Thi THPT quốc gia 2017: Môn Sinh dễ “dính” điểm liệt

0
1685

Năm nay, thí sinh phải chọn một trong hai bài thi tổ hợp để xét tốt nghiệp THPT. Với bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, nhiều giáo viên lo lắng học sinh sẽ dễ bị điểm liệt môn Sinh, nhất là những em không chọn môn Sinh để xét tuyển sinh đại học (ĐH).

Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội đồng thời là giáo viên chuyên dạy Sinh học, xưa nay, quan niệm của học sinh đây là môn học khó. Vì là môn học tích hợp kiến thức của nhiều bộ môn khác như Lý, Hóa, Địa lý, Công nghệ. Như vậy, môn Sinh học  đòi hỏi năng lực tư duy lớn.

Do đó, nếu học môn Sinh để nắm chắc, hiểu sâu thì phải có sự đam mê, yêu thích, tìm hiểu. Nhưng thực tế, ở trường phổ thông, học sinh do thấy khó học, lại tích hợp nhiều môn khác nhau nên ngại học. Đồng thời, nhiều em  quan niệm đó không phải là môn đáp ứng các kỳ thi nên cũng chưa quan tâm đến việc học một cách thực sự.

“Qua thực tế giảng dạy tôi thấy có nhiều học sinh từ chỗ không muốn học, không chăm học nên không hiểu môn Sinh. Vì vậy kết quả có thể sẽ không được như ý muốn” – thầy Bình nói.

Về giáo viên, theo thầy Bình, trong điều kiện giảng dạy hiện nay, các điều kiện khai thác nguồn tài liệu trên internet nhiều, giáo viên cũng có thể gắn môn học với đời sống và thực hành, nhưng thực tế chưa làm được đầy đủ nên học sinh chưa thấy được cái hay, cái ý nghĩa của việc học môn Sinh.

“Nên tôi nghĩ, trong các kỳ thi, môn Sinh thường là môn thuộc tốp điểm thấp. Nếu cứ như thế này, học sinh sẽ dính nhiều điểm liệt ở môn Sinh. Đây là suy nghĩ, cảm nhận của tôi qua quá trình chỉ đạo việc dạy và học trong nhà trường. Tôi đã nói chuyện với học sinh nhưng các em không thấy được tầm quan trọng của việc học đều các môn và còn trông chờ vào sự may rủi nào đó” – thầy Bình cho hay.  Thầy Bình cho biết, với 60% học sinh của trường THPT Việt Đức lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Không chỉ riêng thầy Bình, mà qua trao đổi với giáo viên một số trường THPT khác của Hà Nội, dễ nhận thấy các trường đều rất lo. Tuy nhiên, cô Trần Thị Thanh Xuân, Tổ trưởng bộ môn Sinh học, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định thì cho rằng với đề thi có 4 mức yêu cầu thì cũng không đến nỗi phải lo lắng nếu thí sinh thi để xét tốt nghiệp.

Hai sai lầm thường mắc với bài thi môn Sinh

Để có thể đạt được kết quả môn Sinh học như mong muốn, thầy Bình cho rằng với những thí sinh từ trước đến nay chểnh mảng môn Sinh thì phải lựa chọn những kiến thức cơ bản nhất để học. Trước hết phải ôn tập lại các kiến thức đã học, dành thời gian giữa các môn một cách phù hợp. Thứ hai nắm được phương pháp học tập môn Sinh. Tập trung giải quyết các câu hỏi dễ trong đề thi trước. Những câu hỏi khó hoặc hiểu một cách lơ mơ thì để làm sau.

Cô Trần Thị Thanh Xuân, giáo viên Sinh học trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chia sẻ: Môn Sinh có hai mảng là kiến thức lý thuyết và bài tập. Với lý thuyết, học sinh cần nắm chính xác khái niệm. Nên lập sơ đồ tư duy cho mỗi bài và mỗi chương vì lý thuyết nhiều. Nên luyện các đề thi thử để nhớ lý thuyết.

Mảng bài tập, số lượng bài tập trong SGK ít, nên chia ra thành các dạng bài tập và phương pháp giải các dạng bài tập đó. Sau đó, tìm các bài tập cho mỗi dạng để luyện.

“Kinh nghiệm của tôi là thí sinh cần chọn câu dễ để làm trước. Sau khi làm hết, học sinh mới chuyển sang làm những câu còn tồn đọng. Câu khó cũng làm dần. Những câu có thể giải quyết được thì làm trước, không giải quyết được làm sau, tránh sa đà vào câu khó. Đề thi Bộ cũng phân bổ từ dễ đến khó. Vì vậy thí sinh cần làm từ dễ đến khó” – cô Xuân khuyên.

Mặt khác, theo cô Xuân, thí sinh còn có hai sai lầm khi làm bài thi. Thứ nhất sa đà vào một bài tập nào đó. Khi quay lại bài khác thì hết thời gian. Thứ hai là câu dẫn của đề môn Sinh thường dài nên phải đọc kỹ đề bài. Các phương án nhiễu trong môn sinh nhất là phần bài tập là một bài luận nhỏ, do đó thí sinh cần phải giải  cẩn thận, không đoán mò. Trong quá trình làm bài thi, cô Xuân cho rằng thí sinh thường không đọc kỹ đề bài. Đây cũng là điều phải rút kinh nghiệm. Thời lượng thi năm nay chỉ 50 phút nên học sinh cần phân bổ thời gian rất hợp lý.

24h