Bí quyết học và thi để đạt điểm cao môn văn trong thời gian ‘nước rút’

0
6228

Nam sinh Nguyễn Sơn Tùng (Top 5 thí sinh có điểm cao nhất cả nước trong kỳ thi THPT Quốc gia đã có những chia sẻ thú vị xung quanh việc ôn luyện môn Văn trong thời gian ‘nước rút’ này.

Nguyễn Sơn Tùng (1997) hiện đang là sinh viên năm thứ hai, chuyên ngành Trinh sát Phản gián, Học viện An ninh nhân dân.

Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015, với sự cố gắng của bản thân và được sự giúp đỡ, chỉ dạy tận tình từ giáo viên trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, Tùng  đạt 27,75 điểm khối C. Cụ thể, môn Văn:  9,25 điểm, môn Địa: 9,5 điểm và môn Lịch sử: 9 điểm.

Với số điểm đó, Tùng lọt top 5 thí sinh có điểm cao nhất cả nước trong kỳ thi THPT Quốc gia. Ngoài ra, Tùng còn là Á khoa khối C, Học viện An ninh nhân dân.

a2

Bên cạnh yếu tố năng khiếu, Tùng cho rằng việc xác định phương pháp học sẽ mang lại hiệu quả cao.

Gần một tháng nữa là tới kỳ thi THPT Quốc gia, Nguyễn Sơn Tùng khuyên thí sinh cần chọn cho mình cách học hợp lý để ôn thi trong thời gian ‘nước rút’ này.

Thí sinh cần tập trung vào những vấn đề quan trọng, ôn tập toàn bộ tác phấm văn học lớp 12 một cách cụ thể, chi tiết.

Chia sẻ về phương pháp học và làm bài thi môn Văn, nam sinh này cho rằng, khác với các môn khoa học tự nhiên, học văn là học cách điều khiển và sử dụng ngôn từ cũng như cách biểu đạt cảm xúc.

Muốn học tốt môn Văn, trước hết bạn phải tạo được niềm yêu thích và hứng thú với nó. Bởi làm việc với văn chương là bạn làm quen với các tác phẩm và những cuốn sách dài, chằng chịt chữ. Nếu không tạo được cho mình niềm yêu thích thì bạn rất dễ chán và buồn ngủ.

“Không nên nghĩ khối C cần ít tư duy hơn các khối khác, việc nắm vững cách ôn tập, học đúng cách sẽ giúp các thí sinh dễ dàng vượt qua các môn học này”, Tùng nói.

18157799_804338146389807_4242557604710222010_n

Sơn Tùng (ngoài cùng bên trái) khuyên thí sinh nên chọn cách học phù hợp trong thời gian ‘nước rút’ này.

Trong kì thi THPT Quốc gia, cấu trúc bài thi Ngữ văn sẽ gồm có 2 phần: Đọc hiểu và Làm văn.

Ở phần Đọc hiểu, thí sinh phải nắm vững cách đọc hiểu cũng như nắm chắc phần tiếng Việt. Đặc biệt có nhiều câu đòi hỏi viết thành đoạn văn, thí sinh cần viết đúng trọng tâm và cấu trúc.

Trong phần Làm văn, thí sinh cần viết rõ ý, tránh lan man. Tùng cho biết, đề bài nghị luận văn học sẽ là các tác phẩm trong chương trình lớp 12.

Khi viết bài, thí sinh cần nêu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận ở phần mở bài. Đặc biệt ở phần thân bài, thí sinh cần vận dụng vốn kiến thức sâu, rộng nhất có thể để bài viết trở nên sinh động hơn.

Riêng ở phần kết bài, ở bước này thí sinh khẳng định vấn đề đã nghị luận và nâng cao thành những giá trị khái quát về nội dung.

Đối với các tác phẩm thơ, thí sinh cần phân tích các yếu tố ngôn từ, hình ảnh, các biện pháp tu từ.

Còn ở phần văn xuôi, thí sinh cần phân tích các yếu tố về bố cục văn bản, nghệ thuật trần thuật, các chi tiết khắc họa nhân vật ( ngoại hình, hành động, cử chỉ, đối thoại, độc thoại nội tâm…) để tìm ra những giá trị về nội dung và nghệ thuật tác phẩm ( giá trị nhân đạo, chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa yêu nước, vẻ đẹp tâm hồn nhân vật, khuynh hướng sử thi cảm hứng lãng mạn…).

Ngoài ra, đối với môn Lịch sử và Địa lý, thí sinh cũng nên tìm cho mình cách ôn luyện phù hợp, tránh tình trạng “ôn nhiều nhưng nhớ ít”.

Với môn Lịch sử, phần lịch sử Việt Nam, thí sinh chia nhỏ các phần ra để học. Theo đó, thí sinh học theo mỗi giai đoạn để biết được ở giai đoạn đó có những điểm nhấn nào? Mốc lịch sử ấy bao gồm những gì?

Môn Địa lý, thí sinh chia theo các phần và học theo các ý. Không chỉ vậy, thí sinh có thể học qua một kênh khác đó là khai thác Atltat địa lý Việt Nam để nhớ lâu hơn.

Với môn Sử và Địa sau khi học qua một lượt, thí sinh phải ghi ra giấy và học theo sơ đồ tư duy thì sẽ nhớ kỹ hơn.

“Trong thời gian ‘nước rút’ này, sĩ tử` tránh nhồi nhét quá nhiều dẫn đến ‘bội thực’ kiến thức. Trước hôm thi, các bạn nên đọc lại các bài. Quan trọng là những ngày gần thi, sỹ tử nên đi ngủ sớm, tránh trường hợp thức quá khuya sẽ gây mệt mỏi, uể oải”, chàng trai này nói.

VTC