Thiếu trầm trọng thông dịch viên

0
1984

Không chỉ đào tạo ít, sinh viên tốt nghiệp các ngành ngoại ngữ tại VN còn chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng cao của nghề biên – phiên dịch.

Thông tin này được đưa ra trong buổi tọa đàm về nghề thông dịch viên do Saigon Times Group và ĐH RMIT (VN) tổ chức tại TP.HCM sáng 1.11.
Thu nhập vài trăm USD/giờ
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho biết giai đoạn 2017 – 2025 mỗi năm TP.HCM cần 270.000 – 300.000 nhu cầu nhân lực (trong đó 130.000 chỗ làm mới). Riêng nhu cầu nhân lực nhóm ngành khoa học xã hội chiếm tỷ trọng 2%, trong đó cần khoảng 1.000 biên – phiên dịch.
Theo ông Tuấn, nhu cầu nhân lực này tuy không nhiều về số lượng nhưng là một nghề quan trọng. Đây còn là công việc có thu nhập cao với mức lương trung bình từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Ở các chuỗi hội nghị, thương thuyết cao cấp thì lương được tính theo giờ từ vài trăm USD trở lên. Với một số ngôn ngữ ít thông dụng như Đức, Ý… thì lương còn cao hơn.
Bà Võ Thị Bích Thủy, Trưởng phòng Tuyển dụng và tư vấn nhân sự ManpowerGroup VN, cho biết từng có doanh nghiệp (DN) Nhật Bản chấp nhận trả mức lương từ 16 – 20 triệu đồng/tháng cho thông dịch viên có trình độ N1 và không đòi hỏi kinh nghiệm của ứng viên.
Cũng theo bà Thủy, nhân lực về tiếng Hàn, Nhật và Hoa đang tăng đột biến và cung không đủ đáp ứng đủ cầu kể cả số lượng và chất lượng. Tại đơn vị này, thống kê trong năm 2016 và nửa đầu 2017, đơn hàng tuyển dụng của các DN lên tới cả ngàn người.
Bà Thủy cho biết một số DN Hàn Quốc sau khi đưa ra tiêu chí tuyển dụng khắt khe đã phải giảm bớt, nhưng sau 5 tháng tìm người vẫn chưa đáp ứng được một nửa đơn hàng. Tương tự, nhu cầu biên – phiên dịch tiếng Nhật và Hoa cũng đang là vấn đề nan giải.
Đào tạo nhỏ lẻ, kỹ năng hạn chế
Theo bà Thủy, có nhiều nguyên nhân “khát” nhân lực biên – phiên dịch. Việc đào tạo các ngành này ở VN hiện còn nhỏ lẻ, trong đó các trường ĐH tại TP.HCM đào tạo chưa đến 300 chỉ tiêu về tiếng Hàn, tiếng Nhật cũng chưa tới 300 người, còn tiếng Trung chưa đến 500. Tuy nhiên, theo bà Thủy, nguyên nhân quan trọng vì sinh viên (SV) sau khi tốt nghiệp ra trường chưa thể đáp ứng ngay các yêu cầu của DN tuyển dụng. Bà Thủy nêu ví dụ về một SV mới tốt nghiệp có khả năng tiếng Nhật đạt trình độ N2, dù giao tiếp rất tốt nhưng không phù hợp vì chưa được rèn luyện nhiều về kính ngữ (cách nói lịch sự trong tiếng Nhật).
Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Công ty cổ phần INNOTECH VN, cho biết: “Nhiều người giỏi ngoại ngữ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể là không có hoặc rất ít kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên ngành. Ví dụ chúng tôi đăng tuyển biên – phiên dịch về phần mềm, nhưng trong số 20 ứng viên nộp hồ sơ thì chỉ 1 – 2 người có hiểu biết về phần mềm”.
Cũng theo ông Linh, tuổi tác cao cũng là hạn chế với những người làm công việc này. “Thực tế có những ứng viên gần 40 tuổi rất giỏi tiếng Nhật nhưng ứng tuyển vào vị trí biên – phiên dịch nên bị “chỏi” trong môi trường văn hóa toàn người trẻ”, ông Linh nói.
Ông Phạm Ngọc Tân, Giám đốc giải pháp kinh doanh của Entrepreneur, cho hay: “Tôi đã tuyển 4 SV tốt nghiệp cử nhân ngoại ngữ của một trường ĐH tại TP.HCM, nhưng nhiều chỗ họ dịch trật lất, CMND, giấy khai sinh không dịch được. Trong khi đó có những từ ngữ đã được dịch sẵn trên mạng nhưng SV không chịu tìm hoặc không biết cách tìm. Đó là khoảng cách rất lớn giữa đào tạo và thực tế”.
Bà Võ Thị Bích Thủy thì cho rằng trường ĐH cần đào tạo cho SV những kỹ năng cần thiết cho từng công việc cụ thể sau khi tốt nghiệp ngành học. Vì theo bà Thủy: “Có những SV dù đạt trình độ tiếng Anh IELTS 6.5 nhưng phỏng vấn cứ ú ớ”.
theo TNO