Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Tất cả hướng tới “học thật, thi thật, nhân tài thật”

0
1196

Đầu tháng 5/2021, khi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong nhiều ý kiến chỉ đạo, định hướng cho giáo dục, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh mong muốn ngành giáo dục cần phải “Học thật, thi thật, nhân tài thật”.

 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về những định hướng của ngành giáo dục để thực hiện chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ.

– Thưa ông, ngành giáo dục lĩnh hội chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Thủ tướng đã nêu và chỉ đạo rất trúng về một thực trạng, một vấn đề của giáo dục Việt Nam hiện tại. Đó là yêu cầu phải giải quyết một vấn đề lớn đang đè nặng ngành giáo dục và cả xã hội. Học thật, thi thật, nhân tài thật, tất cả gộp cả trong một chữ THẬT. Một chữ thôi, nhưng chứa đựng trong nó đòi hỏi rất cao, là sức nặng của một định hướng vô cùng lớn, vô cùng khó nhưng ngành giáo dục cần làm, phải làm và quyết tâm làm.

Nói như thế không phải là toàn bộ nền giáo dục lúc này là hư rỗng. Vẫn có số đông, rất đông đang dạy thật, học thật, năng lực thật. Nhưng vẫn còn đó nhiều ngành nghề, nhiều trường, nhiều người học có danh mà không có thực, có bằng mà không có chất, “thực không xứng danh, danh không xứng thực”.

Thủ tướng mong muốn ngành giáo dục cần chất lượng hơn, thực chất hơn, bỏ đi những tiêu cực, bệnh hình thức gây nhức nhối. Để làm được điều đó ngành giáo dục có sự chuyển hóa về chất, nó không chỉ là vấn đề chất lượng giáo dục mà sâu xa hơn thế, nó là việc chất lượng con người để đáp ứng cho nhu cầu của cuộc sống, chất lượng để tạo ra của sự phát triển của đất nước, của nhu cầu nhân lực chất lượng cao và đặc biệt là nhân tài…

Cô và trò nỗ lực dạy học trong bối cảnh ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19. Ảnh minh họa/INT

– Bộ Giáo dục và Đào tạo có những quan điểm định hướng lớn nào để chuẩn bị cho công cuộc chuyển hóa về chất, hướng về học thật, thi thật, nhân tài thật?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Học thật, hay thực học, xét về phương diện nội dung, là nền giáo dục dạy người ta tri thức, kỹ năng, phẩm chất, tạo ra năng lực thực, tức những cái mà người học có thể dùng nó cho công việc, cho mưu sinh, cho đời, cho đất nước. Thực học là tránh việc học những cái ra đời không dùng vào việc gì, còn cái cần cho việc thì không được học. Thực học ở đây với nghĩa là nền giáo dục thiết thực, hữu dụng, có thực chất, giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn chặt với đời sống. Học thật là danh vị, học hàm, bằng cấp là phù hợp và phản ánh đúng cái thực lực của người học.

Thực tế còn nhiều người nhiều nơi, học qua loa cho có, học chống đối, học cốt lấy bằng, học xong không thêm gì kiến thức năng lực. Có người nhiều bằng cấp, nhưng trước công việc thì không làm được, danh vị là hư danh… Do đó để học thật trước hết là là bỏ thói học vẹt, học thuộc, học nhồi nhét kiến thức, học cốt để thi, học theo bài mẫu, học không cần đào sâu suy nghĩ, không đi vào bản chất, học không gắn với thực tiễn. Học thật là kiểm tra đánh giá đúng, đáng bao nhiêu điểm thì cho bấy nhiêu, ai phải học lại thì cho học lại, không “ngồi nhầm lớp”, luận án không chất lượng thì không cho qua…

Để có được chữ THẬT trong giáo dục, từ góc độ của ngành, Bộ có rất  nhiều việc phải làm. Trước hết, Bộ sẽ phải xem xét điều chỉnh rà soát lại nội dung dạy và học, dạy cái thiết thực, cái thực nghiệp, bỏ cái hình thức phù phiếm, vô bổ.

Bậc phổ thông thì chú trọng dạy người, biết tu dưỡng, sống có chí hướng, dạy kiến thức cơ bản, khả năng tự thích ứng và phát triển bản thân.

Bậc đại học thì từ khâu xây dựng chương trình, tới thiết kế chuẩn đầu ra, tới đặt từng môn học sao cho sát hợp thực tiễn. Học đi đôi với hành, thực tập thực tế cho đầy đủ, thực chất. Cần lấy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo làm nền tảng để tạo ra chất lượng. Cần nuôi khát vọng, chí hướng và tinh thần khởi nghiệp.

Cần thay đổi phương pháp để sao cho người học tiếp thu tốt nhất, thích học, biết học để làm gì, học ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường của mình. Học để biết, học để làm việc, học để phát triển phẩm chất năng lực bản thân chứ không phải vì điểm số, không phải học chỉ để thi, học để có bằng cấp chứng chỉ. Cần nghiêm trong kiểm tra đánh giá, để sao cho đánh giá đúng cái thực chất người học có và tích lũy được, đạt được, không để nhân tố nào làm sai lệch kết quả đánh giá, thi không cốt quá nhiều và phiền hà mà thi cốt cho nghiêm, đánh giá đúng…

Học trực tuyến được triển khai ở nhiều nhà trường. Ảnh minh họa/INT

– Chỉ vài định hướng Bộ trưởng nêu ở trên, thì khối lượng công việc cũng rất lớn, cần rất nhiều thời gian và vật lực, với rất nhiều vấn đề và trở ngại cần giải quyết. Ngành giáo dục và đào tạo cần những điều kiện gì để hiện thực hóa được mục tiêu này ?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Để có được chữ THẬT này, tự ngành giáo dục phải có sự thay đổi, chuyển mình rất lớn từ trong tư duy, từ trong nếp dạy, từ trong thói quen đã hình thành nhiều năm nay được định hình bởi quan điểm xã hội. Ngành cũng cần phải có cơ sở vật chất tốt cho nhà trường, phòng thí nghiệm hoạt động được thật, phương tiện dạy và học đầy đủ, hiện đại để có thể tạo ra chất lượng giáo dục tốt nhất. Cần có đội ngũ giáo viên giỏi, năng lực thực và có thu nhập xứng đáng, yên tâm với nghề. Hai điều này chính là là THỰC LỰC của ngành giáo dục. Có tạo được cái THỰC đó mới vực được chất lượng lên, mới đề cao được thực học.

Từ góc độ quản lý nhà nước trong lĩnh vực, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chuẩn bị để có kế hoạch cụ thể thực hiện chỉ đạo lớn này của Thủ tướng Chính phủ. Ngành giáo dục và đào tạo quyết tâm thực hiện mục tiêu này, và mong luôn có sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, của Chính phủ, sự đồng hành, hỗ trợ của các bộ ban ngành, các địa phương.

– Thưa ông, giáo dục là một phần của xã hội. Sự vận động của xã hội sẽ tác động như thế nào đến quá trình thực hiện công cuộc chuyển đổi lớn này của ngành giáo dục?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Một thực tế xã hội rất quan trọng khác đang trực tiếp triệt tiêu động lực của việc học thật, thi thật chính là việc nhiều đơn vị và tổ chức tuyển người, dùng người, đánh giá người còn dựa trên hình thức, dựa vào bằng cấp mà chưa chú ý đến trình độ thực chất.

Nói cách khác, việc làm cho người học phải học thực, thi thực, thì một phần quan trọng lại nằm ở phía sử dụng sản phẩm đầu ra của giáo dục, đó là việc dùng người, tuyển người, đánh giá người. Nếu tuyển người chỉ dựa trên giấy tờ, theo quan hệ và bị chi phối bởi các yếu tố không thực chất, thì người học sẽ có xu hướng chỉ lo sao cho đẹp hồ sơ, chuẩn các điều kiện, mà không lo phần thực chất.

Nếu việc tuyển người, dùng người, đánh giá người theo năng lực thật, ai có tài năng thực được trọng dụng, được đánh giá đúng… thì khi đó học sinh trong nhà trường sẽ đua nhau mà học thật thi thật. Dùng người chỉ căn cứ theo năng lực, theo phẩm chất thật, thì việc dạy và học sẽ chuyển động theo một cách nhanh chóng. Trên nền tảng của việc học thực chất, người được dùng đúng theo năng lực, khi đó người tài sẽ xuất hiện, người tài sẽ được bồi dưỡng. Khi việc dùng người đúng năng lực, đánh giá đúng phẩm chất, khi đó tài năng thực sẽ nở rộ.

Học thật thi thật trước hết và luôn luôn là việc của ngành giáo dục, nhưng cũng là của toàn xã hội. Nếu tất cả mọi người cùng đồng lòng vì nền giáo dục chất lượng, vì cuộc sống chất lượng và sự phát triển của đất nước, thì tôi nghĩ  một trong những việc đầu tiên cả xã hội chung tay là tất cả cùng vì thực học!

– Xin cảm ơn ông.