Bí kíp để viết mở bài vừa ‘hay’ vừa ăn ‘trọn’ điểm trong môn Ngữ Văn

0
2628

Phần mở bài là một khâu mở màn khá quan trọng trong một bài văn. Vậy làm thế nào để có một phần mở bài hay mà lại gây ấn tượng với người chấm thi là cả một vấn đề?

Các bạn hãy tham khảo những cách làm dưới đây để trang bị cho mình bí kíp mở bài ăn trọn điểm tối đa cho các bạn tham khảo thêm nhé.

Theo thầy Đặng Ngọc Khương (Giáo viên THPT Chuyên Đại học Quốc gia Hà Nội): Mở bài không chỉ có ý nghĩa đảm bảo cho bài văn có một cấu trúc hoàn chỉnh mà còn có nhiều ý nghĩa khác. Một mở bài ngắn gọn, súc tích, gọi tên được vấn đề và có sức lôi cuốn không chỉ tạo tiền đề cho người viết triển khai mạch văn một cách dễ dàng mà còn tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với người chấm.

1. Trước khi mở bài hay, cần mở bài đúng

Nhiệm vụ của một mở bài là đặt vấn đề/nêu vấn đề mà bài văn cần phải xử lý/giải quyết. Hiểu được như thế đồng nghĩa với việc dù ta có chọn cách mở bài nào đi chăng nữa cũng không được xa rời nhiệm vụ của mở bài. Thực tế chấm thi, không ít học sinh mở bài rất dài, rất hay, rất lôi cuốn nhưng không có điểm vì không nêu được vấn đề cho bài văn.

Sau khi xác định được nhiệm vụ của mở bài, bước tiếp theo là phải làm thế nào để nhiệm vụ đó được triển khai một cách hoàn hảo nhất. Nên nêu vấn đề một cách gián tiếp hay trực tiếp, đơn giản hay kỳ công… là một câu hỏi lớn.

2. Nên viết mở bài theo ý riêng của mình, phù hợp với yêu cầu đề bài

Với kiểu bài nghị luận xã hội (thường là nghị luận về một tư tưởng đạo lý hoặc bài học đời sống), cần lưu ý không nên nêu trực tiếp vấn đề mà nên đặt vấn đề đó vào một phạm vi rộng hơn để dẫn dắt.

Chẳng hạn để yêu cầu trình bày suy nghĩ về vấn đề: Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông thì chúng ta nên mở bài bằng cách nêu lên những vấn đề chung về văn hóa ứng xử hoặc vấn đề chung về lĩnh vực giao thông rồi mới dẫn đến vấn đề trực tiếp.

Hay đề bài yêu cầu bình luận về đức tính trung thực của con người thì chúng ta phải dẫn dắt từ những phẩm chất tốt đẹp của con người nói chung…

Đối với dạng đề nghị luận văn học, vấn đề mở bài trở nên phong phú hơn bởi chúng ta có nghị luận văn xuôi, nghị luận thơ, nghị luận kịch, ký… và trong mỗi dạng bài nghị luận gắn với thể loại ta lại chia nhỏ hơn. Chẳng hạn, nghị luận thơ chúng ta có nghị luận cả bài; nghị luận một đoạn hay so sánh đoạn này với đoạn khác… Nghị luận văn xuôi ta có nghị luận về đoạn văn, về nhân vật, về chi tiết…

– Với dạng đề nghị luận về một đoạn thơ/đoạn văn, cách mở bài gián tiếp về cơ bản gần giống như mở bài nghị luận về một tác phẩm, đó là: Dẫn dắt từ đề tài, chủ đề; sau đó đến tác phẩm (khẳng định đó là tác phẩm tiêu biểu của tác giả nói chung và giai đoạn/phong trào nói riêng, hoặc khẳng định nét riêng của tác phẩm); tiếp đến là dẫn đến đoạn thơ/đoạn văn được phân tích (khẳng định đó là phần thể hiện nổi bật giá trị nội dung tư tưởng và những thành công đặc sắc về mặt nghệ thuật…”.

Ví dụ: Đề bài yêu cầu cảm nhận 9 câu thơ đầu trong bài Đất nước, ta có thể tham khảo mở bài sau:

“Đất Nước” từ lâu đã là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung. Nếu như các nhà thơ cùng thời thường chọn điểm nhìn về Đất Nước bằng những hình ảnh kỳ vĩ, mỹ lệ hay cảm hứng về lịch sử qua các triều đại thì Nguyễn Khoa Điềm lại chọn điểm nhìn gần gũi, quen thuộc bình dị để miêu tả về Đất Nước. Đến với bài thơ “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm ta như đứng trước muôn màu văn hóa, truyền thống, phong tục tươi đẹp vô ngần. Vẻ đẹp ấy được hiện lên sâu sắc nhất qua chín câu thơ đầu. (trích thơ)

– Với dạng đề so sánh 2 đoạn thơ/đoạn văn/nhân vật/chi tiết… thì phần mở bài lại đặt ra nhiều thách thức hơn. Nếu học sinh chọn cách dẫn dắt từng tác giả, tác phẩm thì mở bài sẽ dài và đơn điệu. Nếu học sinh đi tìm điểm chung về đề tài, chủ đề, cảm hứng… của 2 đối tượng rồi dẫn trực tiếp vào từng đối tượng thì mở bài sẽ hay và hấp dẫn nhưng lại khó.

Ví dụ: So sánh Đất nước của Nguyễn Đình Thi và Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, chúng ta có thể tham khảo dàn ý sau:

Trải suốt chiều dài lịch sử văn học, hình tượng đất nước đã bắt nhịp trái tim của không biết bao nhiêu nghệ sĩ để đi vào thơ với vẻ đẹp thiêng liêng và niềm tin yêu sâu sắc. Hồn thiêng đất nước, tinh thần dân tộc hào hùng được bắt nguồn từ “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”… tiếp nối bền vững qua mỗi thời kỳ. “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi và “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm gặp gỡ nhau ở đề tài ấy. Hai đoạn thơ tiêu biểu ở hai bài thơ đã góp phần thể hiện rõ….

Trước khi mở bài hay, hãy biết cách mở bài đúng. Đầu tư thời gian hợp lý để viết một mở bài đúng, hay là cách “lấy lòng” người chấm bài, giúp bài thi phần nào được ưu ái và cho điểm cao hơn.

thiquocgia