Bổ sung môn ngoại ngữ khi xét học sinh giỏi: Đánh giá năng lực toàn diện

0
1131
Việc Bộ GD&ĐT bổ sung ngoại ngữ vào nhóm môn có thể quyết định mức xếp loại học lực của học sinh trung học được cho là phù hợp với xu thế.
Bổ sung môn ngoại ngữ khi xét học sinh giỏi: Đánh giá năng lực toàn diện - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Ngoại ngữ chính là phương tiện mở ra tri thức cho thế hệ trẻ. Ảnh minh họa

Việc này giúp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đồng thời đánh giá toàn diện hơn năng lực học sinh.

Thêm động lực dạy học tiếng Anh

Sau một thời gian triển khai đổi mới đánh giá học sinh theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông, cô Trương Huỳnh Anh Thi, giáo viên Ngoại ngữ, Trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa, An Giang thấy rõ những thay đổi tích cực.

Theo đó, với môn Tiếng Anh, việc thực hiện 4 điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên và 1 lần đánh giá giữa kỳ cho mỗi học kỳ bảo đảm đánh giá toàn diện và hệ thống các kĩ năng ngôn ngữ cho học sinh.

Quy định số lần kiểm tra dựa trên số tiết khoa học hơn, góp phần giảm áp lực cho học sinh khi nhiều môn phải tham gia kiểm tra, đánh giá nhiều lần trong một giai đoạn nhất định.

Đặc biệt, việc bổ sung ngoại ngữ vào nhóm môn có thể quyết định mức xếp loại học lực của học sinh (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) tạo động lực và khuyến khích dạy học ngoại ngữ ở trường phổ thông hiện nay; đồng thời giúp xét công nhận HS giỏi toàn diện hơn.

Thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) cũng nhận định Thông tư 26 thể hiện rõ quan điểm đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Với điểm mới liên quan đến môn Ngoại ngữ, thầy Dũng cho rằng: Học tiếng Anh trở thành nhu cầu cần thiết và cấp bách, giúp tiếp cận, mở rộng hiểu biết với nguồn tri thức tiên tiến trên thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Hiện nay, trẻ em từ thành thị đến nông thôn, phần lớn đều được làm quen với bộ môn Tiếng Anh từ rất sớm thông qua việc giảng dạy trong trường phổ thông. “Việc đánh giá học sinh giỏi có xét thêm môn Tiếng Anh tạo thêm cơ hội cho nhiều em có thể chưa học thật tốt 2 môn Ngữ văn, Toán, nhưng lại có vượt trội về môn Tiếng Anh” – thầy Dũng nhận định.

Bổ sung môn ngoại ngữ khi xét học sinh giỏi: Đánh giá năng lực toàn diện - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Tiêu chuẩn đánh giá học sinh giỏi ngày càng hướng tới tự công bằng cho người học. Ảnh minh họa

Cùng quan điểm, theo thầy Nguyễn Phú Thọ – Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Quốc học (Thừa Thiên – Huế), trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đây là chủ trương nhằm động viên học sinh tăng cường khả năng sử dụng ngoại ngữ; tạo động lực mới cho giáo viên và học sinh trong dạy và học ngoại ngữ.

Theo quy định này, có thể số học sinh giỏi của trường sẽ tăng lên và khu vực thành thị, đô thị, nơi có điều kiện để dạy và học ngoại ngữ sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, chủ trương này cũng không hề gây khó khăn cho các vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện dạy học ngoại ngữ chưa tốt.

“Tôi hy vọng, chủ trương này sẽ từng bước giúp những địa phương này dần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong thời gian tới” – thầy Nguyễn Phúc Thọ chia sẻ.

Thực hiện nghiêm túc, khách quan khi đánh giá, xếp loại

Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ra đời nhằm sửa đổi, bổ sung một số nội dung về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông trước đây (theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT).

Bên cạnh thay đổi mang tính “kỹ thuật”, điểm mới căn bản của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT là  bổ sung môn Ngoại ngữ vào nhóm môn có thể quyết định mức xếp loại học lực của học sinh. Dù tạo cơ hội cho học sinh, nhưng ông Bùi Quý Khiêm, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Đồng Tháp, cho rằng đây không phải là hạ tiêu chuẩn, hay nới lỏng.

Bổ sung môn ngoại ngữ khi xét học sinh giỏi: Đánh giá năng lực toàn diện - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Ngoại ngữ là môn học bắt buộc tại các cơ sở GD phổ thông.

“Việc Bộ GD&ĐT đưa môn Ngoại ngữ tham gia “quyết định” mức xếp loại của học sinh phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển, toàn cầu hóa. Từ thực tiễn triển khai thực hiện quy định trên, vấn đề đặt ra là phải nghiêm túc, chính xác, khách quan trong kiểm tra, đánh giá và xếp loại học sinh, không chạy theo thành tích.

Trong đó, ngoài trách nhiệm chính là của giáo viên, còn có trách nhiệm của cán bộ quản lý nhà trường trong thanh tra, kiểm tra. Từ chủ trương đi vào thực tiễn cuộc sống là một quá trình, do vậy cần có thời gian để đánh giá hiệu quả.

Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là việc làm phù hợp – nếu không khẳng định là mang tính đột phá của Bộ GD&ĐT trong đổi mới – thành tố quan trọng của quá trình dạy học – kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học” – ông Bùi Quý Khiêm nêu quan điểm.

Thầy Hà Văn Quý – Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Ninh (Quảng Bình) nhận định: Đổi mới nói trên tốt cho học sinh, góp phần nâng cao vai trò môn Tiếng Anh; đồng thời cho rằng việc kiểm tra đánh giá các môn học, nhất là Tiếng Anh, Toán, Ngữ văn cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, thực chất, để đánh giá sát hơn khi xét học sinh giỏi.

Liên quan đến nội dung này, mới đây Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất với UBND Thành phố về việc thay đổi cách tính điểm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Theo đó, những năm trước, điểm thi lớp 10 là tổng điểm của 3 môn thi, trong đó điểm thi môn Ngữ văn và Toán nhân hệ số hai.

Năm nay, theo đề xuất của sở, điểm thi lớp 10 là tổng điểm 3 môn thi trong đó không có môn nào nhân hệ số. Được biết, chủ trương này cũng bắt nguồn từ Thông tư 26 của Bộ GD&ĐT, nhằm nâng cao vai trò của môn Ngoại ngữ trong trường phổ thông.