Thực hiện tự chủ tài chính đại học: 32,7% trường tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư

0
892

Quan niệm sai về tự chủ đẩy gánh nặng tài chính cho người học đại học

Báo cáo của Bộ Giáo dục và đào tạo tại hội nghị về tự chủ tài chính đại học năm 2022 ngày 4-8, tới nay có 32,7% trường đại học tư đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; 13,7% trường đảm bảo chi thường xuyên.

thuc-hien-tu-chu-dai-hoc
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị

Xác định là giải pháp đột phá trong chiến lược nhằm thay đổi chất lượng giáo dục đại học, hệ thống đại học Việt Nam đã có một chặng đường 8 năm thực hiện tự chủ với nhiều khó khăn ban đầu, Hội nghị tự chủ đại học năm 2022 nhằm đánh giá những kết quả đạt được và bài học thực tiễn để tiếp tục giai đoạn mới.

thuc-hien-tu-chu-dai-hoc
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì hội nghị.

Các trường đại học thực hiện tự chủ tài chính

Con số đưa ra tại hội nghị cho thấy bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2014, đến nay theo báo cáo của Bộ GD-ĐT đã có 142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật giáo dục đại học (được sửa đổi, bổ sung năm 2018). Tới nay có 32,7% trường đại học tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; 13,7% trường đảm bảo chi thường xuyên.

Báo cáo từ các cơ sở đại học cho biết tổng thu của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ tăng rõ rệt. Thu nhập bình quân tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý. Trong đó số giảng viên có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng từ 19,4% lên 31,3%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,7% lên 5,9% sau 3 năm thực hiện tự chủ.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, tính cạnh tranh của cơ sở đại học khi triển khai tự chủ được nâng cao hơn khiến cho các trường có nhiều động thái rõ rệt để xây dựng “thương hiệu”. Cụ thể giảm quy mô đào tạo đại trà, tăng quy mô tuyển sinh các chương trình tiên tiến, đào tạo chất lượng cao và liên kết với nước ngoài, đào tạo bằng tiếng Anh.

Đến nay cả nước có 154/170 cơ sở đại học công lập đã thành lập hội đồng trường theo Luật số 34 và nghị định 99 (đạt 90,6%). Việc thành lập hội đồng trường tại các trường trực thuộc các bộ, ngành, địa phương đạt tỉ lệ 91,1%.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng tự chủ đại học là một cơ chế mới, phức tạp, cần đồng bộ của nhiều yếu tố, nhiều khâu, nhiều hoạt động, vì vậy trong quá trình triển khai thời gian qua vẫn có những vướng mắc, còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn, và đó cũng là điều khó tránh khỏi.

Trong đó có những vướng mắc do hệ thống các văn bản pháp luật làm nền tảng cho việc triển khai còn những điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ và nhất quán.

“Có khó khăn vướng víu do những thói quen cũ, cách nghĩ cũ, tư duy cũ, vướng mắc do sự chia sẻ và đón nhận từ xã hội có chuyển biến chưa đồng bộ và tương thích. Có cả những ngộ nhận về các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan tới tự chủ, có những trục trặc phát sinh trong quá trình chuyển đổi hệ thống và chuyển đổi của các đơn vị, các thành tố.

thuc-hien-tu-chu-dai-hoc

Và cả những vấn đề nảy sinh từ các điều kiện để thực hiện tự chủ trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế – xã hội của Việt Nam trong hơn 30 năm qua”, Bộ trưởng Kim Sơn nhận xét.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng việc thực hiện tự chủ vẫn còn có những hạn chế như ở nhiều trường chưa xác định rõ vai trò của hội đồng trường, tiềm ẩn nguy cơ xung đột quyền lực. Nhiều trường còn chưa được kiểm định. Đa số các cơ sở có điều kiện cơ sở vật chất, năng lực tài chính còn yếu, chưa tương xứng với quy mô người học ngày càng tăng.

Ông Sơn đặt ra 2 điểm cần khắc phục trong lộ trình tiếp theo. Thứ nhất là việc hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan tới tự chủ đại học để tránh xung đột, thiếu đồng bộ. Thứ hai là nâng cao mức chi từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học, trong đó đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách theo hướng chi đặt hàng các trường đại học trong việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và chi trực tiếp cho người học.