Home Góc chia sẻ Tuyển sinh 2021: Lưu ý đặc biệt với thí sinh

Tuyển sinh 2021: Lưu ý đặc biệt với thí sinh

0
972

Hiện nay các trường ĐH đã tự chủ nên có rất nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, thí sinh phải đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường trước khi đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH.

Tuyển sinh 2021: Lưu ý đặc biệt với thí sinh
Đó là một trong những lưu ý đối với thí sinh của ThS. Hoàng Thúy Nga, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT.

Theo ThS. Hoàng Thúy Nga, hiện nay các trường ĐH đã tự chủ nên có rất nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.

ThS Hoàng Thúy Nga cũng dặn thí sinh phải đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường. Quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh hằng năm được đăng ký không giới hạn nguyện vọng xét tuyển, các trường sẽ xét tuyển từ cao xuống thấp.

Nhưng, các em phải lưu ý chỉ được trúng duy nhất một nguyện vọng. Do vậy cần sắp xếp nguyện vọng mà mình mong muốn nhất lên đầu, và các nguyện vọng còn lại trượt dần theo thứ tự.

Sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT, cũng giống như mọi năm, thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến trên hệ thống. ThS. Nga nhấn mạnh thí sinh phải có số điện thoại đăng ký trên hệ thống mới được điều chỉnh nguyện vọng.

Mọi thông tin phải hoàn toàn chính xác. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, các em trúng tuyển sẽ nhận phiếu chứng nhận kết quả thi. Nếu học sinh xác nhận phiếu này, các trường này sẽ xác nhận giấy này lên hệ thống, học sinh sẽ không thể đăng ký trường khác nữa.

Thực tế mùa tuyển sinh những năm trước cho thấy, nhiều thí sinh không đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường ĐH nên mới có tình trạng tưởng trúng tuyển hóa trượt.

Ví dụ như mùa tuyển sinh 2020 vừa qua, hàng chục thí sinh đỗ theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, đã nhập học vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhưng bất ngờ nhận thông báo không đủ điều kiện trúng tuyển.

Lý giải về tình trạng này, TS. Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết thí sinh đủ điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT nhưng không đủ điểm học bạ. Tình trạng này không chỉ xuất hiện trong năm 2020 mà cả những năm trước.

Năm 2020, một số trường hợp như vậy đã chủ động gửi đơn cho trường xin rút nguyện vọng. Nhưng vẫn còn những em không đọc kỹ đề án tuyển sinh của trường nên không biết và vẫn nhập học bình thường.

Chính vì vậy, có sinh viên đã học 2-3 buổi mới nhận được thông báo không đủ điều kiện trúng tuyển. Theo ông Kiên sau thời gian làm thủ tục nhập học cho thí sinh, trường mới có đủ hồ sơ của sinh viên, trong đó có học bạ, để tiến hành hậu kiểm. Đây là bước không thể thiếu trong quá trình tuyển sinh bởi phần mềm xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT chỉ cho ra kết quả trúng tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT của thí sinh.

Với những trường hợp thí sinh không đáp ứng được điều kiện điểm học bạ theo yêu cầu của trường dù đủ điểm thi tốt nghiệp THPT, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã làm công văn báo cáo gửi lên Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT để tạo điều kiện tốt nhất cho các em. Từ đó, Vụ sẽ làm công văn sang các trường mà thí sinh đăng ký nguyện vọng sau trường ĐH Bách khoa Hà Nội, yêu cầu tiếp nhận thí sinh nếu đủ điểm và điều kiện trúng tuyển.

TS. Trần Trung Kiên khuyên thí sinh phải chú ý đọc kỹ điều kiện tuyển sinh của nhà trường để tránh những điều đáng tiếc.

Không chỉ Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều trường khác cũng có thí sinh đủ điểm trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng trượt vì học bạ. Nguyên nhân xuất phát từ việc thí sinh không đọc kỹ đề án tuyển sinh của trường.