Home Góc chia sẻ Bộ trưởng GD&ĐT: Lần đầu tiên lịch sử ngành Giáo dục phá...

Bộ trưởng GD&ĐT: Lần đầu tiên lịch sử ngành Giáo dục phá bỏ độc quyền sách giáo khoa

0
1111

 “Việc lựa chọn sách giáo khoa được các địa phương thực hiện cơ bản nghiêm túc, công khai, minh bạch. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành Giáo dục nước ta thực hiện chủ trương này và đã có kết quả bước đầu đáng khích lệ”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Như Ý
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Như Ý
Bước tiến quan trọng trong đổi mới dạy và học

Ngày 27/1, tại phiên thảo luận Đại hội Đảng XIII, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tham luận về vấn đề đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Một trong những điểm nổi bật đạt được, theo ông Nhạ, chỉ tiêu về đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trên toàn quốc cho trẻ 5 tuổi đã hoàn thành ngay từ đầu năm 2017, với tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,98%.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở. Cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó có 18/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 3. Trên cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, trong đó có 19/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 2, mức độ 3.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, Bộ GD&ĐT đã xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới và tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai theo lộ trình Quốc hội quy định. “Lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách bài bản, tiếp cận quốc tế, theo một quy trình chặt chẽ, từ chương trình tổng thể đến các chương trình môn học ở các cấp học, lớp học”, ông Nhạ cho hay.

Theo Bộ trưởng, Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành cuối năm 2018 được kỳ vọng giải quyết căn bản những hạn chế của chương trình hiện hành, trong đó đặc biệt là cách tiếp cận chuyển từ phương thức truyền đạt kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực của người học. “Chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa nhằm khuyến khích sự sáng tạo trong dạy và học của giáo viên đã có những thành công bước đầu”, ông Nhạ đánh giá.

Cùng với đó, vào cuối năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1, với tổng số 46 quyển của 9 môn học và hoạt động giáo dục cho phép sử dụng trong năm học 2020 – 2021. Theo Bộ trưởng, việc lựa chọn sách giáo khoa được các địa phương thực hiện cơ bản nghiêm túc, công khai, minh bạch.

“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành Giáo dục nước ta thực hiện chủ trương này và đã có kết quả bước đầu đáng khích lệ. Có thể nói, chính sách này đã phá bỏ việc độc quyền biên soạn và phát hành, tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng sách giáo khoa. Đây là tiền đề, đồng thời là một bước tiến quan trọng trong đổi mới dạy và học ở bậc phổ thông”, ông Nhạ cho hay.

Bộ trưởng GD&ĐT: Lần đầu tiên lịch sử ngành Giáo dục phá bỏ độc quyền sách giáo khoa - ảnh 1Theo Bộ trưởng, việc lựa chọn sách giáo khoa được các địa phương thực hiện cơ bản nghiêm túc, công khai, minh bạch (Ảnh TP)

Giảm áp lực, giảm tốn kém thi cử

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, việc đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng đối với giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được triển khai theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp kết quả quá trình với kết quả cuối năm học. Việc tổ chức đánh giá chất lượng ở cấp cơ sở giáo dục, cấp địa phương và ở cấp quốc gia được thực hiện thường xuyên.

Theo Bộ trưởng, công tác đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng được triển khai theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp kết quả quá trình với kết quả cuối năm học, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; khắc phục tình trạng học lệch, học tủ ở phổ thông và đã đi vào nề nếp, hiệu quả hơn.

“Thí sinh không phải lên các thành phố lớn để dự thi trong nhiều đợt, thay vào đó chỉ phải dự thi một lần, ngay tại địa phương, giúp giảm áp lực, giảm tốn kém cho gia đình, học sinh và xã hội; thí sinh được xét nhiều nguyện vọng, tăng cơ hội trúng tuyển vào trường và ngành học yêu thích. Điều này khẳng định mạnh mẽ quá trình đổi mới, thực hiện khâu đột phá thi trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng đến nay đã đạt được mục tiêu của Nghị quyết 29 đề ra”, ông Nhạ nhấn mạnh.

Cùng với đó, theo ông Nhạ, tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị đại học. Nếu như trước đây chỉ có hai đại học quốc gia được giao quyền tự chủ cao, thì từ năm 2014 đã có 23 cơ sở giáo dục đại học được thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77 của Chính phủ.

“Mô hình quản trị đại học đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo trong mọi mặt hoạt động. Cùng với hai đại học quốc gia, hầu hết các trường thí điểm tự chủ đã có bứt phá mạnh trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo ra diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”, ông Nhạ nói.

Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, bên cạnh kết quả, thành tựu đạt được, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Trong đó, công tác quản lý Nhà nước, quản trị nhà trường còn bất cập, trách nhiệm còn chồng chéo; việc kiện toàn Hội đồng trường các cơ sở giáo dục đại học còn chậm, hoạt động chưa thực chất, chưa phát huy tốt vai trò của Hội đồng trường.

Bên cạnh đó, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, cá biệt có những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc xã hội…

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong 5 năm tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, sẽ tập trung thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp cơ bản. Qua đó, trong giai đoạn 2021- 2025, ngành Giáo dục chọn đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường là giải pháp đột phá, để tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách mới hiệu quả hơn, khắc phục căn bản các hạn chế, bất cập gây bức xúc xã hội.

Đồng thời phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Trong đó, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là nhân tố quyết định thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục; rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông..