Thi tốt nghiệp THPT sau 2025: Vì sao lịch sử là môn thi bắt buộc, khi nào không còn thi trên giấy?

0
915
ket-thuc-ky-thi-thpt-nam-2022-diem-chuan-dai-hoc-se-tang-nhe

Ngày 30-3, PGS.TS Huỳnh Văn Chương – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – chia sẻ về ba điểm mới của phương án thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - chia sẻ về phương án thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025 - Ảnh: NGUYÊN BẢO

PGS.TS Huỳnh Văn Chương – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – chia sẻ về phương án thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025 – Ảnh: NGUYÊN BẢO

Ba điểm mới quan trọng trong phương án thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025

Phương án thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025 đang được xin ý kiến rộng rãi. Theo ông Huỳnh Văn Chương, phương án có ba điểm mới.

Thứ nhất là việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực phù hợp Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Thứ hai, bộ muốn nhấn mạnh đến việc định hướng nghề nghiệp qua các môn thi tự chọn từ các môn chọn học của học sinh, điều này giúp sớm định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích cho các em.

Thứ ba, theo lộ trình từ năm 2025-2030, từng bước, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin để tổ chức kỳ thi trên máy tính.

“Chúng tôi kỳ vọng, phương án này vừa đáp ứng được yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp và đánh giá chất lượng dạy và học theo sự tiến bộ của người học. Ngoài ra, kết quả thi đủ độ tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo xét tuyển sinh, học sinh được định hướng nghề nghiệp ngay từ sớm”, ông Chương nói.

Tại sao lịch sử là môn thi bắt buộc?

Theo ông Huỳnh Văn Chương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xin ý kiến đa chiều trước khi quyết định đưa môn lịch sử là môn thi bắt buộc sau năm 2025.

Hiện bộ đang nhận được khá nhiều ý kiến đồng thuận, đặc biệt từ các thầy cô giáo giảng dạy và học sinh trong trường phổ thông. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số ý kiến khác nhau, nhất là ủng hộ việc thi môn lịch sử nhưng cần thay đổi nhiều hơn cách ra đề cho môn học này.

“Những ý kiến góp ý này, bộ sẽ tiếp tục cầu thị, lắng nghe, tổng hợp tiếp thu và phân tích đa chiều”, ông Chương cho biết.

Theo ông Chương, với kỳ thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025, đề thi sẽ bám sát Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Cụ thể sẽ chú trọng đánh giá năng lực, có sự phân hóa phù hợp để bảo đảm vừa để xét công nhận tốt nghiệp và kết hợp đạt nhiều mục tiêu khác nhau.

Thi trên máy tính

Ông Huỳnh Văn Chương cho biết việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính là một trong những mục tiêu đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc. Đây là xu thế phù hợp với quốc tế trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ.

“Các năm 2025, 2026, 2027, kỳ thi vẫn tiếp tục được tổ chức trên giấy; song song với đó, bộ sẽ thử nghiệm diện hẹp thi trên máy tính tại một số địa phương đủ điều kiện.

Sau khi thử nghiệm đồng bộ, có đánh giá tác động, các điều kiện đều đáp ứng cho mỗi địa phương thì bộ mới tính toán triển khai đồng loạt”, ông Chương nói.

Theo Báo Tuổi trẻ