Nhiều trường đại học ‘vỡ trận’ tuyển sinh: Chuyện đã được cảnh báo trước

0
861
ky-thi-tot-nghiep-thpt-2022-vs-nhung-con-so-noi-bat

Các chuyên gia cho rằng nhiều trường đại học đã “vỡ trận” trong tuyển sinh năm 2022 nên buộc phải xét tuyển bổ sung. Điều này đã được cảnh báo trước mùa tuyển sinh năm nay.

Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, từ ngày 1-10 (thời điểm thí sinh hoàn tất xác nhận nhập học trên hệ thống của bộ), các trường thông báo xét tuyển đợt bổ sung (nếu có), tuy nhiên ngay từ hôm công bố điểm chuẩn (15-9) thì hàng loạt trường đồng thời thông báo xét tuyển bổ sung luôn.

Các trường xét tuyển bổ sung gồm trường công lập, tư thục và có cả trường tốp đầu. Trong đó, nhiều trường công lớn xét bổ sung trên 500 chỉ tiêu và có không ít trường tư thục tuyển bổ sung cả ngàn chỉ tiêu.

Trường ĐH Xây dựng Miền Tây (Bộ Xây dựng) cũng xét tuyển bổ sung đến 580 chỉ tiêu vào 15 chuyên ngành theo phương thức xét học bạ (điểm sàn 18 điểm) và xét kết quả thi THPT (điểm sàn 14 điểm – thấp nhất hiện nay).

Đáng chú ý, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM tiếp tục dành đến 2.000 chỉ tiêu cho đợt xét tuyển bổ sung (tổng chỉ tiêu của trường này năm nay là 2.045 sinh viên).

Lý giải về thực tế này, các chuyên gia cho rằng nhiều trường ĐH đã “vỡ trận” trong tuyển sinh năm 2022 nên buộc phải xét tuyển bổ sung. Điều này đã được cảnh báo trước mùa tuyển sinh năm nay.

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng chục trường thiếu chỉ tiêu sau đợt 1: Thứ nhất, sau khi có kết quả lọc ảo cuối cùng của Bộ GD-ĐT, số lượng thí sinh trúng tuyển ít hơn chỉ tiêu tương ứng của ngành mà các trường đã xác định và công bố (thường rơi vào các ngành ít thí sinh đăng ký).

Thứ hai, sau một thời gian xác nhận nhập học trong hệ thống của bộ, tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học vẫn thấp. Điều này có nghĩa rất nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng không có ý định nhập học hoặc không biết rõ quy định này.

Nói cách khác, năm nay tỉ lệ ảo vẫn rất cao. Trong khi đó, tại các cuộc họp trước khi lọc ảo, Bộ GD-ĐT đều khẳng định tỉ lệ ảo năm nay sẽ thấp, nên các trường không dám gọi tỉ lệ vượt chỉ tiêu nhiều (để trừ hao lượng thí sinh ảo như mọi năm) vì sợ bị phạt.

Theo ông Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, mọi năm số thí sinh trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm (học bạ, đánh giá năng lực…) chỉ cần nộp giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT (bản chính) cho trường để xác nhận nhập học là xong. Từ đó, các trường cũng nắm được số chỉ tiêu còn lại để xác định điểm sàn và chỉ tiêu xét tuyển ở phương thức xét điểm thi THPT.

Nhưng năm nay các trường rất khó khăn trong việc xác định điểm sàn và điểm chuẩn vì không lường được lượng thí sinh ảo ở nhiều phương thức, dẫn đến đưa ra mức điểm cao để rồi lại không tuyển đủ chỉ tiêu. Riêng các trường tuyển sinh không tốt ở những năm trước thì năm nay càng khó khăn hơn là điều tất yếu.

Theo Báo Tuổi Trẻ