Gian lận thi trực tuyến: Cơ hội điểm cao khó khước từ?

0
1126

 Đại dịch Covid-19 đã khiến việc thi trực tuyến không còn lạ lẫm, nhưng đó cũng chính là hình thức thi dễ dẫn tới tình trạng học sinh, sinh viên gian lận để đạt điểm cao.

Gian lận ở mọi cấp học

Hoàng Nam (gia sư cho một học sinh lớp 8 tại quận Cầu Giấy) đã “bật mí” về việc hỗ trợ học sinh thi giữa học kỳ 1 bằng hình thức thi trực tuyến. Đặc biệt, Nam cho biết đã nhiều lần làm việc này.

Theo quy định, học sinh của Nam phải bật 2 camera trong suốt quá trình làm bài thi. Tuy nhiên, “kẽ hở” là camera thứ hai chỉ quay ngang vị trí ngồi của thí sinh chứ không quay toàn bộ không gian ngồi thi.

Gian lận thi trực tuyến: Cơ hội điểm cao khó khước từ? - 1

Dù đã bật 2 camera, nhưng học sinh của Nam vẫn có thể chép được tài liệu do Nam làm và đặt bên cạnh (Ảnh: Văn Hiền).

Hoàng Nam chia sẻ: “Với sự hỗ trợ, không bài thi nào của học sinh đạt dưới 8 điểm, biết hành vi này là sai trái nhưng cũng vì “mưu sinh” nên mới nhận lời làm”.

Khi được hỏi “thích thi trực tuyến hay thi trực tiếp tại trường hơn”, học sinh của Nam không cần suy nghĩ mà trả lời: “Đương nhiên là em thích thi trực tuyến hơn rồi, vừa được điểm cao lại được hỗ trợ từ gia sư. Nếu mà thi trực tiếp trên trường thì điểm 8 môn này thật khó”.

Ra trường muộn một năm so với các bạn cùng khóa chỉ vì không thi qua môn Tiếng Anh chuyên ngành, Đ.V.T (Sinh viên khoa Du lịch) cảm thấy may mắn vì được học trực tuyến và thi trực tuyến. Vì nhờ thi trực tuyến có thể thuê người đến làm và dễ dàng qua môn để ra trường vào năm nay.

T. cho hay: “Nếu để tự mình thi thì việc học lại một lần nữa là điều chắc chắn. Đây là lần thứ 3 mình phải học lại môn Tiếng Anh chuyên ngành Du lịch này. Không chỉ riêng mình, còn có 15 bạn cùng lớp cũng chưa thể ra trường vì học lại môn này. May mắn là lần học lại thứ 3 học và thi theo hình thức trực tuyến. Chắc chắn, năm nay mình sẽ ra được trường”.

Gian lận thi trực tuyến: Cơ hội điểm cao khó khước từ? - 2
Cũng tương tự như học sinh của Nam, lỗ hổng ở đây là camera thứ hai không quay toàn cảnh thí sinh làm bài mà chỉ quay vào tay và vị trí ngồi (Ảnh: Văn Hiền).

Theo chia sẻ của T., chỉ với giá 1 triệu đồng đã có thể thuê một bạn trợ giảng của trung tâm tiếng Anh về để hỗ trợ trong việc làm bài thi. Tuy nhiên, thay vì trả hết số tiền đó, T. đã lập một nhóm thêm 4 bạn để cùng thuê. Sau khi làm xong, T. sẽ gửi đáp án cho 4 bạn còn lại chép.

“Cả bốn bài kiểm tra và thi trực tuyến mình đều thuê và đạt được điểm rất cao. Không chỉ riêng mình mà nhiều bạn sinh viên trong nhóm cũng thuê các bạn sinh viên Đại học Ngoại Ngữ hỗ trợ làm bài thi”, T. nói thêm.

Chưa có giải pháp tuyệt đối về gian lận thi trực tuyến

Là chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số (PGS. TS Trần Đăng Hưng, Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Sư Phạm Hà Nội) phân tích: “Để triển khai việc dạy học và thi trực tuyến hiệu quả, trường đại học cần đào tạo, tập huấn cho giáo viên, học sinh các kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản để sử dụng thành thạo các công cụ. Bên cạnh đó, nhà trường phải xây dựng quy trình dạy học trực tuyến một cách chặt chẽ, đảm bảo tính thông suốt và bảo mật tối đa cho cả người dạy và người học.”

Theo PGS. TS. Trần Đăng Hưng, một yếu tố khác quan trọng không kém là các cơ sở đào tạo cần làm chủ cơ sở hạ tầng, mạng Internet, các phần mềm. Tại các quốc gia lớn trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ vào thi trực tuyến đã được áp dụng từ những làn sóng dịch đầu tiên.

“Tuy nhiên, điều này cũng không quá lo ngại, nếu các cơ sở giáo dục triển khai các quy trình kiểm tra một cách chặt chẽ; thay đổi phương pháp và hình thức đánh giá để phù hợp với học và thi trực tuyến. Một trong những cách làm là tăng cường thi trắc nghiệm và thi theo hình thức đề mở, đồng thời tăng cường giáo dục người học về ý thức liêm chính trong thi cử”, PGS. TS. Trần Đăng Hưng nhận định.

Ghi nhận tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PGS. TS. Trần Thanh Giang, (Trưởng Ban Quản lý đào tạo) cho biết: “Trước khi triển khai thi trực tuyến, nhà trường đã tổ chức thí điểm nhiều đợt thi thử để tạo cơ sở đánh giá quy trình tổ chức, các điều kiện cần thiết và điều chỉnh ngày càng chặt chẽ hơn các lỗ hổng trong quản lý thi trực tuyến”.

Theo PGS. TS. Trần Thanh Giang, Việt Nam đã có một số phần mềm để kiểm tra sao chép tài liệu, song chưa nhiều. Việc phát hiện phần nhiều dựa trên kinh nghiệm của giảng viên. Đối với hình thức kiểm tra trực tuyến, có thể nói hiện tại chưa có giải pháp tuyệt đối cho vấn đề gian lận.

Theo Báo Dân Trí