Chỉ còn chưa đến một tuần nữa là hết hạn đăng ký xét tuyển đại học (20/8), nhưng theo thống kê của Bộ GD&ĐT mới có hơn 50% thí sinh đăng kỹ nguyện vọng trên cổng thông tin. Nhiều thí sinh vẫn đang băn khoăn về việc lựa chọn ngành nghề và sắp xếp thứ tự nguyện vọng.
Đăng ký nhiều nguyện vọng cho “chắc ăn”
Em Nguyễn Phương Linh, cựu học sinh một trường THPT tại Hà Nội cho biết, rút kinh nghiệm “đau thương” từ năm trước, em đăng ký 17 nguyện vọng nhằm giảm nguy cơ trượt đại học.
Kết quả thi năm nay của Phương Linh khá tốt với điểm xét tuyển bằng tổ hợp D01 đạt 25,5 điểm. Với mức điểm này, em đăng ký 1 nguyện vọng vào nhiều ngành khác nhau. Trong đó, năm nguyện vọng đầu đặt vào ngành kế toán, quản trị kinh doanh của nhiều trường đại học, từ trường hot đến trường top 2, 3 bởi đây là ngành em yêu thích nhất. Các nguyện vọng sau được sắp xếp theo thứ tự yêu thích giảm dần.
“Nguyện vọng cao nhất em đặt ở ngành Kế toán – hệ liên kết của Học viện Ngân hàng. Em đăng ký dựa trên việc xem xét điểm chuẩn của trường năm ngoái”, Phương Linh chia sẻ.
Phương Linh cũng cho rằng, năm ngoái em thi điểm đạt 26,5 điểm nhưng em “trắng tay” khi đăng ký không có chiến thuật. Lúc xem điểm chuẩn thì nhìn một loạt trường đăng ký đều cao chót vót. Lúc đó em phải đứng trước sự lựa chọn vào chọn trường đại học tư thục hoặc thi lại năm nay. Và em đã lựa chọn thi lại tuy nhiên điểm không cao hơn năm ngoái: “Nhưng năm nay em biết để ý lựa sức mình hơn”- Linh nói.
Còn em Trần Thu Trang (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, em vừa “chốt danh sách” các nguyện vọng đăng ký xét tuyển với 20 nguyện vọng khác nhau. Dù có điểm IELTS khá cao, 6.5 được quy đổi nhưng em đã bỏ lỡ phương thức kết hợp với xét tuyển bằng học bạ.
Năm ngoái, với 28 điểm em đăng ký vào vài trường kinh tế có tiếng như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương và em “rụng như sung”- Trang chia sẻ.
Và giờ với 26 điểm, Trang rất thận trọng để đặt nguyện vọng bởi sơ sẩy một chút là lỡ mất, “xôi hỏng bỏng không” vào trường và ngành học mà em yêu thích.
Để chắc ăn, em tính trong một hai ngày tới trước ngày “chốt sổ” em thêm một vài nguyện vọng sau nữa để kiểu gì cũng phải đi học năm nay.
Em Nguyễn Tiến Đạt (Hà Nội), năm nay điểm thi của em đạt 28,25 và định chọn đăng ký xét tuyển vào ngành CNTT trường Học viện Bưu chính Viễn thông và tổng số nguyện vọng em chỉ đăng ký đến 5 nguyện vọng mà thôi.
“Em thích vào học trường ĐH FPT nhưng điều kiện gia đình không cho phép nên em được tư vấn nên học ngành này của trường HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Tuy nhiên, em đang được trường ĐH Phenikaa cho học bổng 4 năm học nên em đang xem xét đặt thứ tự ưu tiên” – Đạt nói.
Tuy nhiên, việc đăng ký “thả cửa” nguyện vọng xét tuyển theo các chuyên gia tuyển sinh cũng có mặt lợi là sẽ thỏa mãn bài toán tâm lý và nâng cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có trường hợp chọn nhiều nguyện vọng nhưng không trúng tuyển vì chọn ngành, tổ hợp xét tuyển vượt xa năng lực của mình. Để tăng khả năng trúng tuyển vào các ngành học yêu thích, thí sinh cần có chiến lược chọn ngành, trường, tổ hợp xét tuyển phù hợp với điểm số.
Chiến thuật đăng ký nguyện vọng dễ trúng tuyển
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho biết quy chế tuyển sinh và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT quy định không giới hạn số lần đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng là để tạo cơ hội tốt nhất cho thí sinh trúng tuyển.
Bà Thuỷ cũng lưu ý, thí sinh cần có chiến thuật “rải” nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Mỗi phương thức xét tuyển có một tỉ lệ chỉ tiêu tuyển nhất định. Nếu thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành mình yêu thích bằng phương thức xét tuyển sớm, nên đăng ký là nguyện vọng 1. Đồng thời không nên tập trung tất cả các nguyện vọng vào trường top đầu, những trường có mức độ cạnh tranh quá cao. Nếu không cẩn thận sẽ có nguy cơ không đỗ trường nào.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, thí sinh không nên để sát thời hạn mới đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí.
“Thí sinh biết và thực hiện đúng kế hoạch tuyển sinh năm 2022, tránh nhầm lẫn, sai sót làm mất đi cơ hội xét tuyển” – Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) năm 2022 đều phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GDĐT (trừ thí sinh trúng tuyển thẳng theo Điều 8 của Quy chế nếu đã xác nhận nhập học trên Hệ thống).
Không yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước 16/9
Theo Bộ GD&ĐT, cơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 16/9/2022 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ 00 ngày 30/9/2022.
Cơ sở đào tạo phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro được công bố trong đề án tuyển sinh theo quy định. Phối hợp với các CSĐT có liên quan để giải quyết đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan tới công tác xét tuyển của CSĐT theo quy định của pháp luật.
Để nâng cao khả năng trúng tuyển, ngoài Ngôn ngữ Trung Quốc, nữ sinh còn đặt nguyện vọng vào một số ngành khác như Lịch sử của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Em cũng đăng ký thêm nguyện vọng theo phương thức xét tuyển bằng học bạ để “chống trượt”.