Tuyển sinh ĐH 2022: “Cửa hẹp” cho xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp

0
985

Năm 2022, nhiều trường đại học giảm tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó, thí sinh xét tuyển theo phương thức này đang đứng trước “cửa hẹp”.

Năm 2021, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dành 80% cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT thì năm nay, chỉ tiêu cho phương thức này chỉ còn từ 10 – 15%.

Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, việc sử dụng các phương thức xét tuyển kết hợp sẽ giúp trường đảm bảo được chất lượng đầu vào và tuyển được các thí sinh phù hợp với ngành đào tạo. Ông khẳng định trong những năm vừa qua, nhà trường đã theo dõi kết quả học tập của sinh viên bằng các phương thức xét tuyển khác nhau.

Kết quả cho thấy những sinh viên có đầu vào xét tuyển kết hợp như học trường THPT chuyên, có chứng chỉ IELTS cộng với điểm thi tốt nghiệp đều rất tốt. Đó là căn cứ quan trọng để trường đưa ra những phương thức xét tuyển phù hợp để đảm bảo có những thí sinh tốt nhất theo học.

tuyen-sinh-dh-2022-cua-hep-cho-xet-tuyen-bang-diem-tot-nghiep-1

Thí sinh đã có thông tin điểm sàn của hầu hết các trường ĐH. Ảnh: Như Ý

Dự báo điểm chuẩn năm nay, GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, đối với các trường thành viên, trường/khoa trực thuộc, tùy theo ngành/chương trình đào tạo (trừ một số ngành khó tuyển), điểm trúng tuyển sẽ cao hơn điểm sàn phổ biến từ 2 – 6 điểm, một số ngành cực hot như Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Y dược, Hàn Quốc học,… có thể cao hơn sàn 7 – 8 điểm.

GS Phạm Hồng Chương nhìn nhận tính phân loại của đề thi tốt nghiệp THPT mấy năm gần không rõ nét nên nhà trường khó sử dụng kết quả để làm căn cứ tuyển sinh nên dần dần tiến tới giảm tỷ lệ xét tuyển điểm thi. Mặt khác sự phát triển của các trung tâm khảo thí độc lập như ĐH Quốc gia Hà Nội với kỳ thi đánh giá năng lực hay Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với kỳ thi đánh giá tư duy cũng sẽ giúp các trường tuyển sinh được thí sinh chất lượng. Trong thời gian tới, các trung tâm khảo thí độc lập này sẽ phát triển hơn nữa và sẽ là cơ hội tốt cho các thí sinh. Khi đó, các thí sinh không chỉ đi thi 1 lần mà có thể nhiều lần, từ đó có nhiều cơ hội để vào ngôi trường mình mong muốn.

Trước đó, vào tháng 6, trong đề án tuyển sinh ĐH 2022, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã dự kiến từ năm 2023 sẽ chỉ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp, xét tuyển sớm với 100% chỉ tiêu, sau khi trừ số thí sinh tuyển thẳng theo quy chế; dừng phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT thuần túy. Theo đó, nhà trường sẽ dành 70% chỉ tiêu năm 2023 cho các thí sinh có chứng chỉ quốc tế, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH quốc gia Hà Nội hoặc kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. 30% chỉ tiêu còn lại sẽ dành cho các thí sinh xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh và các điểm học thuật khác.

Điểm chuẩn xu hướng tăng

ThS Nguyễn Văn Trung, Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Thương mại, cho biết qua phân tích phổ điểm, đối với tổ hợp D01 tuy điểm môn Ngữ văn cao hơn năm 2021 nhưng không bù được phần giảm của môn tiếng Anh. Tương tự, các tổ hợp khác có môn tiếng Anh cũng thế. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa điểm chuẩn sẽ giảm so với năm 2021. Theo ThS Nguyễn Văn Trung, năm nay các trường ĐH đều giảm chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đối với trường ĐH Thương mại, năm trước, điểm chuẩn cao nhất là hai ngành Marketing và Logistisc, trên 27 điểm. Năm nay, ThS Trung dự đoán điểm chuẩn bằng hoặc cao hơn một chút. Với các ngành còn lại cũng không thấp hơn 25 điểm.

Tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS. TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh thông tin, nhóm ngành Công nghệ thông tin có 7 ngành/chương trình. Năm nay chỉ có 2 ngành/chương trình xét kết quả thi tốt nghiệp THPT với 30% chỉ tiêu là Kỹ thuật máy tính (IT2) và Công nghệ thông tin Việt Nhật (IT-E6). 5 ngành/chương trình còn lại không xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT mà xét kết quả thi đánh giá Tư duy và xét tuyển tài năng. Các nhóm ngành khác chỉ tiêu dành cho xét điểm thi tốt nghiệp năm nay cũng giảm so với năm 2021. Chính vì thế nên dự báo điểm chuẩn ngành nóng của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tương tự năm trước.

Theo GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi, hai phương thức xét tuyển là kết quả kỳ thi đánh giá năng lực tư duy và kết quả thi tốt nghiệp THPT nhà trường dành không quá 50% chỉ tiêu đã công bố; hai phương thức xét tuyển thẳng, xét kết quả học bạ THPT chiếm 50% chỉ tiêu còn lại. Chính vì vậy, GS Trung Việt dự báo điểm chuẩn trúng tuyển phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT có thể tăng nhẹ so với mặt bằng chung điểm chuẩn năm 2021 và những năm trước đây, phạm vi khoảng 0,5 – 1 điểm.

tuyen-sinh-dh-2022-cua-hep-cho-xet-tuyen-bang-diem-tot-nghiep-2

Những ngành có điểm chuẩn cao nhất tại Trường ĐH Thủy lợi vẫn là khối Công nghệ thông tin và khối ngành Kinh tế, đặc biệt là các chương trình đào tạo có liên kết với nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo Báo Tiền Phong