Gỡ rối hướng nghiệp giúp học sinh không chọn nhầm sự nghiệp tương lai

0
1221

Có một nguyên tắc trong lựa chọn ngành nghề mà không phải bất kỳ HS nào cũng nắm được: sự cân bằng giữa năng lực, sở thích, điều kiện kinh tế để lựa chọn những ngành, nghề và trường học có khả năng trúng tuyển.

 

HS TP Đà Nẵng tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh của ĐH Đà NẵngHS TP Đà Nẵng tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh của ĐH Đà Nẵng

Gỡ rối hướng nghiệp

Để giúp HS có cái nhìn đúng đắn về nghề nghiệp mình sẽ lựa chọn cùng những yêu cầu, đặc thù cần có thì không có gì hiệu quả hơn là tạo điều kiện cho các em có những trải nghiệm từ thực tế thì mới biết mình phù hợp nhất với nghề gì. Ông Mai Tấn Linh – Phó GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: Trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học, Sở GD&ĐT khuyến khích các trường có những giờ học trải nghiệm thực tế, có thể là tiết học trên đồng ruộng, ở nhà máy, xí nghiệp,… tùy vào điều kiện tổ chức của trường.

Những tiết học này sẽ giúp cho các em có những cái nhìn thực tế và định hình được một số ngành nghề nhất định. Như làm nông nghiệp công nghệ cao, hướng dẫn du lịch, công nghệ thực phẩm, cơ khí… Các trường ĐH, CĐ, trung tâm dạy nghề ở Đà Nẵng cũng đã có sự chủ động kết nối với các trường phổ thông, tạo điều kiện cho HS lớp 11, 12 có những trải nghiệm về môi trường giáo dục sau phổ thông. Đây là những chuẩn bị rất cần thiết để HS lớp 12 có được thông tin về vị trí việc làm sau khi ra trường cùng như những yêu cầu công việc đòi hỏi người lao động phải đáp ứng.

Học sinh Đà Nẵng tham gia trải nghiệm thực tế tại nhà máy dệt may trong chương trình Trải nghiệm để hướng nghiệp

Trong tập huấn GV chủ nhiệm về công tác hướng nghiệp, Sở GD&ĐT Đà Nẵng còn giới thiệu cho GV một số phần mềm trắc nghiệm kiến thức và trắc nghiệm chọn ngành nghề theo năng lực và sở thích. Thông qua trả lời hệ thống câu hỏi liên quan đến sở thích, khả năng và hạn chế của bản thân, những quan niệm về cuộc sống… chương trình sẽ đưa ra kết quả bạn phù hợp với ngành nghề nào. Đây là một kênh tham khảo rất bổ ích bởi có không ít HS vẫn băn khoăn không biết mình thích ngành nghề gì, hoặc thích quá nhiều thứ…

Một vấn đề nữa được rất nhiều HS thắc mắc là giải quyết xung đột giữa bố mẹ và bản thân trong việc chọn lựa ngành nghề. Ông Mai Tấn Linh nhận xét: “Thông thường, gần như phụ huynh sẽ định hướng cho con theo ngành nghề của bố mẹ. Bởi lẽ, ngoài hiểu biết về chính ngành nghề đó thì các mối quan hệ của phụ huynh sẽ thuận lợi cho con em trong lựa chọn cơ quan công tác sau khi ra trường. Thế nhưng, không phải tất cả phụ huynh đều có đầy đủ các thông tin về nghề nghiệp và chưa chắc những quyết định về tương lai của con em mình là căn cứ vào năng lực và nguyện vọng của các em”.

Chính vì vậy, các trường THPT ở Đà Nẵng tư vấn nghề nghiệp cho khối 12 song song cả hai kênh phụ huynh và HS. Những đổi mới trong công tác tuyển sinh cũng như hướng nghiệp đều được chuyển tải đến phụ huynh HS qua buổi họp riêng của phụ huynh khối 12 vào đầu năm học và trước đợt HS làm hồ sơ dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH.

Hỗ trợ cho GV trong công tác hướng nghiệp

Hướng nghiệp cho HS từ những trải nghiệm thực tế cũng là một cách làm thiết thực của các trường phổ thông trong việc “điều chỉnh” hiện tượng HS chọn ngành hot hay chọn theo số đông. Ví dụ như từ một buổi học thực tế tại trang trại rau sạch, HS từ chỗ có những trải nghiệm trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng rau sạch như sử dụng phân bón làm từ hữu cơ, cải tạo đất… sẽ có cái nhìn khác về nghề kỹ sư nông nghiệp, hóa môi trường… Các em cũng hình dung được nghề nông không như hình ảnh “chân lấm tay bùn” mà còn nhiều “phân khúc” cần những lao động có kiến thức chuyên môn để đáp ứng yêu cầu về một nền nông nghiệp sạch.

Học sinh Trường THPT Hòa Vang trải nghiệm tại phòng lab của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh

Việc gắn kết với các trường ĐH, CĐ, trung tâm đào tạo nghề cũng sẽ giúp các trường phổ thông và HS có nhiều thông tin hơn về đầu ra của ngành học, các vị trí việc làm có thể ứng tuyển sau khi tốt nghiệp.

Ông Mai Tấn Linh chia sẻ: “Đúng là các trường phổ thông gần như tự chủ động trong khâu tìm tài liệu, cập nhât thông tin về nghề nghiệp, xu hướng việc làm… thông qua báo chí và tài liệu mà các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp cung cấp. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác hướng nghiệp, phân luồng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng có kế hoạch phối hợp với Sở LĐTBXH và các ban ngành có liên quan để cung cấp cho các trường phổ thông về thông tin tuyển dụng, cơ cấu ngành nghề cũng như quy hoạch, dự báo nhu cầu nhân lực của địa phương để cung cấp cho các trường phổ thông”.

Ngoài ra, Đoàn thanh niên các trường THPT cũng đều thu thập thông tin liên quan đến thị trường lao động, nhu cầu nhân lực của một số ngành nghề… để cung cấp cho phụ huynh và HS. Từ đây, HS và phụ huynh có thêm kênh tham khảo về thị trường lao động và nhu cầu việc làm của các ngành nghề để có thể có lựa chọn ngành nghề phù hợp.

So với những năm trước, công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh năm nay có một số thay đổi do bị tác động từ tình hình dịch bệnh Covid – 19. Một số ngành nghề và lĩnh vực kinh tế bị tác động sâu sắc như du lịch, dịch vụ, giao thông vận tải… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự lựa chọn ngành nghề của HS.

Sở GD&ĐT Đà Nẵn đã định hướng đến các trường THPT, trong tư vấn hướng nghiệp cho HS phổ thông, phải cập nhật những dự báo nguồn nhân lực cho trung hạn. Vì cũng phải ít nhất từ 2 đến 4 năm sau, các em mới bước vào thị trường lao động. Lúc đó, sự phát triển của các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 chắc chắn đã có sự thay đổi. Chẳng hạn như du lịch ở Đà Nẵng cũng bắt đầu ầm dần. Đây là một tín hiệu cho thấy trong tương lai gần, ngành này sẽ cần một lực lượng lao động có tay nghề thay thế cho số lao động hiện đã chuyển đổi việc làm.

“Hàng năm, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đều tổ chức tập huấn riêng cho hai đối tượng: bộ phận thu nhận, nhập hồ sơ ở các trường THPT và các Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Các GV chủ nhiệm và bộ phận giám thị đều được tập huấn Quy chế thi và tuyển sinh 2 vòng do Sở GD và nhà trường tổ chức. Trong đó, chúng tôi nhấn mạnh cán bộ thu nhận hồ sơ chú ý rà soát mã ngành, mã trường cũng như bài thi tổ hợp.

Cán bộ làm công tác thu nhận hồ sơ, hướng dẫn kỹ cho HS, đặc biệt là những điểm mới trong quy chế tuyển sinh để hạn chế tối đa những sai sót trong đăng ký thông tin ở hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Một số trường đã điều động thêm giáo viên đảm nhiệm việc kiểm tra, rà soát hồ sơ để tránh những sai sót đáng tiếc, ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.

Ngoài việc chú trọng công tác hướng dẫn, rà soát hồ sơ, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cũng sẽ tổ chức hai đợt kiểm tra, trong đó có một đợt kiểm tra chéo để hạn chế tối đa những sai sót khi nhập dữ liệu”. – Ông Mai Tấn Linh – Phó GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng.