Nhóm ngành kinh tế: Những ngành nào đang ‘hot’?

0
1116

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam, nhu cầu nguồn nhân lực của các khối ngành kinh tế cũng tăng lên tương ứng.

Nhóm ngành kinh tế: Những ngành nào đang hot? - Ảnh 1.

Học sinh dự chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2021 do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Tiền Giang sáng 3-4 – Ảnh: TỰ TRUNG

Đặc biệt trong đó là các nhóm ngành gắn liền với xu hướng quốc tế của các hoạt động giao thương, đầu tư và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Khi hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày một tăng trưởng và dòng vốn đầu tư quốc tế chảy vào ồ ạt, doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài cũng đến Việt Nam làm ăn ngày càng nhiều hơn thì nhu cầu lao động liên quan đến kinh tế đầu tư, kinh doanh quốc tế, kinh doanh thương mại và logistic – quản lý chuỗi cung ứng cũng tăng lên mạnh mẽ.

Điều này lý giải vì sao gần đây ngày càng có nhiều sinh viên chọn theo học các ngành này. Khi ra trường, các em thường có rất nhiều ưu thế trong cơ hội việc làm do kiến thức có tính cập nhật cao, cùng kỹ năng thông thạo ngoại ngữ và sự năng động vốn có của ngành nghề này.

Sự bùng nổ của thị trường tài chính và các dịch vụ tài chính – ngân hàng cũng mở ra những cơ hội nghề nghiệp đầy triển vọng đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, một xu hướng mà ngày nay người học rất cân nhắc là sự thắng thế của tài chính công nghệ Fintech so với các nền tảng tài chính truyền thống.

Tương tự như vậy, ngành bảo hiểm cũng mở ra xu thế Insurtech, đào tạo các chuyên gia bảo hiểm có khả năng sử dụng công nghệ trong việc thiết kế các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm có tính cá nhân hóa cho từng đối tượng khách hàng riêng biệt.

Đây sẽ là một xu hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai khi người ta ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ bản thân và gia đình khi chất lượng cuộc sống ngày một tăng lên.

Dịch vụ ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt, các nền tảng giao dịch dựa trên công nghệ và xu hướng IoT như thương mại điện tử hoặc kinh tế chia sẻ như vận tải công nghệ đang mở ra cơn khát nhân lực phục vụ cho quá trình chuyển đổi số này.

Người học bên cạnh việc nắm vững các kiến thức nền tảng về tài chính, ngân hàng, thương mại, đầu tư cùng các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết thì phải am hiểu công nghệ, biết vận dụng công nghệ, đặc biệt là những lĩnh vực có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao để giải quyết các bài toán và mô hình giao dịch một cách an toàn, hiệu quả và gia tăng tối đa trải nghiệm của người dùng.

Bên cạnh những ngành nghề mà bất kỳ doanh nghiệp hoặc một tổ chức nào cũng cần vì nó gắn liền với các hoạt động hằng ngày như quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự, kế toán – kiểm toán, luật kinh doanh…, những ngành nghề mới gắn liền với xu hướng phát triển của xã hội, đặc biệt là xu thế tự động hóa và công nghệ thông minh cũng ra đời.

Quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo là một ngành học được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Bởi vì đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng để tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Quản trị đổi mới và áp dụng công nghệ vào quản lý, điều hành công ty đòi hỏi một tư duy có hệ thống, được đào tạo bài bản về khoa học quản trị lẫn hiểu biết về công nghệ quản lý, công nghệ thông minh.

Sự bùng nổ của các đô thị cùng với quá trình phát triển kinh tế cũng khiến cho các ngành học về kiến trúc hay thiết kế đô thị thông minh trở nên hấp dẫn. Các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, thiết kế và tư vấn giải pháp thông minh cho các bài toán về xây dựng và phát triển đô thị chắc chắn sẽ là nguồn nhân lực cần thiết trong thời gian tới khi các đô thị lớn của Việt Nam đang ngày một mở rộng và phát triển.