Ngành Giáo dục quốc phòng và an ninh “kén” thí sinh?

0
925

Mới đây, Bộ GD&ĐT quyết định cho phép Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội đào tạo ngành Giáo dục Quốc phòng và an ninh trình độ đại học.

Ảnh minh hoạ/internetẢnh minh hoạ/internet

TS Nguyễn Duy Quyết – Hiệu trưởng nhà trường trao đổi xung quanh vấn đề này.

– Ngành Giáo dục quốc phòng và an ninh là khá “kén”, thậm chí không được đánh giá là ngành “hot” như một số ngành thuộc lĩnh vực kinh tế. Vậy tại sao nhà trường lại mạnh dạn đào tạo ngành này?

Để tăng tính hiệu quả của môn học, năm 2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục QP&AN trong trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 và Thông tư số 46/2020/TT-BGDĐT ban hành Chương trình môn Giáo dục QP&AN cấp THPT, áp dụng từ ngày 11/1/2021. Vì thế, đây là cơ sở đầu tiên trong sự lựa chọn mở thêm mã ngành này của nhà trường.

– Thứ nhất, chúng ta đều biết Giáo dục quốc phòng và an ninh (QP&AN) là nội dung, yêu cầu không thể thiếu trong chương trình giảng dạy chính khóa của các nhà trường và là 1 trong 7 môn bắt buộc trong chương trình phổ thông.

Thời gian qua, công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho học sinh, sinh viên luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chú trọng.

Thư hai, đối với Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội có những thuận lợi rất cơ bản cho việc đào tạo ở mã ngành này. Đó là, nhà trường đã đào tạo được 7 khoá ghép môn Giáo dục thể chất – Giáo dục quốc phòng và an ninh cho 487 giáo viên; Đào tạo ngắn hạn cho 208 giáo viên Giáo dục quốc phòng và an ninh; Trường có Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh là 1 trong 3 trung tâm đầu tiên của cả nước, đến nay đã đào tạo được hàng chục vạn sinh viên các trường đại học, cao đẳng khu vực Hà Nội học môn giáo dục QP&AN.

Đặc biệt, nhà trường sẽ triển khai đào tạo song song 2 chương trình giáo dục thể chất và giáo dục QP&AN. Sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận được 2 bằng đại học.

Thứ ba, nhà trường đang có đội ngũ giảng viên rất cơ bản, bên cạnh đội ngũ sĩ quan làm công tác biệt phái giảng dạy giáo dục QP&AN tại trung tâm. Nhà trường có đội ngũ giảng viên giáo dục QP&AN bước đầu đảm bảo đủ về cơ cấu, số lượng.

Thứ tư, nhà trường có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ  cho việc thực hiện công tác đào tạo giáo viên giáo dục QP&AN.

– Vậy theo ông, nhân sự ở ngành này thừa, thiếu như thế nào và cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường ra sao?

– Như tôi đã nói, giáo dục QP&AN là nội dung, yêu cầu không thể thiếu trong chương trình giảng dạy chính khóa của các nhà trường. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương cho việc đẩy mạnh nhiệm vụ này.

Trong đó xác định chất lượng đội ngũ giảng viên và các lực lượng tham gia giáo dục quốc phòng có vị trí đặc biệt quan trọng. Vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và các lực lượng tham gia giáo dục quốc phòng là một trong những giải pháp rất quan trọng trong đổi mới giáo dục quốc phòng.

Qua thực tế triển khai chương trình đào tạo, giảng dạy môn học này cho thấy, khó khăn lớn nhất hiện nay là: Đội ngũ giáo viên, giảng viên vẫn thiếu, chưa chuẩn hóa trình độ chuyên môn theo yêu cầu.

Mặc dù trước đó đã triển khai Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục QP&AN cho các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020” được ban hành theo Quyết định số 607/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/4/2014.

Sau 5 năm thực hiện, đã có hơn 1.700 học viên được đào tạo giáo viên giáo dục QP&AN trình độ đại học (hệ chính quy 4 năm). Tuy nhiên, ở cấp THPT, số lượng giáo viên trên phạm vi cả nước cần thực hiện nâng chuẩn trình độ theo Đề án vẫn còn thiếu gần 3.500 giáo viên.

Như vậy, có thể thấy cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường là rất cao. Nhất là việc đào tạo theo hướng của nhà trường chúng tôi đề xuất là đào tạo song bằng cho sinh viên.

Tức là, sinh viên học tại Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội có thể đăng ký đào tạo để được cấp 2 bằng. Cũng qua thực tế, nhà trường đã đào tạo 7 khoá ghép môn Giáo dục thể chất và Giáo dục QP&AN cho 487 giáo viên.

Đến nay, hầu hết các sinh viên này đều làm đúng với chuyên môn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các trường phổ thông. Vì một giáo viên có thể thực hiện 2 nhiệm vụ dạy môn Giáo dục thể chất và Giáo dục QP&AN, thực tiễn đã và đang phát huy rất tốt, được địa phương khẳng định.

TS Nguyễn Duy Quyết

– Môn Giáo dục QP&AN nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Vậy tới đây, trong quá trình đào tạo, nhà trường sẽ chú trọng đến yếu tố nào?

– Nhà trường chúng tôi xác định, trước hết phải bám sát, cập nhật quan điểm, tư duy, phát triển mới về đường lối quốc phòng, an ninh của Đảng mà Đại hội XIII đã tổng kết.

Trong đó, thống nhất, nâng cao nhận thức, tư duy, về: Đối tác, đối tượng; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh phi vũ trang; giữ vững độc lập, tự chủ trong điều kiện mở rộng hợp tác quốc tế; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh…

Xây dựng chương trình đào tạo kết hợp hài hoà giữa lý thuyết và thực hành, đảm bảo không chỉ trang bị cho sinh viên những kiến thức giúp người học có các kỹ năng thực hành cho chuyên môn được đào tạo, mà còn góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Từ đó nâng cao nhận thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với công cuộc  bảo vệ Tổ quốc.

– Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Theo Báo Giáo dục và đào tạo