững trên các bảng xếp hạng đại học quốc tế, nhà nước cần xây dựng chiến lược ưu tiên phát triển một số trường đại học như cách mà các quốc gia khác trên thế giới đã làm.

Tự chủ đại học phải đi cùng với trách nhiệm giải trình của trường đại học, thể hiện sự minh bạch của các bên liên quan và thông thường là báo cáo giải trình được xây dựng dựa trên các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động (KPI).

Chỉ số thứ hai là chất lượng đào tạo mà thước đo quan trọng nhất là khả năng có việc làm của người học sau khi tốt nghiệp cũng như mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng.

“Bước đầu thực hiện tự chủ đại học tại ĐH Quốc gia TP.HCM đã mang lại những kết quả tích cực. Trong giai đoạn tới ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ phải tiếp tục vai trò tiên phong trong việc nghiên cứu đề xuất mô hình tự chủ phù hợp với bối cảnh của Việt Nam”, ông Quân cho hay.

Về vấn đề tài chính, theo PGS.TS Vũ Hải Quân hiện nay nguồn thu từ ngân sách Nhà nước ngày càng giảm nên ĐH Quốc gia TP.HCM cần phải đa dạng hóa các nguồn thu, từ việc khai thác tài sản trí tuệ, cơ sở vật chất, đến việc chủ động hợp tác với các doanh nghiệp, hình thành và vận hành các quỹ tài trợ, chủ động các khoản chi.