Có nên bỏ kỳ thi giáo viên giỏi? Cá nhân tôi đề nghị không nên, nhưng cần thay đổi.
40 năm qua mà tôi còn nhớ như in tiết dạy có dự giờ năm đó. Thật lòng, tôi chuẩn bị công phu để “diễn” và rồi mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ.
Tuy nhiên, sau giờ dạy, một thầy giáo giàu kinh nghiệm giảng dạy chỉ cho tôi những vấn đề thừa – thiếu lúc tôi giảng bài. Ngẫm ngợi, tôi nhận ra nhiều điều hay, giúp mình giảng tốt hơn những bài sau.
Điều đó, 4 năm học đại học sư phạm, ngay ở môn giáo học pháp, khó có được hướng dẫn thực tế và sâu sắc như thế.
Tác dụng tích cực
Nghề dạy học lạ lắm, soạn kỹ, “học thuộc bài”, lên lớp say sưa, song hiệu quả – trong không ít trường hợp – không được như mong muốn. Mỗi tiết dạy nhiều tình huống xảy ra, khoảng cách giữa các hoạt động (dự kiến trên giáo án) và tổ chức thực hiện nhiều khi lớn.
Tác dụng của dự giờ phụ thuộc vào người được dự giờ và người dự giờ. Nếu cùng nhau tôn trọng, trung thực, bản lĩnh, cầu tiến, chân tình, “say” chuyên môn, dù có báo trước khi dự giờ thì tác dụng của việc dự giờ vẫn tích cực.
Năm 2009, tôi (lúc đó là hiệu trưởng) cử một cô giáo dự kỳ thi giáo viên giỏi dành cho giáo viên trẻ. Tôi, cô ấy, tổ/nhóm chuyên môn cùng nhau chuẩn bị công phu cho ngày “lên tỉnh ứng thí”.
Cô giáo dự thi (cũng là học trò cũ của tôi), khỏi phải nói, cô soạn, “diễn”, lặp đi lặp lại. Lãnh đạo trường kỳ vọng, người dự thi tự tin. Nhưng với chúng tôi, đích đến là sự trưởng thành về nghề nghiệp của số giáo viên trẻ tại trường.
Tôi nhớ, thi xong cô chạy xe máy về, xuống đèo Prenn bị té xe, may mà chỉ bị thương ở phần mềm. Họp toàn thể giáo viên sau đó, tôi kể cho mọi người nghe những cố gắng của cô, cả chuyện rủi ro… Ai cũng xúc động.
Phòng họp tĩnh lặng, dường như trong ai cũng nhân lên tình nghề nghiệp và quyết tâm dạy tốt vì học trò thân yêu. Cô giáo dự thi giáo viên giỏi ngày đó giờ là giáo viên dày dạn kinh nghiệm và cùng với đó là tổ ấm hạnh phúc.
5 đề xuất thay đổi
Những năm gần đây, kỳ thi giáo viên giỏi không còn thú vị như xưa, thầy cô không mặn mà dự thi, lãnh đạo của không ít trường phổ thông nặng nề thành tích, họ chỉ “đối phó, đối phó, đối phó”.
Trong tình hình đó, sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp hữu ích (của người dự thi), rồi tiết giảng – do nông chuyên môn, tắt lửa nghề – mà lại muốn “hư danh” nên không “diễn sâu” mới là lạ.
Để có thể trả kỳ thi giáo viên giỏi về đúng quỹ đạo của nó, hướng tới mục tiêu tốt đẹp đề ra, theo tôi, cần thực hiện ít nhất 5 thay đổi sau.
Trước hết, không gắn kỳ thi này với đánh giá, thi đua của giáo viên, tổ chuyên môn, nhà trường. Càng không “tích hợp”, xem kỳ thi là bước đệm để giáo viên thăng tiến.
Hai là, không tổ chức kỳ thi giáo viên giỏi cấp trường hằng năm, nên 3 năm hoặc 5 năm tổ chức 1 lần.
Ba là, người dự thi giáo viên giỏi, trước đó, nhà trường thăm dò ý kiến trong học sinh, phụ huynh, cựu học sinh, giáo viên, nhân viên (trong trường) – khi nhận được đồng thuận cao mới đưa vào danh sách dự thi (tất nhiên, còn phải được giáo viên trong danh sách đó đồng ý).
Bốn là, không nặng nề đánh giá sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp hữu ích. Thay vào đó, tổ (nhóm) chuyên môn, lãnh đạo nhà trường, đoàn thể tổng hợp quá trình giảng dạy, công tác của giáo viên dự thi; nhận xét, đánh giá công tâm, tỉ mỉ, xác đáng bằng một hệ quy chiếu chặt chẽ.
Khi đảm bảo các chỉ số, tiêu chí, tiêu chuẩn của một giáo viên giỏi thì công nhận. Hội đồng giám khảo để tăng độ tin cậy có thể phỏng vấn trực tiếp giáo viên dự thi và tham khảo thêm báo cáo của cá nhân (theo mẫu quy định).
Năm là, tùy điều kiện của trường, vận động tài trợ để có một khoản tiền thưởng xứng đáng cho mỗi giáo viên được vinh danh giáo viên giỏi, và có hình thức động viên, khen thưởng mô phạm khác.
Ở cấp huyện (quận), tỉnh (thành phố), cả nước, theo hướng trên, căn cứ báo cáo của cơ sở và quá trình giám sát, kiểm tra để công nhận giáo viên giỏi.
Đặc biệt, lưu tâm những giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, những cố gắng không ngừng nghỉ (nhưng lặng thầm) của giáo viên đứng lớp tại đó. Việc dạy minh họa, nếu cần thiết, thì tổ chức nhằm nhân rộng điển hình, giới thiệu những tiết giảng hay, đổi mới, phù hợp với thực tế.
Điều kiện tiên quyết
Để thực hiện, điều kiện tiên quyết đó là năng lực chuyên môn, lòng tự trọng, tính trung thực, trách nhiệm của cán bộ quản lý trường học, của đội ngũ giáo viên. Được vậy, kỳ thi giáo viên giỏi thật sự của nhà giáo mẫu mực, yêu nghề, mến trẻ với tâm niệm: “Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”.
Theo Báo Tuổi Trẻ