Tuyển sinh bổ sung vẫn vắng bóng thí sinh

0
864
ket-thuc-ky-thi-thpt-nam-2022-diem-chuan-dai-hoc-se-tang-nhe

Nhiều cơ sở giáo dục đại học liên tục đăng tuyển bổ sung nhưng số hồ sơ nộp vào rất thấp.

Theo thống kê từ các cơ sở đào tạo đại học (ĐH), cả nước có hơn 100 cơ sở thông báo xét tuyển bổ sung chỉ tiêu từ vài chục đến vài ngàn thí sinh. Tuy nhiên, thí sinh vẫn không mặn mà đăng ký dù có cả chỉ tiêu ở những ngành “hot”.

Thí sinh bỏ nhập học, trường hụt chỉ tiêu

Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM hiện cần xét tuyển bổ sung hơn 600 chỉ tiêu cho bậc ĐH chính quy. Cụ thể, trường tuyển cho 12 ngành học, nhiều nhất là các ngành như công nghệ kỹ thuật môi trường, kỹ thuật cấp thoát nước, kỹ thuật trắc địa bản đồ…

Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM cũng xét bổ sung đến chín ngành/chuyên ngành với tổng chỉ tiêu là 500 em theo hai phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét kết quả học tập THPT.

Theo nhà trường, ba chuyên ngành cần bổ sung nhiều nhất là cơ khí ô tô, cơ điện tử ô tô, quản lý cảng và logistics…

Tương tự, dù khối ngành y dược có tổng chỉ tiêu tuyển bổ sung khá thấp nhưng hiện Khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM đang còn thiếu khá nhiều. Cụ thể, khoa cần tuyển bổ sung 160-170 chỉ tiêu ngành điều dưỡng, 16-20 chỉ tiêu cho ngành y học cổ truyền.

Khoa xét tuyển theo hai phương thức, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và kết hợp giữa điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM với học bạ THPT.

Còn tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), theo ThS Trần Vũ, Trưởng Phòng tuyển sinh và truyền thông, trường xét tuyển bổ sung cho tám ngành, đều là những ngành trọng điểm như khoa học vật liệu, địa chất học, hải dương học, khoa học môi trường… Tổng chỉ tiêu mỗi ngành của mỗi phương thức tối đa là 5-15 thí sinh.

Để thu hút thí sinh, trường sẽ dành thêm các suất học bổng tương đương 50% và 100% học phí một năm học cho các thí sinh xét tuyển với số điểm cao, theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

100.000

thí sinh từ chối nhập học. Qua thống kê của Bộ GD&ĐT, có hơn 567.000 thí sinh (trong đó 3.580 trúng tuyển cao đẳng sư phạm) trúng tuyển chính thức sau khi kết thúc đợt 1 tuyển sinh năm 2022 (ngày 30-9).

Tuy nhiên, chỉ 81,7% trong số này hoàn thành xác nhận nhập học trên hệ thống. Như vậy, hơn 100.000 thí sinh đã từ chối nhập học, đồng nghĩa với việc các cơ sở đào tạo bị thiếu hụt chỉ tiêu khá lớn nên phải xét tuyển bổ sung.

Không biết thí sinh ở đâu?

Không chỉ thiếu khá nhiều chỉ tiêu, một số trường ĐH tại TP.HCM đã liên tiếp xét tuyển bổ sung các đợt nhưng số thí sinh đăng ký vẫn rất hạn chế, nhất là các trường ngoài công lập.

Cụ thể như Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM hơn nửa tháng qua đã nhiều lần thông báo xét tuyển bổ sung nhưng chỉ nhận được thêm hơn 300 hồ sơ đăng ký trong tổng số chỉ tiêu còn thiếu là hơn 1.300.

Tương tự, mặc dù vừa kết thúc đợt 1 xét tuyển bổ sung, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng lại tiếp tục xét tuyển bổ sung đợt 2 cho 35 ngành đào tạo. Thời gian nhận hồ sơ đến ngày 15-10, theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm học bạ THPT.

Trong đó có nhiều ngành “hot” nhưng còn thiếu khá nhiều chỉ tiêu như: Y học cổ truyền, hộ sinh, tâm lý học, quan hệ quốc tế, ngôn ngữ Nhật, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, thương mại điện tử và quản trị sự kiện.

Trường ĐH Văn Lang cũng đang tiếp tục nhận hồ sơ tuyển sinh bổ sung đợt 2 cho 60 ngành học. Điểm sàn nhận hồ sơ khá thấp, chỉ 16-21 điểm với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, 18-24 điểm tổ hợp ba môn xét tuyển học bạ và 650-750 điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.

Một cán bộ phụ trách tuyển sinh ở một trường ngoài công lập cho biết trường thiếu cả ngàn chỉ tiêu nhưng mỗi ngày số thí sinh đăng ký chỉ lác đác.

“Điểm nhận hồ sơ thấp và gần như thí sinh nào đạt điểm sàn là trúng tuyển luôn nhưng vẫn không tìm ra thí sinh, trong đó có cả những ngành “hot” mà mọi năm tuyển đủ từ đợt 1. Tôi không biết thí sinh đang ở đâu trong khi còn cả mấy trăm ngàn em vừa rồi trúng tuyển nhưng chưa nhập học và cả số chưa đăng ký xét tuyển. Khả năng nhiều thí sinh đã chọn đi học trường nghề rồi vì học phí để học ĐH hiện nay khá cao” – vị này bày tỏ.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết trường thông báo xét tuyển bổ sung 180 chỉ tiêu cho tám ngành/nhóm ngành đào tạo ở cơ sở TP.HCM và thêm 140 chỉ tiêu tại Phân hiệu Quảng Ngãi. Tuy nhiên, kết thúc đợt bổ sung (ngày 30-9), số hồ sơ trường nhận được không đáng kể. Do đó, trường quyết định dừng tuyển sinh năm 2022 để tập trung cho kế hoạch năm học mới.

Theo ông Nhân, có thể những ngành tuyển bổ sung đều là những ngành hằng năm “kén” thí sinh vì thí sinh sợ ra trường đi làm vất vả dù lương có cao và nhu cầu lao động lớn.

Tương tự, chỉ tiêu của trường khoảng 7.000 em nhưng hiện Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, TP.HCM mới tuyển được khoảng 70%. Trường đã tổ chức nhập học từ tháng 9 và từ đó đến nay vẫn xét tuyển bổ sung nhưng số thí sinh đăng ký hồ sơ vẫn rất ít. Trường dự kiến tuyển đến hết tháng 10 sẽ ngưng để tập trung cho kế hoạch năm học mới. “Có thể sau đại dịch, các doanh nghiệp thiếu hụt lao động khá lớn nên các em chọn đi làm để kiếm thêm thu nhập. Các cơ sở đào tạo cũng có mức thu học phí mới khá cao khiến việc đi học của nhiều gia đình gặp khó khăn hơn” – TS Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, nói.

Xét tuyển bổ sung đến tháng 12-2022

Theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT, các cơ sở đào tạo còn thiếu chỉ tiêu sẽ tiếp tục xét tuyển bổ sung từ tháng 10 đến tháng 12-2022. Các thí sinh sẽ thực hiện nộp hồ sơ xét tuyển theo kế hoạch riêng của từng cơ sở đào tạo.

https://plo.vn/tuyen-sinh-bo-sung-van-vang-bong-thi-sinh-post702566.html