9 cách giúp bạn lấy lại bình tĩnh và cân bằng

0
1367

Áp lực công việc quá lớn khiến bạn lúc nào cũng có cảm giác không đủ thời gian và tâm trạng thường trở nên khó chịu, cáu gắt. Nếu muốn giảm căng thẳng và giữ sự bình tĩnh, dưới đây là những lời khuyên hữu ích.

Bỏ bớt một vài hoạt động
Hãy xem danh sách công việc phải làm và tự hỏi mình: “Nếu tôi không làm điều đó ngày hôm nay, có vấn đề gì xảy ra không?”. Nên nhớ không phải mọi nhiệm vụ cấp bách là quan trọng; cũng như không phải mọi nhiệm vụ quan trọng đều cấp bách.
Cách tốt nhất để không bị choáng ngợp là học cách đơn giản hóa cuộc sống bằng việc chỉ cần làm những việc thật sự cần thiết, những việc chưa thật sự cần đến thì cứ để yên đó, từ từ giải quyết.
Hít thở sâu
Khi vướng phải một tình huống căng thẳng, hãy dừng lại một phút và làm theo những bước sau: Hít thở sâu bằng bụng 5 lần. Tưởng tượng mỗi lần thở ra là tống căng thẳng ra ngoài. Mỉm cười, nếu cần thiết hãy giả vờ cười. Thực hành bài tập này thường xuyên, ở công sở cũng như ở nhà sẽ thấy cuộc sống dễ chịu hơn.
Thả lỏng
Sau khi tập hít thở sâu, hãy kiểm tra xem trên cơ thể bạn có nơi nào chưa thả lỏng tự nhiên hay không?. Tiếp đó, massage nhẹ nhàng những vùng đang căng thẳng để đưa cơ thể về trạng thái thư giãn hoàn toàn hoặc có thể tưởng tượng rằng đang ở một nơi nào đó làm bạn thấy yên bình: bãi biển, bồn tắm nước nóng hay trên một con đường quê với cảnh vật thanh bình…
Ăn chậm nhai kỹ
Theo Lifehack, đây là phương pháp không chỉ giúp bạn học được tính kiên nhẫn mà còn có tác dụng giảm béo rất hiệu quả. Ăn uống vội vã chỉ khiến bạn ăn nhiều hơn mức cần thiết và còn có thể gây béo phì. Cách tốt nhất để rèn sự kiên nhẫn là ăn chậm rãi và dành thời gian để cảm nhận hương vị của món ăn.
Giảm đa nhiệm và đa suy nghĩ
Nhiều bằng chứng đã chỉ ra thói quen thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc thật sự không mang lại hiệu quả. Điều này cũng đúng trong cả trường hợp suy nghĩ đến nhiều vấn đề trong cùng một khoảng thời gian (tâm trí điên cuồng nhảy từ một suy nghĩ này sang suy nghĩ khác mà không cố gắng tập trung vào phân tích điều cụ thể nào đó).
Để giải quyết vấn đề này, một vài phút thiền định hay âm nhạc là thật sự cần thiết nhằm giúp tâm trạng thoải mái hơn, từ đó tâm trí cũng ít bị choáng ngợp hơn.
Tận hưởng trên từng chặng đường đi
Cứ chăm chăm vào đích đến cuối cùng sẽ nhanh chóng làm bạn đuối sức. Bạn đang đeo đuổi một mục tiêu to lớn, đòi hỏi cần nhiều thời gian và sự nhẫn nại, do đó không nên nóng vội. Hãy chia nhỏ chặng đường thành nhiều cột mốc, và ăn mừng mỗi khi vượt qua được một cột mốc nào đấy.
Những phản hồi tích cực đến thường xuyên sẽ giúp bạn kiên trì hơn, vững lòng hơn và tìm thấy nhiều niềm vui hơn trong quá trình đạt được mục tiêu của mình.
Đừng đòi hỏi bản thân phải hoàn hảo
Chẳng có vấn đề gì nếu bạn không phải là một người hoàn hảo. Thực tế cho thấy, khá nhiều người ra vẻ hoàn hảo đều là người giả dối. Khi bạn đòi hỏi bản thân và người khác phải hoàn hảo, bạn chỉ làm khổ mình thôi.
Luyện tập sự nhẫn nại mỗi ngày
Mỗi ngày, bạn có thể luyện tính nhẫn nại và khả năng đương đầu với căng thẳng, theo những cách đơn giản như: Khi xếp hàng trong siêu thị, hãy chọn hàng dài nhất hoặc đi dạo qua những công viên hay đường quê hẻo lánh…
Hãy vận động
Bất kỳ môn thể dục nào, từ đi bộ hoặc nhảy theo nhịp điệu yêu thích đến bóng đá, cầu lông… cũng đều có tác dụng “bơm” một số hoóc môn cảm giác tốt (gọi là endorphins) cho cơ thể và tâm trí. Một số nghiên cứu đã chỉ ra duy trì hoạt động thể chất giúp làm tăng năng suất công việc, tăng cường khả năng đối phó với căng thẳng và thúc đẩy tâm trạng theo chiều hướng tích cực.
Thanh Niên