Chính sách cộng điểm ưu tiên đang bị ngược đối với thí sinh thành phố

0
1505

TS. Đàm Quang Minh cho rằng, chính sách cộng điểm ưu tiên theo khu vực đã không còn chính xác tuyệt đối, một số địa phương được cộng điểm thực tế đã có điểm trung bình cao hơn cả những khu vực không ưu tiên. Thậm chí, chính sách cộng điểm ưu tiên hiện nay đang bị ngược đối với các thí sinh tại địa bàn KV3.

Theo quy chế tuyển sinh ĐH của Bộ GD-ĐT trong nhiều năm qua, thí sinh có thể được cộng đến 3,5 điểm từ ưu tiên đối tượng, khu vực. Khẳng định chính sách này là cần thiết nhưng nhiều trường cũng cho rằng đã đến lúc cần nghiên cứu lại cho sát thực tế và đảm bảo công bằng cho thí sinh.


Không nên cộng điểm ưu tiên với những ngành hót

Không nên cộng điểm ưu tiên với những ngành “hót”

Có trở thành chính sách ưu tiên ngược?

TS Đàm Quang Minh cho rằng, chính sách cộng điểm theo khu vực và diện ưu tiên đầu tiên ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu này của xã hội. Có quá nhiều khó khăn để các đối tượng khu vực vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận việc học đại học.

Điều đáng nói là Việt Nam không phải nơi duy nhất có những chính sách này. Ngay tại nước Mỹ, các sắc dân thiểu số cũng vẫn có chính sách hỗ trợ để tiếp cận các bậc đại học dễ dàng hơn. Thậm chí, có một số trường còn hạn chế sinh viên Do Thái ở mức 15% vì các sinh viên này quá giỏi và chiếm hết chỗ học của các sinh viên khác (một số trường theo Cơ đốc giáo). Hay đặc biệt những ngành như luật có chính sách nhất định để tăng số lượng sinh viên da đen và nhập cư khác theo học.

Do đó có thể nói chính sách ưu tiên dạng này không phải là đặc thù Việt Nam nhưng điều đáng nói là chính sách này đã trở thành ưu tiên ngược.

TS Minh phân tích, ở những ngành như công an hay y, người dân nội thành tại Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng không thể được nhập học khi mà điểm chuẩn đã lên mức 30,25. Có nghĩa rằng nếu bạn sinh ra ở HN thì bạn đừng nên có giấc mơ làm công an, bộ đội hay bác sĩ. Điều này trở thành ưu tiên ngược.

Theo số liệu thống kê của kỳ thi mới nhất, các địa phương khu vực 3 lại cũng không phải những địa phương có điểm trung bình cao nhất. Các tỉnh có điểm thi trung bình chung cao nhất theo thứ tự thuộc về Nam Định, An Giang, Ninh Bình và Hà Nam.

Tương tự như vậy, số thí sinh có điểm 9-10 nhiều nhất là Hà Nội và Tp.HCM nhưng nếu tính trên tỷ lệ dân số thì vẫn thua Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang và Vĩnh Phúc.

“Như vậy những học sinh khu vực kinh tế tốt hơn cũng không có được lợi thế hơn về cả điểm trung bình lẫn những người có điểm số cao. Do vậy, chính sách cộng điểm ưu tiên hiện nay đang bị ngược đối với các thí sinh tại địa bàn KV3. Hay nói cách khác, nếu bạn trót sinh ra tại các quận nội thành của Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh, các bạn hãy từ bỏ giấc mơ nghề nghiệp ngành nghề an ninh hay bác sĩ” – TS Minh nhấn mạnh.

Theo TS Đàm Quang Minh, bài toán tuyển sinh 2017 đang chứa đựng mâu thuẫn. Chính sách cộng điểm theo khu vực đã không còn chính xác tuyệt đối, một số địa phương được cộng điểm thực tế đã có điểm trung bình cao hơn cả những khu vực không ưu tiên. Cần nói rõ là về cơ bản vẫn có một lượng lớn cần chính sách hỗ trợ để tăng cơ hội vào đại học của nhóm kém tiếp cận như các học sinh H’Mông và Dao.

Không bỏ nhưng cần điều chỉnh cho sát thực tế

PGS.TS Lê trọng Thắng, trường ĐH Mỏ Địa chất khẳng định: “Chúng ta không thể bỏ chính sách cộng điểm ưu tiên nhưng cần điều chỉnh lại vì với mức cộng điểm chính sách ưu tiên hiện nay quá lớn tới 3,5 điểm quá chênh lệch dẫn đến sự bất hợp lý không công bằng cho thí sinh giỏi. Ưu tiên này, không còn phù hợp với thực tế hiện nay, cần thay đổi lại khung chính sách”.

Do đó, ông Thắng kiến nghị nên điều chỉnh mức ưu tiên hẹp lại. Chính sách ưu tiên tối đa chỉ từ 1 – 1,5 điểm là phù hợp.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho hay, chính sách cộng điểm vẫn là tất yếu phải thực hiện, ở nước ngoài vẫn có chính sách ưu tiên đối với vùng khó. Tuy nhiên, chính sách ưu tiên cần phải rà soát lại, chi tiết, nghiên cứu để sát với thực tế hơn và xem mức điểm ưu tiên như thế nào phù hợp với cải cách thi cử.

Ông Nguyễn Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT cho rằng, trong điều kiện hiện nay không bỏ được điểm ưu tiên. Muốn điều chỉnh lại ưu tiên thì phải trưng cầu ý kiến xã hội để đưa ra phương án cộng đồng chấp thuận.

Theo TS Đàm Quang Minh, thực tế là đã có nhiều cách để giải quyết vấn đề này ngay tại Việt Nam. Ví dụ với trường quốc tế của Liên hợp quốc là trường UNIS. Có một số lượng lớn học sinh Việt Nam và Hàn Quốc muốn trở thành học sinh của trường và có thể dẫn tới nguy cơ trường biến thành trường Việt Nam hay Hàn Quốc. Trường đã đưa ra chính sách mỗi quốc tịch chỉ có tối đa 20% số học sinh.

Hay chính các trường quân đội khi tuyển cũng có 2 mức điểm cho nam và nữ. Đặc thù quân đội sẽ cần nhiều nam quân nhân hơn nhưng thực tế các bạn nữ thường có điểm số cao hơn. Do đó nếu tuyển theo nguyện vọng điểm, số nữ quân nhân sẽ cao hơn nam. Trường hạn chế nữ bằng cách điểm chuẩn nữ cao hơn điểm chuẩn nam.


Cần có phương án tuyển sinh riêng đối với các ngành hót, trường hót

Cần có phương án tuyển sinh riêng đối với các ngành hót, trường hót

Không nên cộng điểm ưu tiên với những ngành “hót”

Theo thống kê của nhiều trường đại học, đối tượng được cộng điểm ưu tiên vào trường hàng năm có tới 90% thí sinh được cộng từ 0,5 – 3,5 điểm và 10% thí sinh không được cộng vì ở khu vực 3.

Ví dụ điển hình nhất là ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội có 476 thí sinh đỗ với điểm chuẩn là 29,25. Trong đó, số thí sinh ở khu vực 3 (không được cộng điểm ưu tiên khu vực) là 24 em, chiếm 5%. 21 thí sinh (chiếm 4,4%) không được cộng cả điểm ưu tiên đối tượng lẫn khu vực. Như vậy, nhiều thí sinh điểm cao của các thành phố lớn thuộc KV 3 trượt nguyện vọng mà mình yêu thích.

Để giải quyết tình trạng thí sinh điểm cao trượt nguyện vọng 1 ở những ngành “hót” ông Nguyễn Viết Khuyến, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, nếu tuyển sinh chỉ dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia thì chỉ phù hợp với trường tốp giữa hoặc tốp dưới. Còn đối với trường tốp trên hoặc các ngành hót, ngành năng khiếu thì không phù hợp.

Theo ông Khuyến, trong trường hợp này nên tổ chức thi 2 lần. Vòng 1 sơ tuyển vẫn cộng điểm ưu tiên (vòng này có thể tuyển gấp đôi chỉ tiêu ); vòng 2 tuyển để lấy theo chỉ tiêu thì không cộng điểm ưu tiên. Đề thi vòng 2 này do trường quyết định. Đây là cách giải quyết hợp lý nhất cho mấy ngành hót đông thí sinh dự thi.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Trọng Thắng cho hay, với những ngành “hót” không nên cộng điểm ưu tiên vì ưu tiên với những ngành hót mà thí sinh đổ xô đăng ký vào như vậy bất hợp lý. Với những ngành hót, điểm chuẩn luôn cao thì các trường có quyền không cộng điểm ưu tiên để chọn thí sinh cho công bằng. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải bàn kỹ một cách bài bản.

Còn theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, trường ĐH Kinh tế quốc dân, với trường “hót”, ngành hót đông thí sinh thi vào thì không chỉ dựa vào điểm mà cần phải có tiêu chí khác, ví dụ như công an, quân đội có sơ tuyển và các trường có môn thi năng khiếu phải xem môn năng khiếu đó thí sinh được bao nhiêu điểm mới chọn.

“Các trường cũng cần phải có hình thức xét tuyển toàn diện hơn chứ không cứ vào điểm thi mà đây lại là kỳ thi 2 trong 1. Với đề án tuyển sinh riêng các trường cần lưu ý các tiêu chí này. Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng sẽ có phương án để tuyển những thí sinh điểm cao chất lượng đồng thời tạo sự công bằng giữa các thí sinh” – ông Triệu cho hay.

TS Đàm Quang Minh cho rằng: “Điểm thi không nên là thước đo duy nhất để tuyển chọn vào các trường. Trong nhiều trường hợp nên có chỉ tiêu riêng để đảm bảo tính đa dạng của đầu vào sinh viên theo vùng miền, điều kiện xã hội”.

Giải thích về việc thí sinh điểm cao trượt đại học, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trước đây khi thi tự luận mỗi môn thi chỉ có một đề thi duy nhất thì đề thi chỉ có một vài câu hỏi khó rơi vào một vài chương của chương trình nên chỉ một số ít thí sinh chuyên sâu các chương này mới làm được.

Nay thi trắc nghiệm với 24 mã đề thi khác nhau, những câu hỏi khó rải rác trong khắp chương trình. Vì thế nhiều thí sinh có thể làm được kéo theo số thí sinh điểm cao nhiều hơn khi thi tự luận.

Tuy nhiên, số lượng thí sinh được điểm 9-10 cũng chỉ chiếm không quá 3% tổng số thí sinh dự thi, điểm trung bình hầu hết các môn thi đều nằm trong khoảng 5-6 điểm nên đề thi không phải là dễ.

Vấn đề là số lượng thí sinh có điểm cao này lại ưu tiên đăng kí vào những trường, những ngành mà lâu nay điểm chuẩn vốn dĩ đã rất cao, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh rất ít, vì vậy, có hiện tượng một số thí sinh điểm cao vẫn không trúng tuyển nguyện vọng 1.

Dân trí