Không chỉ khan hiếm hướng dẫn viên du lịch mà cả nhân lực phục vụ cho lĩnh vực nhà hàng, khách sạn cũng vô vùng thiếu hụt cả về số lượng lẫn chất lượng.
Chỉ đáp ứng 50% nhu cầu
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Lửa Việt Tour, nhìn nhận nhân lực ngành du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên, đang thiếu trầm trọng. “Tổng cục Du lịch thống kê năm 2017 nước ta đón hơn 13 triệu lượt khách quốc tế, 7 triệu người Việt ra nước ngoài, nhưng lực lượng hướng dẫn viên quốc tế chưa được 13.000 người, không thể đảm đương lượng khách này và chỉ đáp ứng được 50% thực tế. Trong khi đó, mảng du lịch nội địa càng thiếu. Mỗi năm có khoảng 70 triệu lượt khách Việt đi chơi trong nước, nhưng hướng dẫn viên chưa tới 10.000 người”.
Theo ông Mỹ, để đảm bảo nhân lực căn bản, lực lượng hướng dẫn viên nội địa phải tăng 5 – 6 lần trở lên.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), cũng nhìn nhận, nhiều địa phương, đặc biệt miền Trung, đang phát triển rất mạnh về du lịch nhưng số lượng thí sinh tham gia học các ngành nghề liên quan còn ít. Bên cạnh lữ hành, nhân lực phục vụ quản lý resort cũng vô cùng khan hiếm, các doanh nghiệp rất khó khăn để tìm kiếm ứng viên.
Nói về chất lượng, ông Mỹ cho rằng hạn chế lớn nhất của đào tạo nhân lực ngành này là khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế còn rất lớn. “Hiện nay phần lý luận rất nặng mà thời lượng dành cho thực tiễn quá ít. Sinh viên chỉ được thực tập, thực hành vài tuần hay vài tháng, cũng vẫn không đủ, cần tăng nhiều hơn nữa. Nếu không, các em khi đi làm rất bỡ ngỡ, không có trải nghiệm khiến doanh nghiệp buộc phải đào tạo lại”.
Trong khi đó, ông Trương Tấn Lợi, Phó giám đốc phụ trách sự kiện khách sạn Park Hyatt, thông tin nguồn nhân lực hiện nay về ngành nhà hàng khách sạn dồi dào nhưng trở ngại lớn nhất của doanh nghiệp là tìm được những ứng viên có đầy đủ tố chất và trình độ ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Đào tạo hướng tới thực hành
Tiến sĩ Võ Thanh Hải thông tin Bộ GD-ĐT cho phép đại diện các công ty du lịch có kinh nghiệm có thể tham gia giảng dạy. “Sự dịch chuyển về quy định mới này sẽ làm cho việc đào tạo du lịch sắp tới tốt hơn”, ông Hải cho biết.
Để nhân lực tốt nghiệp khối ngành du lịch – lữ hành – nhà hàng – khách sạn đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của thực tế, theo ông Trương Tấn Lợi, các trường ĐH, CĐ, trung cấp nên mời những nhân sự từ các khách sạn, nhà hàng lớn, các doanh nghiệp du lịch về giảng dạy. “Họ là những người có tâm huyết và quan trọng là kinh nghiệm thực tế sống động để có thể chia sẻ, truyền đạt lại cho sinh viên. Điều này vô cùng quan trọng, giúp sinh viên hình dung rõ hơn về những tình huống, khó khăn, vất vả của nghề dịch vụ đặc thù này”, ông Lợi chia sẻ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Mỹ nhấn mạnh cần tăng thời lượng thực hành, thực tập cho sinh viên tại các doanh nghiệp để có nhiều trải nghiệm nghề nghiệp.
Tại nhiều trường ĐH hiện nay, việc kết nối với doanh nghiệp hoặc tạo môi trường thực tế để giúp sinh viên tiếp cận các tình huống cụ thể trong nghề, cũng được tiến hành.
Thạc sĩ Trần Hải Nam, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh – truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết ngay từ năm 2 sinh viên đã được tham gia học kỳ doanh nghiệp tại các nhà hàng, khách sạn, công ty lữ hành trong vòng 2 tháng rưỡi để thực hành chuyên môn, kỹ năng, thái độ.
Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM thì chú trọng đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng, thực hiện chương trình “từ giảng đường tới doanh nghiệp”, có môn học thực tế tại các doanh nghiệp tương ứng.
Sinh viên Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn được học một số môn tại doanh nghiệp để va chạm thực tế, hiểu được công việc sau khi ra trường như tư vấn, làm buồng, bếp… Trong khi đó, ngoại ngữ cũng được nhiều trường đẩy mạnh.
Thạc sĩ Văn Thị Thiên Hà, Giám đốc hệ thống chương trình VN, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết sinh viên tốt nghiệp phải đạt tối thiểu TOEIC 500. Ngành du lịch của Trường ĐH Văn Hiến mỗi năm đều tổ chức chương trình cho sinh viên tham quan các địa điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn. Ngoài ra, còn có 25 giảng viên nước ngoài để tăng cường ngoại ngữ cho sinh viên.
Theo Thanh niên