Trong 5 tổ hợp xét tuyển ĐH 2022, khối A có đỉnh phổ điểm ở ngưỡng 22,5. Trong khi khối D1 có đỉnh thấp nhất, chỉ 18,5-19 điểm.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, phổ điểm khối A00 cao nhất khi đỉnh rơi vào 22,5 điểm với khoảng hơn 20.000 thí sinh đạt mức này. Đặc biệt, tổ hợp A00 cũng có 11 thí sinh đạt điểm 29,5-30, nhiều nhất trong 5 tổ hợp gốc thi tốt nghiệp THPT.
Phổ điểm khối A
Phổ điểm khối B
Phổ điểm khối C
Phổ điểm khối D01
Ninh Bình là địa phương có điểm khối A cao nhất, trung bình 22,87 điểm, tiếp theo là Bắc Ninh với điểm trung bình là 22,73 điểm. Nam Định đứng thứ 3 với điểm trung bình là 22,58 điểm. Các địa phương khác trong top 10 gồm: Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Hà Nam, Tuyên Quang, Yên Bái, Hoà Bình.
Tổ hợp thấp nhất là D01 khi đỉnh ở ngưỡng 18,5-19 điểm. Đây là tổ hợp duy nhất có đỉnh không chạm mốc 20 điểm, đồng thời không thí sinh nào có tổng 3 môn từ 29 trở lên.
Đối với 2 tổ hợp A01 và B00, đỉnh của 2 khối đều rơi vào ngưỡng 20-20,5 điểm. Tuy nhiên, số lượng thí sinh B00 đạt tổng 3 môn từ 25 điểm ít hơn A01. Không thí sinh đạt mức điểm 29,5-30 này tại tổ hợp B00.
Ở khối C00, đỉnh vẫn nằm ở ngưỡng 20. Khối này có duy nhất 1 trường hợp đạt mức điểm 29,5-30 điểm ở tổ hợp C00. Em này đạt 9,75 Văn, 10 Sử và Địa, trở thành thủ khoa tổ hợp C00 của cả nước.
Điều đặc biệt là năm nay, số điểm 10 môn lịch sử tới 1.779 bài, tăng hơn 6 lần so với số bài thi giành điểm 10 tại đợt 1 năm 2021. 3.766 thí sinh đạt điểm 9,75. Mức điểm trung bình có nhiều thí sinh đạt nhất của môn thi này là 7 với 38,718 em.
Vĩnh Phúc là địa phương có điểm trung bình môn Lịch sử cao nhất cả nước, với mức 7,172 điểm. Xếp ở vị trí thứ hai và thứ ba toàn quốc là Nam Định (7,097) và Ninh Bình (7,020).