Đề thi thử THPT môn Ngữ Văn số 15

0
3109

TTO – Lợi dụng lúc những người lao xuống hồ cứu nhóm học sinh đuối nước dưới hồ Gia Nghĩa, Nguyễn Công Đoàn và Văn Tiến Phong đã lén lấy đồ đạc, tài sản của họ rồi bỏ trốn.

   Sáng 7-4, Công an thị xã Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông cho biết đã bắt hai trong số bốn đối tượng liên quan vụ trộm cắp đồ đạc của nhóm học viên Trường Trung cấp Nghề Đắk Nông trong lúc nhóm học viên này lao xuống hồ nước cứu người bị đuối nước tại hồ trung tâm thị xã Gia Nghĩa chiều 5-4-2017.

   Hai đối tượng bị bắt gồm Nguyễn Công Đoàn (19 tuổi, trú huyện Krông Ana, Đắk Lắk) và Văn Tiến Phong (33 tuổi, trú thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông).

   Tham gia trộm cắp tài sản trong vụ cứu người bị đuối nước chiều 5-4 còn có thêm hai đối tượng khác, hiện đang bỏ trốn.

   Tại cơ quan công an, Đoàn và Phong khai nhận chiều 5-4 khi đang đứng ở gần hồ Gia Nghĩa thì thấy nhiều người tập trung theo dõi hiện trường nhóm học sinh đuối nước ở hồ.

   Nhìn thấy trên bờ có nhiều đồ đạc, ví, điện thoại của những người nhảy xuống hồ cứu các nạn nhân bỏ lại, nhóm đối tượng đã lợi dụng sơ hở lấy trộm rồi rời khỏi hiện trường.

   Qua xác minh, Công an thị xã Gia Nghĩa xác định số tài sản mà các đối tượng trộm cắp là của anh Hoàng Trọng Hiệp và anh Hoàng Đức Thắng – đang là học viên của Trường Trung cấp Nghề Đắk Nông.

   Theo trình báo của anh Thắng và anh Hiệp thì chiều 5-4, khi đang thực tập gần hồ Trung tâm thị xã Gia Nghĩa thì nghe thấy nhiều người kêu cứu. Thấy có người chới với dưới hồ nước, cả hai anh đã lao xuống để cứu nạn nhân. Khi lên bờ thì đồ đạc, tài sản bỏ lại trong lúc cứu người đã bị mất…

(Bắt hai kẻ trộm đồ của người xuống hồ cứu học sinh đuối nước. Tuoitre.vn. 07/04/2017 16:35)

Câu 1 (0.5 điểm): Xác định phong cách ngôn ngữ và thể loại của văn bản.

Câu 2 (0.5 điểm): Đặt nhan đề khác cho văn bản.

Câu 3(1.0 điểm): Trong thời gian gần đây, có nhiều thông tin về thói xấu của người Việt ở trong và ngoài nước như ăn trộm đồ, không có thói quen xếp hàng, làm ồn nơi công cộng… Anh chị hãy nêu một vài giải pháp để khắc phục tình trạng trên.

Câu 4 (1.0 điểm): Từ văn bản trên, anh chị rút ra được bài học gì cho bản thân.?

Phần II. Tự luận (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm):  Anh/ chị hãy viết đoạn văn nghị luận (không quá 200 chữ) nêu suy nghĩ của mình về hiện tượng trộm cắp vặt hiện đang tồn tại trong xã hội ta hiện nay.

Câu 2 (5.0 điểm): Suốt dọc bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng có sự phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai bè cảm xúc: Hào hùng và hào hoa.

Anh/ chị hãy làm sáng tỏ nhận xét trên qua đoạn thơ sau:

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá giữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

(Trích: Tây Tiến – Quang Dũng)

Đáp án :

Phần I: Đọc – hiểu(3.0 điểm)

Câu 1: -Phong cách ngôn ngữ báo chí. (0,25 đ)

-Thể loại: Bản tin. (0,25 đ)

Câu 2:   Học sinh có thể có những cách đặt nhan đề khác nhau nhưng đảm bảo bám sát vào nội dung văn bản. Nhan đề ngắn gọn, hấp dẫn. (0.5 đ)

Câu 3(1.0 đ)   Học sinh có thể đưa ra nhiều giải pháp khác nhau để giải quyết tình trạng trên (Có lí giải). Giải pháp đưa ra phải thiết thực, đúng chuẩn mực đạo đức xã hội và pháp luật. Có thể tham khảo một số giải pháp sau:

-Giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức người Việt về việc cần loại bỏ những thói hư tật xấu. Việc giáo dục cần có sự chung tay của  gia đình, nhà trường và xã hội.

-Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

-Cần xử lí nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

…………………………

Câu 4 (1.0 đ)Học sinh rút ra bài học cho bản thân từ việc đọc hiểu văn bản. .

Có thể tham khảo một vài ý:

  • Bài học về tình yêu thương, đức hi sinh;
  • Bài học về việc cần tránh xa sự ích kỉ, tham lam, vô cảm…

Phần II: Tự luận (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

a) Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận (0,25 điểm):

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm): nạn trộm cắp vặt trong xã hội ta hiện nay.

c) Chia vấn đề thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận (1,0 điểm)

Sau đây là một số gợi ý có tính định hướng:

– Nạn trộm cắp vặt là một hiện tượng đáng buồn vẫn đang tồn tại trong xã hội ta hiện nay (Trộm cắp vặt ngoài xã hội, công sở, trường học, nơi tham quan du lịch, trong nước, ngoài nước…)

– Những kẻ lưu manh lợi dụng sơ hở thiếu cảnh giác hoặc hoàn cảnh éo le của mọi người để thực hiện hành vi trộm cắp.

– Hành vi nảy sinh từ lòng tham, lười biếng, chỉ muốn hưởng thụ mà không biết lao động…

– Đây là hành vi xấu, ảnh hưởng đến nhân cách con người, làm xấu đi hình ảnh của cả một thế hệ, cả một dân tộc.

– Cần có những giải pháp mạnh mẽ ngăn chăn, chấm dứt thực trạng đáng buồn này: ( Xử phạt, giác ngộ…)

Câu 2.

 Xác định đúng vấn đề cần nghị luận : Cảm xúc hào hùng, hào hoa qua đoạn 3 bài thơ Tây Tiến

Có thể trình bày theo định hướng sau:

* Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận (0,25 điểm)

  • Đoàn quân Tây Tiến thành lập đầu năm 1947. Quang Dũng là đại đội trưởng.
  • Nhiệm vụ: phối hợp với bộ đội Lào đánh tiêu hao lực lượng Pháp ở Thượng Lào miền Tây Bắc bộ Việt Nam góp phần bảo vệ biên giới Lào – Việt.
  • Địa bàn hoạt động: khá rộng gồm Sơn La Hòa Bình Sầm Nứa (Lào) vòng về miền tây Thanh Hóa.
  • Điều kiện chiến đấu gian khổ: núi cao vực thẳm rừng dày thú dữ sốt rét hoành hành.

Cuối 1948 Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Bài thơ được sáng tác tại Phù Lưu Chanh sau khi rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu. Lúc đầu có tên Nhớ Tây Tiến sau khi in lại trong tập Mây đầu ô tác giả đổi tên thành Tây Tiến.

Bài thơ có sự phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai bè cảm xúc: Hào hùng và hào hoa.

* Thân bài:

– Giải thích  (0, 25 điểm)

+ Hào hùng: vẻ đẹp kiêu dũng, anh hùng.vẻ đẹp phẩm chất , cốt cách mạnh mẽ thuộc về ý chí.

+ Hào hoa: Bay bổng, lãng mạn trong tâm hồn.

Đây là hai mạch cảm xúc cơ bản hòa quyện với nhau làm nên vẻ đẹp của hình tượng người lính thời chống Pháp.

– Chứng minh qua đoạn thơ (2.5 điểm)

+ Đây là đoạn thơ thể hiện rõ nét nhất sự phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai bè cảm xúc: Hào hùng, hào hoa.

+ Cảm xúc hào hùng, hào hoa thể hiện trong việc khắc họa bức chân dung người lính trong một thời đại anh hùng. Người lính mang phong thái kiêu hùng của những chiến binh anh hùng, khao khát lập chiến công ( Đoàn binh không mọc tóc, dữ oai hùm,)

+ Cảm xúc hào hùng hào hoa thể hiện trong việc thể hiện nội tâm người lính ( Hào hùng  với khát vọng lập công bảo vệ tổ quốc- Mắt trừng gửi mộng qua biên giới, hào hoa lãng mạn trong  nỗi nhớ Dáng kiều thơm – nhớ  những người con gái xinh đẹp đáng yêu trên mảnh đất Hà Thành )

+ Cảm xúc hào hùng, hào hoa  thể hiện ngay cả khi nhà thơ nói về sự hi sinh của người lính (Hi sinh vì một lời thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh – Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Vẻ đẹp tráng sĩ làm mờ đi thực trạng thiếu thốn khốc liệt của chiến trường – Áo bào thay chiếu anh về đất/ sông Mã gầm lên khúc độc hành )

Đúng là “ Lí tưởng cách mạng đã truyền cho các chàng trai Tây Tiến chất anh hùng ngang tàng và chất men say lãng mạn ngay cả khi họ chết cũng như phảng phất nét nghệ sĩ tài tử”  (Phong Lan– Bài thơ Tây tiến- tượng đài bất tử về người lính vô danh)

+ Âm hưởng lời thơ bi tráng,nhiều biện pháp nghệ thuật đặc sắc đã góp phần tạo nên vẻ đẹp hào hùng hào hoa cho bức chân dung người lính Tây Tiến.

– Đánh giá, bình luận (0,5 điểm)

+ Đoạn thơ làm hiện lên một bức chân dung độc đáo, mới mẻ về hình tượng người lính.

+ Cảm xúc trong đoạn thơ tạo nên âm hưởng của thời đại.

+ Cảm xúc trong đoạn thơ đã góp phần không nhỏ làm nên giá trị cho Tây Tiến trong nền thi ca Việt Nam

* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận

(Đề sưu tầm ,có chỉnh sửa và bổ sung)

thi quoc gia